Công ty CP Môi trường công nghệ cao Hòa Bình: Thực hiện kinh tế tuần hoàn biến rác thải thành tài nguyên
Trong chiến lược phát triển, Công ty Cổ phần Môi trường công nghệ cao Hòa Bình (CNC) đã tiên phong thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, bao gồm thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải, biến rác thải thành tài nguyên.
Biến rác thải thành tài nguyên
Nhà máy xử lý chất thải của Công ty (thôn Đồng Phú, xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình) chính thức đi vào hoạt động năm 2018 và đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép Xử lý chất thải nguy hại lần đầu năm 2018, Giấy phép Môi trường số 113/GPMTBTNMT ngày 20/4/2023.
Theo ông Nguyễn Thế Mậu, tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Môi trường Công nghệ cao Hòa Bình, với định hướng đầu tư phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, nhà máy của Công ty tập trung đầu tư vào công nghệ tái chế chất thải như nhựa, đồng, nhôm, đồng thời đốt rác thu hồi nhiệt để phát điện.
Nhà máy đã đầu tư hệ thống phân loại rác thải sinh hoạt để tách rác thải hữu cơ và rác thải vô cơ. Rác thải vô cơ sẽ được tái chế thành chất đốt, viên đốt cung cấp cho các nhà máy xi măng và cho các ngành công nghiệp khác; phần hữu cơ sẽ được sử dụng làm phân vi sinh.
Chất thải được Công ty xử lý theo phương pháp đốt bằng lò đốt chất thải, hóa rắn hoặc hệ thống tái chế, thu hồi, đảm bảo chất thải sau khi xử lý của Nhà máy đều đạt các tiêu chuẩn theo quy định.
Đối với nước thải, sau khi qua hệ thống bể xử lý hóa lý và sinh học sẽ trở thành nước sạch, đảm bảo đạt QCVN 40:2011/BTNMT. Đặc biệt, quá trình xử lý chất thải được công nhân phân loại và chuyển ngay về nhà máy để xử lý. Công ty thường xuyên gửi kết quả giám sát môi trường định kỳ về Sở TN&MT; cơ quan ban ngành có thẩm quyền cũng tiến hành kiểm tra định kỳ tại Công ty và đánh giá cao nỗ lực, ý thức, trách nhiệm của Công ty.
Ông Nguyễn Thế Mậu cho biết, với năng lực và uy tín của mình, Công ty đã được các tập đoàn lớntin cậy lựa chọn như: Samsung, Canon, nhiều doanh nghiệp FDI ở Miền Bắc và các nhà máy Vendor của Samsung…
“Với giấy phép hoạt động trên toàn quốc, mục tiêu những năm tới đây của công ty sẽ phát triển thị trường ra cả miền Trung và miền Nam” – ông Nguyễn Thế Mậu nói.
Ngoài việc xử lý chất thải cho các công ty, doanh nghiệp, Nhà máy còn tập trung xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Hiện mỗi ngày Nhà máy tiếp nhận và xử lý khoảng 150 tấn rác thải sinh hoạt của các địa phương trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, bao gồm thành phố Hòa Bình, huyện Lạc Thủy, huyện Yên Thủy, huyện Lạc Sơn, trong đó đối với rác thải sinh hoạt của huyện Lạc Thủy Công ty xử lý miễn phí, với khối lượng khoảng 100 tấn/ngày. Ngoài ra, năm 2023 Nhà máy đã xử lý rác thải tồn đọng của thành phố Hòa Bình khoảng 10.000 tấn.
Chìa khoá phát triển bền vững
Qua làm kiểm tra thực tế nhà máy, lãnh đạo tỉnh Hoà Bình đã ghi nhận nỗ lực và quyết tâm đầu tư vào lĩnh vực “khó” của Công ty Cổ phần Môi trường Công nghệ cao Hòa Bình; chúc mừng những thành công bước đầu của Công ty trong việc xử lý rác thải sinh hoạt và rác thải công nghiệp cho tỉnh Hoà Bình và các tỉnh lân cận, giải quyết việc làm cho người dân địa phương, tăng nguồn thu cho ngân sách của tỉnh, qua đó góp phần thu hút đầu tư và phát triển du lịch xanh.
Chủ tịch CNC Nguyễn Đình Hùng trao quyết định bổ nhiệm Viện trưởng Viện nghiên cứu môi trường công nghệ cao Hòa Bình trực thuộc CNC.
Khảo sát thực tế quá trình vận hành của các dây chuyền, các xưởng phân loại xử lý rác thải, chất thải, đánh giá cao quy trình và công nghệ xử lý rác của Nhà máy, Lãnh đạo và các ban ngành liên quan của tỉnh đã chỉ đạo Công ty phải tiên phong áp dụng kinh tế tuần hoàn trong việc xử lý “tài nguyên” rác, đã sạch rồi phải sạch hơn, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Theo quan điểm của lãnh đạo tỉnh Hoà Bình, muốn thu hút đầu tư, phát triển du lịch, nâng cao chất lượng cuộc sống xanh của người dân thì phải xử lý tốt vấn đề rác thải. Không thể xử lý vấn đề này một cách tự phát, manh mún ở từng huyện, xã, không đảm bảo về công nghệ sẽ ảnh hưởng ngay đến môi trường và gây lãng phí. Do vậy, các cấp chính quyền, các ban ngành của tỉnh cần quan tâm hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng, mở rộng dự án, xây đường riêng vào nhà máy, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận của người dân.
Ứng dụng khoa học - mở rộng hợp tác quốc tế
Ngày 20/09/2023, Công ty cổ phần môi trường công nghệ cao Hòa Bình chính thức công bố thành lập Viện nghiên cứu môi trường công nghệ cao Hòa Bình do Sở Khoa học và Công nghệ Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình cấp ngày 05/09/2023.
Viện do Tiến sĩ Phạm Văn Diễn, nguyên Cục trưởng, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ - Một trong những tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực Tự động hóa, làm Viện trưởng.
Đây là bước đi chiến lược theo định hướng trở thành Công ty xử lý rác thải hàng đầu Việt Nam. Theo Viện trưởng Phạm Văn Diễn, với mong muốn góp phần tạo ra môi trường sống xanh, sạch tại Việt Nam, Viện sẽ thực hiện các nghiên cứu khoa học đột phá trong lĩnh vực công nghệ xử lý, tái chế chất thải (bao gồm: chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp thông thường, chất thải công nghiệp nguy hại ...), phế liệu, sản xuất các sản phẩm từ chất thải như nguyên liệu đầu vào cho sản xuất xi măng, phân bón hữu cơ cho nông nghiệp ... Sản xuất thử nghiệm, triển khai thử nghiệm sản xuất các sản phẩm chế biến từ chất thải; cung cấp dịch vụ khoa học công nghệ về môi trường theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, Viện sẽ nghiên cứu những vấn đề xử lý rác thải môi trường mà Việt Nam đang quan tâm hàng đầu.
Bên cạnh đó, Viện sẽ là trung tâm đào tạo nguồn cán bộ chất lượng cao để phục vụ cho các dự án của tương lai, đồng hành cùng những mục tiêu chung của đất nước.
Trong lĩnh vực hợp tác quốc tế, Công ty Cổ phần Môi trường Công nghệ cao Hòa Bình là một trong 9 đơn vị của Việt Nam được chọn tham gia dự án chống biến đổi khí hậu do Chính phủ Anh tài trợ.
Chín dự án các-bon thấp trên khắp Việt Nam đã được chọn để tham gia Chương trình Thúc đẩy Tài chính khí hậu (CFA) Việt Nam giai đoạn đầu tiên đại diện cho các lĩnh vực khác nhau như năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn, quản lý chất thải…có tiềm năng mang lại lợi ích cho các cộng đồng.
Công ty cổ phần Môi trường Công nghệ cao Hòa Bình nhận giấy khen về thành tích trong phong trào "Đền ơn đáp nghĩa"
Là đơn vị điểm thực hiện mô hình kiểm chứng “Đồng lợi ích” - Dự án do Bộ TNMT Nhật Bản hỗ trợ vì mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường ở Việt Nam, Công ty cổ phần Môi trường Công nghệ cao Hoà Bình áp dụng các giải pháp kỹ thuật như điều chỉnh lưu lượng gió trong buồng đốt, tận dụng nhiệt thải đã giúp lượng dầu sử dụng cho lò đốt giảm khoảng 30%. Qua đó, giúp tiết kiệm chi phí năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính.
Ngày 7/11/2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Văn bản số 9466/BTNMT-KSONMT gửi Công ty Cổ phần Môi trường Công nghệ cao Hòa Bình thông báo kết quả kiểm tra việc vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải theo Giấy phép môi trường số 113/GPMT-BTNMT ngày 20/4/2023. Văn bản ghi rõ: “Báo cáo kết quả vận hành thử nghiệm và kết quả kiểm tra thực tế cho thấy công suất vận hành đối với lò đốt công suất thiết kế 2.000 kg/giờ và 02 hệ thống hóa rắn có khối lượng chất thải sử dụng trong quá trình vận hành thử nghiệm là tương đối phù hợp với Giấy phép môi trường số 113/GP-BTNMT nêu trên. Tại thời điểm kiểm tra thực tế, lò đốt và các hệ thống vận hành đúng quy trình; các thông số cơ bản như nhiệt độ vùng đốt sơ cấp, nhiệt độ vùng đốt thứ cấp đáp ứng yêu cầu quy định của QCVN 30:2012/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải lò đốt chất thải công nghiệp”.