Chuyên gia Dragon Capital: Đầu tư vào điện tái tạo Việt Nam thu về cổ tức từ 9 – 10% mỗi năm, như vậy là rất hấp dẫn với quỹ lớn nước ngoài
Sự bùng nổ của lĩnh vực điện mặt trời trong năm 2020 không chỉ được thúc đẩy bởi chính sách giá FIT đúng đắn từ Chính phủ, mà còn cả sự cải tiến công nghệ sản xuất pin toàn cầu khiến suất đầu tư dự án giảm từ 30 – 40%. Các chủ đầu tư đẩy nhanh tốc độ triển khai để có thể được hưởng những ưu đãi giá bán điện, bất chấp một số nguy cơ tiềm ẩn. Trí Thức Trẻ có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hữu Quang – Giám đốc điều hành mảng Năng lượng sạch của Dragon Capital về chủ đề này.
Trong 3 năm qua, ngành năng lượng tái tạo của Việt Nam đã có những bước phát triển rất mạnh. Dưới góc nhìn của một nhà đầu tư nước ngoài, những xu hướng chính nào đã diễn ra trên thị trường, thưa ông?
Theo quan điểm của tôi, 3 năm vừa qua là giai đoạn thành công của lĩnh vực năng lượng tái tạo. Đây là ngành mới không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới. Giá FIT (Feed-in Tariffs), tức là mức giá mua điện được cố định trong một khoảng thời gian, sẽ giúp thúc đẩy ngành mới và khiến các nhà đầu tư yên tâm hơn. Đây là chính sách được nhiều nước áp dụng. Tôi cho rằng, việc Việt Nam áp dụng FIT 1, FIT 2 cho điện mặt trời, và FIT cho điện gió, là chủ trương rất đúng đắn.
Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, các bộ ngành cũng chỉ kỳ vọng năng lượng tái tạo chiếm 7% cơ cấu tổng nguồn điện. Nhưng thực tế, cuối năm 2020 tỷ trọng đã lên tới hơn 20%, đó là thành công rất lớn.
Hiện nay, năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời đã không còn xạ lạ ở Việt Nam. Các nhà đầu tư đã rất quen với lĩnh vực này. Các đơn vị thi công hoàn toàn làm chủ về kỹ thuật, công nghệ. Mọi thứ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Nếu nhìn vào các ngành điện khác như thủy điện, đầu tư một dự án mất từ 3 – 5 năm. Nhiệt điện, đầu tư mất khoảng chục năm. Thì điện mặt trời, hiện nay các nhà đầu tư đã có thể đưa một nhà máy từ 50 – 100 MW vào vận hành trong thời gian chưa tới một năm. Với điện gió cũng vậy, ban đầu có nhiều người lo sợ rủi ro; nhưng sau FIT 1, chúng ta sắp có khoảng 5 GW điện gió đi vào vận hành vào cuối năm 2021.
Sau giai đoạn này, tôi tin các nhà đầu tư Việt Nam cũng như các đơn vị thi công đã có thể làm chủ công nghệ và sẵn sàng cho các giai đoạn tiếp theo.
Việt Nam nằm trong số các quốc gia tăng trưởng điện tái tạo nhanh nhất thế giới. Thực tế, nhiều quốc gia cũng thúc đẩy loại hình năng lượng này, nhưng tại sao nước ta lại có thành công đặc biệt như thế? Các quy hoạch đưa ra đều vượt qua hết, nguyên nhân gì?
Tôi cho rằng có một số yếu tố chủ quan và khách quan.
Về chủ quan, do nhà đầu tư Việt Nam có khả năng chấp nhận rủi ro khá cao và quen thuộc với môi trường pháp lý. Nên có nhiều nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này ngay khi có giá FIT. Trong khi đó nhà đầu tư nước ngoài sẽ phải qua nhiều bước, cẩn trọng làm quen với thị trường, do đó sẽ cần nhiều thời gian hơn. Trong lĩnh vực này, dòng vốn trong nước chiếm tỷ trọng lớn và vượt xa kỳ vọng.
Về khách quan, tôi tin là khi Chính phủ đưa ra Quy hoạch điện VII cũng không dự đoán được suất đầu tư của điện mặt trời có thể giảm nhanh như thế. Điều này dẫn đến các dự án đầu tư trở nên rất hấp dẫn.
Khi bắt đầu có FIT 1, suất đầu tư điện mặt trời khoảng 1 triệu USD/MW. Đến cuối gian đoạn FIT 1, suất đầu tư chỉ còn khoảng 650 – 700 nghìn USD/MW. Với giá FIT giữ nguyên, mỗi MW đầu tư nhà đầu tư có thể tiết kiệm được 300 nghìn USD, đó là số tiền rất lớn.
Một yếu tố khác cũng nằm ngoài dự đoán là trong 12 GW điện mặt trời lắp đặt năm 2020, phần lớn là áp mái (rooftop) và là các minifarm (1 MW).
Với FIT 2 giá mua điện áp mái là 8,38 cents, trong khi giá mua điện tại các dự án lớn chỉ là 7,09 cents.
Thông thường, với các dự án quy mô nhỏ, suất đầu tư sẽ cao hơn dự án lớn, dẫn đến việc thiết lập mức giá mua của Nhà nước cao hơn. Nhưng trên thực tế, ở quy mô 1 MW, suất đầu tư điện mặt trời áp mái cũng không khác biệt nhiều so với trang trại điện mặt trời 50 MW. Trong khi đó, quy trình phát triển, xây dựng dự án lại đơn giản hơn nhiều, dẫn tới làm minifarm lại rẻ hơn làm farm.
Rõ ràng tỷ trọng điện áp mái cao ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng điều hành lưới điện, cũng như gây ra sự bất bình đẳng với những nhà đầu tư farm lớn. Vì làm dự án lớn mất nhiều công sức phát triển hơn, nhiều rủi ro hơn, nhưng lại có giá bán điện thấp hơn.
Ông vừa nói chi tiết suất đầu tư điện mặt trời giảm khá nhanh, vì sao lại như vậy?
Nguyên nhân chủ yếu là do cải tiến về mặt công nghệ và năng lực sản xuất. Các nhà sản xuất làm được tấm pin lớn hơn, hiệu suất tốt hơn. Thêm nữa, khi quy mô sản xuất vượt một giới hạn nhất định thì chi phí sản xuất trên một đơn vị sản phẩm sẽ thấp đi rất nhiều.
Những năm qua, điện mặt trời là xu hướng trên toàn thế giới chứ không riêng gì Việt Nam; do đó, khối lượng sản xuất tấm pin đã tăng lên nhanh chóng. Đặc biệt ở Trung Quốc, các nhà máy của họ đạt đến giới hạn cho phép giảm giá thành.
Các chủ đầu tư được hưởng lợi điều đó.
Theo quan sát, các nhà đầu tư nước ngoài dường như rất ưa thích với năng lượng tái tạo của Việt Nam. Một xu hướng phổ biến là họ mua lại các dự án đã được phát triển xong và hoà lưới điện. Điều gì đã hấp dẫn họ?
Thứ nhất, đó là xu thế chuyển dịch sang lĩnh vực đầu tư năng lượng sạch trên toàn thế giới. Hiện nay các tập đoàn năng lượng lớn hay các công ty dầu khí đều chuyển dần sự tập trung sang năng lượng tái tạo thay cho năng lượng hóa thạch.
Thứ hai, như tôi đã đề cập là cơ chế giá FIT. Giá FIT hấp dẫn ở chỗ đó là giá cố định và neo theo đồng USD, điều này tạo nên sự ổn định và giảm rủi ro rất nhiều. Nếu đầu tư vào ngành khác, bạn có thể gặp biến động về thị trường, về nhu cầu, về tỷ giá, Ngành điện tái tạo lại gần như không có các rủi ro này. Một mặt nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam vẫn đang liên tục tăng. Mặt khác các nhà máy điện tái tạo được ký hợp đồng mua bán điện với giá cố định theo đồng USD trong vòng 20 năm.
Thứ ba, lãi suất tiền USD ở các nước xuống rất thấp trong thời gian qua, đặc biệt từ khi xảy ra dịch COVID-19. Trong khi nhà đầu tư nước ngoài có thể đầu tư trái phiếu tiền đô với lãi suất từ 3 – 4%/năm; cho vay tiền đô sang các nước như Việt Nam với mức lãi suất khoảng 5 – 6%; còn đầu tư điện tái tạo, cổ tức nhận được có thể từ 9 – 10%/năm.
Đó là khoản đầu tư hấp dẫn, nhưng nói siêu lợi nhuận thì không phải. Với các quỹ đầu tư lớn nước ngoài, có những khoản đầu mang lại cổ tức ổn định từ 9 – 10%/năm là đã rất hài lòng rồi.
Danh mục của các quỹ đầu tư lớn thường dành một phần cho các khoản đầu tư ổn định, mang lại dòng tiền ổn định và có cổ tức ổn định.
Điện tái tạo ở Việt Nam đang đáp ứng những tiêu chí này, vì thế thu hút được dòng vốn lớn từ nước ngoài.
Theo quan sát của ông, dòng vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài vào năng lượng tái tạo Việt Nam đã chuyển dịch như thế nào?
Trong hai năm vừa rồi, các giao dịch mua bán thành công chủ yếu đến từ các nhà đầu tư Thái Lan. Theo tôi hiểu thì họ đang có nguồn vốn rẻ. Các nhà đầu tư Thái có xu hướng đầu tư vào các dự án, sau đó tập hợp thành một portfolio (danh mục) nhất định, rồi đi vay nguồn vốn rẻ hơn từ các tổ chức tài chính như ADB hay IFC.
Các nhà đầu tư châu Âu đã chậm hơn trong thời gian đầu vì họ vẫn thấy rủi ro ở PPA (hợp đồng mua bán điện) của Việt Nam. Theo đó, EVN vẫn có quyền không mua điện trong trường hợp có sự cố lưới hoặc nhu cầu không đủ cao.
Các nhà đầu tư châu Âu cũng thường rất cẩn trọng, nên thời gian để đánh giá khoản đầu tư và ra quyết định thường lâu hơn một chút.
Ngoài ra, nhà đầu tư Thái Lan giao dịch thành công nhiều hơn, một phần cũng bởi họ quen với thị trường Việt Nam hơn. Gần đây mới xuất hiện nhiều khoản đầu tư thành công từ các nhà đầu tư châu Âu.
Ở chiều các nhà đầu tư Việt Nam, một số họ xin được dự án và bán lại dù chưa làm gì cả; số khác họ đầu tư xong, nối điện thành công rồi bán. Điều gì khiến họ quyết định bán các dự án cho nước ngoài mà không tự vận hành?
Việc phát triển một dự án năng lượng tái tạo thường có ba giai đoạn chính.
Giai đoạn phát triển ban đầu, bạn cần có đủ giấy phép, đất đai, đến một thời điểm gọi là "ready to build", tức là sẵn sàng để xây dựng. Giai đoạn hai là xây dựng. Giai đoạn ba là vận hành. Rủi ro của ba giai đoạn này khác nhau.
Giai đoạn phát triển liên quan nhiều đến thủ tục, pháp lý, đất đai. Do đó, giai đoạn này cần những bên quen thuộc với thị trường, quy định trong nước và chấp nhận rủi ro cao.
Chủ đầu tư có thể bỏ tiền ra phát triển dự án mà không thu lại được gì cả. Giai đoạn này thường có ít nhà đầu tư nước ngoài tham gia. Các nhà phát triển Việt Nam sẽ chiếm ưu thế vì họ thông thạo thủ tục và có mối quan hệ với địa phương.
Giai đoạn xây dựng được tiến hành khi dự án đã đầy đủ giấy phép. Giai đoạn này cần đơn vị thông thạo điều hành, quản lý dự án, nắm vững công nghệ, biết lựa chọn đúng thiết bị, đúng nhà thầu.
Giai đoạn vận hành với một dự án điện mặt trời/điện gió là giai đoạn rủi ro đã xuống rất thấp, mọi thứ đi vào hoạt động bình thường. Chính vì rủi ro thấp, lợi nhuận kỳ vọng ở giai đoạn này cũng ở mức thấp hơn. Ở hai giai đoạn đầu rủi ro cao hơn, do đó nếu thành công sẽ có được lợi nhuận cao hơn.
Với các nhà đầu tư có thế mạnh trong việc phát triển, họ thường sẽ bán dự án để thu lợi nhuận và lấy tiền phát triển tiếp các dự án khác. Điều đó sẽ tốt hơn nhiều việc giữ dự án để nhận cổ tức từ 9 – 10% mỗi năm. Hơn nữa, ở Việt Nam không có nhiều đơn vị trường vốn đến mức giữ lại dự án, vận hành để nhận mức cổ tức như vậy.
Theo tôi, câu chuyện ở đây là sự phân công dựa trên năng lực chuyên môn: nhà phát triển, nhà xây dựng dự án và đơn vị đầu tư dài hạn tiếp quản vận hành.
Đơn vị phát triển khi triển khai xong dự án bán lại cho các nhà đầu tư để xây dựng hay để vận hành là chuyện bình thường vì các bên có thế mạnh khác nhau.
Như vậy việc xin triển khai một dự án năng lượng tái tạo rồi bán lại cho nhà đầu tư khác có phải là công thức tốt để kiếm tiền không, khi mà điều kiện thị trường thuận lợi, được hỗ trợ bởi giá FIT và xu hướng đầu tư trên toàn cầu đang nở rộ?
Tất nhiên đó là khi bạn nhìn vào các dự án điện tái tạo thành công. Có những dự án mà chủ đầu tư đã bỏ ra rất nhiều tiền bạc, thời gian và công sức nhưng chưa bán được cho ai cả. Có những đơn vị có 5 – 7 dự án, bán được 2 – 3 dự án thành công, còn 3 - 4 dự án vẫn treo đó.
Nguyên nhân có rất nhiều: có thể dự án chưa được bổ sung quy hoạch; bổ sung quy hoạch rồi nhưng chưa có giá FIT; đang phải chờ đấu giá hoặc PPA; hoặc vướng khâu đền bù giải phóng mặt bằng; triển khai không kịp để mua giá điện tốt…
Tôi xin nhắc lại là rủi ro trong giai đoạn này rất lớn, do đó chuyện họ được hưởng lợi nhuận cao cũng là hợp lý.
Hãy cùng so sánh một chút, năm 2020 là thời của điện mặt trời. Năm 2021 bắt đầu chuyển dịch sang điện gió, các chủ đầu tư đang chạy đua cho thời hạn tháng 10/2021. Điện mặt trời đã rất thành công vì cơ chế giá FIT và suất đầu tư giảm mạnh. Còn với điện gió, thành công liệu có lặp lại không, vì sao?
Tôi cho rằng điện gió sẽ không bùng phát giống như điện mặt trời.
Điện mặt trời sử dụng các tấm pin, có quy trình sản xuất hàng loạt. Khi quy mô sản xuất lớn lên, giá thành sẽ giảm nhiều.
Điện gió lại sản xuất theo đơn đặt hàng, không sản xuất trước và việc sản xuất mang tính đơn chiếc. Do đó, giá thành tuabin gió sẽ không giảm nhiều.
Câu chuyện ở đây sẽ không lặp lại giống như điện mặt trời. Việc suất đầu tư điện gió giảm từ 20 – 30% là khó có khả năng xảy ra.
Khi đầu tư điện gió, nhà đầu tư chắc chắn phải cẩn trọng hơn. Quá trình phát triển một dự án điện gió khó hơn điện mặt trời rất nhiều.
Với dự án diện mặt trời, bạn có thể lấy số liệu vệ tinh, dựa trên toạ độ là dự đoán được lượng nắng trong 15 - 20 năm tới.
Nhưng với điện gió, số liệu đo đạc vệ tinh chỉ có theo vùng mà không có theo điểm. Điều này dẫn đến buộc phải lắp đặt các trạm đo gió. Quá trình đo gió lại cần được giám sát thì số liệu mới đủ độ tin cậy. Ngay cả khi có số liệu gió tin cậy rồi cũng cần đơn vị chuyên môn tính toán xem nên đặt tuabin gió ở đâu, độ cao bao nhiêu, lựa chọn tuabin nào? Nên làm dự án điện gió không có chuyện một năm là xong, riêng chuyện đo gió đã tiêu tốn mất một năm rồi.
Suất đầu tư điện gió cũng lớn hơn nhiều so với điện mặt trời. Hiện giờ, suất đầu tư điện gió trên bờ (onshore) khoảng 1,4 – 1,5 triệu USD/MW; gần bờ (nearshore) từ 1,7 – 1,8 triệu USD/MW; còn ngoài khơi (offshore) thì vô cùng, tuỳ vào độ sâu đáy biển, giải pháp làm móng trụ cho tuabin gió…
Tổng các dự án điện gió đã được bổ sung vào Quy hoạch điện VII khoảng 9 GW, nhưng theo số liệu cập nhật mới nhất từ Bộ Công thương, đến tháng 10 năm nay sẽ chỉ có khoảng 5 GW đi vào vận hành. Điều này phần nào cho thấy việc làm điện gió là khó đến mức nào.
Việc đầu tư năng lượng tái tạo của Dragon Capital còn khá mới mẻ với nhiều người, ông có thể chia sẻ đôi chút về hoạt động đầu tư và định hướng năng lượng tái tạo của công ty?
Dragon Capital Group đã và đang đẩy mạnh hoạt động đầu tư năng lượng tái tạo tại Việt nam
Thực tế, chúng tôi đã tham gia đầu tư năng lượng tái tạo tại Việt Nam từ khá sớm với việc liên doanh đầu tư nhà máy điện mặt trời 40 MWp tại Mũi Né, Bình Thuận (2019).
Trong năm 2020, chúng tôi đẩy mạnh hoạt động đầu tư vào lĩnh vực điện mặt trời áp mái với khoảng 10 MWp đã đi vào vận hành theo mô hình bán điện trực tiếp cho doanh nghiệp.
Đầu năm 2021, chúng tôi đã hoàn tất việc nhận chuyển nhượng nhà máy điện mặt trời 50 MWp tại Quảng Trị. Công ty dự kiến sẽ nhận chuyển nhượng thêm từ 40 – 60 MWp nữa từ nay tới cuối năm.
Dragon Capital đặt mục tiêu sẽ xây dựng được danh mục đầu tư năng lượng tái tạo khoảng 300 MWp tại Việt Nam vào cuối năm 2023 trong nỗ lực thực hiện cam kết đầu tư trách nhiệm và bền vững của mình tại Việt Nam.
Cám ơn ông!