CEO Homefarm kể về cơ duyên với quỹ Alibaba, chia sẻ bí quyết giúp gọi vốn thành công trong mùa dịch
Sở dĩ Homefarm và quỹ eWTP gặp nhau là vì 2 bên có những phẩm chất mà bên kia tìm kiếm. Thương vụ này đã hoàn thành từ tháng 6/2021 và thực tế là bên Homefarm không muốn ‘khoe’ mà chỉ muốn âm thầm tiếp tục phát triển.
Homefarm được thành lập vào năm 2014, bởi 2 founder là Vũ Thế Tiến cùng Trần Văn Trường. Anh trường hiện kiêm luôn chức vụ CEO của doanh nghiệp.
Vừa qua, trên các trang thông tin kinh doanh quốc tế đã rầm rộ thông tin: Quỹ Đổi mới và Công nghệ eWTP của Alibaba đã đầu tư vào chuỗi cửa hàng thực phẩm Việt Nam là Homefarm. Dù không công bố số tiền đầu tư cụ thể nhưng CEO Homefarm Trần Văn Trường tiết lộ khoản đầu tư này có "bảy chữ số". Hiện Homefarm có khoảng 150 cửa hàng trên toàn quốc.
Khoản đầu tư mới nhất là thông qua Quỹ ReDefine Capital, một tổ chức đầu tư đăng ký kinh doanh tại Singapore do eWTP kiểm soát. Quỹ Đổi mới và Công nghệ eWTP của Alibaba là quỹ trị giá 600 triệu USD được thành lập vào năm 2018. Alibaba và Ant Group của tỷ phú Trung Quốc Jack Ma là những nhà đầu tư ban đầu vào quỹ này.
Còn theo tìm hiểu của chúng tôi, thì thương vụ này đã hoàn thành từ tháng 6/2021 và thực tế bên Homefarm không muốn ‘khoe’ mà chỉ muốn âm thầm tiếp tục phát triển, nhưng vì yếu tố bất khả kháng nên tất cả mọi người đều biết.
Nếu để ý, chúng ta thấy tầm cuối năm 2020, cái tên Homefarm xuất hiện khá dày đặc trên truyền thông, nhiều khả năng là để phục vụ mục tiêu gọi vốn này.
Theo thông tin trên website của eWTP, khoản đầu tư của họ sẽ từ 2 triệu đến 50 triệu USD.
Cơ duyên nào đã đưa Homefarm đến với quỹ Đổi mới và Công nghệ eWTP? Do dịch bệnh kéo dài, phải chăng Homefarm hoàn toàn gọi vốn qua online?
Với định hướng rõ ràng và tầm nhìn chiến lược trong 5 năm tăng độ phủ lên 1.000 cửa hàng, Homefarm luôn tìm kiếm và mở rộng cánh cửa đối với những người đồng hành và các quỹ đầu tư để hiện thực hóa mong muốn của mình.
Bên cạnh đó, Quỹ Đổi mới và Công nghệ eWTP cũng có tham vọng mở rộng hơn nữa vào thị trường Việt Nam, đồng thời tìm kiếm những nhà sáng lập khởi nghiệp có tinh thần quyết liệt với mục tiêu rõ ràng. Hai điều này đã khiến cho cả Homefarm và Quỹ tìm thấy điểm chung và hợp tác với nhau.
Quá trình đàm phán 1 deal thường sẽ diễn ra khoảng 4-6 tháng, chúng tôi đã hoàn tất thương vụ này từ tháng 6/2021 rồi, nên thực tế 2 bên đã có cơ hội gặp nhau trực tiếp.
Đây là vòng gọi vốn hạt giống hay Serie A? Kế hoạch gọi vốn của Homefarm trong vài năm tới?
Thông tin này không tiện chia sẻ, Homefarm sẽ không đề cập tới ở đây.
Ngoài tiền, thì Homefarm sẽ có thêm những nguồn lực nào khác sau khi gia nhập danh mục đầu tư của Quỹ eWTP? Sự có mặt của Quỹ eWTP sẽ khiến tham vọng 1.000 cửa hàng trên toàn quốc của Homefarm rút ngắn thời gian cụ thể như thế nào?
Các quỹ đầu tư đang đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam. Với sự hậu thuẫn vững chắc của Quỹ, Homefarm tin tưởng rằng sẽ đạt được mục tiêu 5 năm đã đề ra và tiến tới tầm nhìn 10 năm của doanh nghiệp.
Việc phát triển này không chỉ giới hạn ở độ phủ, giá trị thương hiệu mà còn cả chinh phục niềm tin và sự đồng hành của hàng triệu khách hàng.
Đâu là yếu tố quan trọng nhất giúp Homefarm lọt vào ‘mắt xanh’ của Quỹ eWTP?
Để ứng phó Covid-19, Homefarm cũng tham gia đường đua livestream bán hàng.
Qua 7 năm gia nhập thị trường, Homefarm đã chứng minh được phần nào mô hình kinh doanh hiệu quả của mình qua sự phát triển từng ngày, cũng như khả năng lãnh đạo của đội ngũ sáng lập qua việc thu hút nhân lực tài năng và đạt được những thành thành tựu nhất định, chiếm lĩnh thị trường và chinh phục khách hàng.
Thực tế, các Quỹ đầu tư cũng chú trọng xem xét khả năng nhạy bén thị trường của doanh nghiệp cũng như những điểm nổi bật của mô hình kinh doanh để có thể đưa đến thành công. Tôi cho rằng đây cũng là 1 trong các yếu tố quyết định để Quỹ có thể đồng hành với Homefarm hiện tại và trong tương lai.
Phải chăng, việc Homefarm vẫn đứng vững trong Covid-19 đã giúp doanh nghiệp gây ấn tượng mạnh với nhà đầu tư?
Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển của Homefarm, có lẽ thời điểm khó khăn nhất mà doanh nghiệp phải đương đầu là đợt đại dịch Covid lần này. Chúng ta đều nhìn thấy ảnh hưởng và hậu quả cho Covid gây ra không hề nhỏ và Homefarm cũng chịu những tác động nhất định.
Chuỗi cung ứng thị trường rơi vào tình trạng bất ổn, dẫn đến tỷ lệ đáp ứng hàng hóa ở điểm bán khá bấp bênh. Homefarm đã phải cố gắng rất nhiều từ các cấp lãnh đạo cho đến từng CBNV để đảm bảo sự vận hành xuyên suốt của hệ thống.
Sự đồng lòng này đã đem lại động lực lớn lao và nghị lực vượt khó của cả doanh nghiệp.
Cụ thể: cuộc khủng hoảng về cước vận tải, dịch bệnh Covid làm ảnh hưởng khá nhiều tới Homefarm, nhưng Homefarm đã quán triệt tới anh chị em là cố gắng bằng mọi cách để bình ổn giá trong thời điểm này.
Ngoài ra cũng phải kể đến những chiến lược phát triển kinh doanh mới, chuyển đổi số và sự phản ứng nhanh chóng của Homefarm đối với biến động của thị trường - khách hàng. Chúng tôi luôn chuẩn bị những phương án đối phó với các kịch bản khác nhau, từ đó dần đem Homefarm về vị thế chủ động, giảm các tác động tiêu cực của bệnh dịch.
Covid-19 đã khiến Homefarm gặp những khó khăn nào trong lúc tiến hành gọi vốn? Homefarm đã có những giải pháp gì để vượt qua khó khăn đó và đạt thành công cuối cùng?
Giống như các doanh nghiệp khác, Homefarm cũng bị ảnh hưởng không ít bởi dịch Covid-19. Những hoang mang về bệnh dịch khiến hành vi mua sắm của người tiêu dùng thay đổi. Khách hàng e ngại, hạn chế trực tiếp tới các cửa hàng.
Cùng với đó việc vận chuyển và phân phối hàng hóa của các đối tác nước ngoài cũng như vận hành trong nước bị ảnh hưởng bởi lượng người mắc Covid-19 ngày một gia tăng. Thực tế sản lượng lương thực xuất khẩu và sự đáp ứng tại điểm bán đã bị hạn chế rất nhiều.
Những điều này thúc đẩy Homefarm phải có chiến lược mới, phản ứng nhanh, đón đầu thị trường. Giải pháp đưa ra chính là nhanh chóng chuyển đổi số, tiếp cận và phát triển phương thức bán hàng hiện đại, đồng thời vẫn đảm bảo nguồn thực phẩm đầu vào để phục vụ nhu cầu của thị trường.
Homefarm đã tận dụng thời cơ mở rộng hệ thống, mang giá trị cốt lõi lan tỏa tới khách hàng và luôn có phương án dự phòng cho các tình huống có thể xảy ra.
Lúc mới khởi nghiệp, anh có từng tưởng tượng ra viễn cảnh của Homefarm như bây giờ? Đâu là dấu ấn khó quên nhất với cá nhân anh và Homefarm sau 7 năm khởi nghiệp?
Nhìn lại quá trình 7 năm xây dựng và phát triển, đối với tôi, đội ngũ sáng lập cũng như các CBNV đã đồng hành, mỗi khoảng khắc đều đáng nhớ. Chúng tôi đã đồng lòng đồng sức vượt qua rất nhiều thử thách để đạt được những thành tựu đáng kể như ngày hôm nay.
Homefarm đã, đang và sẽ luôn khẳng định vị thế tiên phong của mình trong việc đem đến các sản phẩm thực phẩm nhập khẩu tiêu chuẩn quốc tế đến tay người tiêu dùng.
Điều hối tiếc nhất với anh đến thời điểm này là gì?
Hiện tại, tỷ lệ hàng nhập khẩu và trong nước tại Homefarm là 80 – 20. Homefarm luôn rất đau đầu về vấn đề này, bởi nước mình là nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về thủy hải sản mà các mặt hàng trên kệ ở trong nước thì ít quá.
Nguyên nhân chủ yếu vì nguồn hàng không sẵn có, vì trước giờ các nhà sản xuất của Việt Nam chủ yếu quan tâm tới thị trường xuất khẩu, thị trường trong nước vẫn tiếp tục bị bỏ ngỏ.
Cảm ơn anh!