Đồng sáng lập quỹ Alabaster Lê Diệp Kiều Trang: Để thành công không nhất thiết bạn phải làm founder, CEO, Steve Job không phải cha đẻ của Apple, Elon Musk không sáng lập ra Tesla
Tinh thần cầu tiến, muốn được làm chủ, vươn lên làm lãnh đạo là vô cùng đáng quý. Tuy nhiên, cơ hội tự chủ và lãnh đạo không nhất thiết chỉ có ở vị trí Tổng Giám Đốc.
Lê Diệp Kiều Trang là một trong những đại diện xuất sắc của thế hệ doanh nhân mới. Sau khi cùng chồng khởi nghiệp thành công với Misfit, cô đầu quân cho Facebook, Go Việt và hiện đang là đồng sáng lập quỹ Alabaster, chuyên rót vốn vào các công ty công nghệ. Cô cũng là giám đốc tài chính của công ty Arevo, công ty in 3D tự động hóa dùng cấu trúc polyme gia cố bằng sợi carbon (CFRP), Chủ tịch Harrison.ai, công ty Australia phát triển phần mềm tự động phân tích các hình ảnh X-quang và cung cấp cho các bác sĩ hỗ trợ quyết định theo thời gian thực.
Mới đây trên trang cá nhân, cô đã chia sẻ câu chuyện về việc chuyên môn hoá trong vai trò người lãnh đạo, các giám đốc công nghệ (CTO) - họ không nhất thiết là founder, CEO của công ty, nhưng các sản phẩm họ làm ra có thể thay đổi hành vi người tiêu dùng. Quan trọng hơn cả, các CTO có thể tập trung chuyên môn trong lĩnh vực của mình, công ty vì vậy vững chắc hơn những công ty mà người lãnh đạo "đơn thương độc mã" lo lắng mọi vấn đề.
Dưới đây chúng tôi xin chia sẻ bài viết của bà Lê Diệp Kiều Trang:
Xin bắt đầu bằng 2 câu chuyện:
Câu chuyện thứ nhất: X, một kỹ sư rất giỏi, phải nói là xuất sắc, đã từng quản lý nhiều đội ngũ kỹ sư, cho ra đời nhiều sản phẩm có giá trị. Sau thời gian 10-15 năm khẳng định năng lực của mình, đứng ra khởi nghiệp. Công ty theo đuổi một sản phẩm, cho ra đời nhiều MVP chất lượng, sản phẩm bán được cho một số khách hàng, nhưng không thể mở rộng ra, tới giai đoạn có thể mô tả nôm na là "bỏ thì thương, vương thì tội". X chỉ còn dành chừng 25% thời gian cho kỹ thuật, còn lại là tổ chức đội ngũ và mở rộng thị trường. Sản phẩm của X ý tưởng là hay, nhưng… giống cái xe tăng hơn là chiếc Tesla, thật sự không dễ bán. X kêu gọi đầu tư, mình chỉ ước thầm mình có can đảm nói với bạn: "Hay mình đập đi xây lại? Và lần này xây lại, bạn phải tìm những người đồng hành. Bạn giỏi làm sản phẩm, nhưng để xây dựng một công ty, sản phẩm không phải là điều duy nhất."
Câu chuyện thứ hai: Y, tốt nghiệp tiến sỹ từ một trường danh giá ở nước ngoài, tiếp tục nghiên cứu lĩnh vực công nghệ rất hấp dẫn ở một công ty công nghệ tên tuổi trên thế giới 5-6 năm. Khi lập gia đình và có con, bạn quyết định quay về Việt Nam, làm trong một công ty Việt Nam với vị trí quản lý đầu tư, không liên quan đến chuyên môn, lương khá, và bạn chia sẻ thấy rất nhàm chán, nhiều lúc là mệt mỏi. Làm 3 năm, khi thấy Arevo, tiếng gọi công nghệ đánh thức khao khát được quay về nghiên cứu. Sau mấy tuần cân nhắc dằn vặt, bạn quyết định nhận offer làm CEO một công ty phân phối máy móc của nước ngoài, biết rất rõ rằng mình không thích và không giỏi làm sales, nhưng thật khó từ chối vị trí Tổng Giám Đốc để đi làm Expert. Bạn chân thành chia sẻ, "Em biết công việc này khó, nhưng trước giờ em chưa bao giờ sợ khó". Còn mình thì tự hỏi, "Chinh phục thử thách là tốt, nhưng chinh phục cái không phải của mình để được gì?"
Mình gặp 2 câu chuyện trên rất thường xuyên, và không khỏi tiếc cho các tài năng đang bị lãng phí. Tinh thần cầu tiến, muốn được làm chủ, vươn lên làm lãnh đạo là vô cùng đáng quý. Tuy nhiên, cơ hội tự chủ và lãnh đạo không nhất thiết chỉ có ở vị trí Tổng Giám Đốc. Thật ra, có một ngã rẽ khác: ngã rẽ đào sâu phát triển năng lực công nghệ để làm CTO (Chief Technology Officer).
Con đường CTO là con đường như thế nào?
Z, xuất thân chuyên Toán, đi du học ở nước ngoài, tốt nghiệp PhD từ một trường uy tín. Bạn có nền tảng về Toán và các môn khoa học rất chắc và có lòng yêu thích lĩnh vực này.
Z tham gia một công ty start up của Mỹ tại Việt Nam. Bạn không sợ cái mới, sẵn sàng dấn thân đầu tư thời gian và công sức để nắm bắt những công nghệ này và không chỉ dừng lại ở Software, bạn còn mày mò làm Firmware, Data Science… và hiểu rõ cách xây dựng một sản phẩm công nghệ. Khi đã nắm vững các chuyên môn này, bạn bắt đầu sáng tạo, giải quyết vấn đề và sử dụng những công cụ này để cho ra đời những sản phẩm khác biệt mà trên thế giới chưa có. Bạn nhanh chóng trở thành kỹ sư đầu đàn trong công ty.
Sau thành công của công ty, bạn sang Mỹ làm việc ở các tập đoàn công nghệ Mỹ. Thời gian này, với chuyên môn vững, bạn nhanh chóng giữ các vị trí quản lý công nghệ, và trong một thời gian ngắn, bên cạnh tiếp tục trau dồi năng lực chuyên môn, bạn trưởng thành rất nhiều trong việc tổ chức và điều hành đội ngũ kỹ sư, điều mà hiếm (rất hiếm) các bạn tốt nghiệp Tiến Sỹ theo đuổi.
Z sau đó quay lại start up, và lần này bạn nắm vị trí CTO, là người đưa ra chiến lược và thực thi quá trình phát triển các sản phẩm trong công ty. Bạn tuyển dụng, xây dựng đội hình, đặt mục tiêu cho toàn bộ đội ngũ kỹ sư,… không khác gì một người đứng ra làm khởi nghiệp. Cái khác là bạn không phải lo công việc gọi vốn, quản lý tài chính, tổ chức bán hàng, xây dựng đối tác,… vốn không phải là sở trường của bạn (và hầu hết những người đam mê nghiên cứu công nghệ). Thay vào đó, thời gian của bạn dành hoàn toàn cho kỹ thuật, và nhờ vậy bạn không bị chi phối, nên luôn theo dõi và nắm bắt các xu hướng công nghệ trong lĩnh vực của mình. Vậy còn về tài chính thì sao? Z nhận lương rất khá, bên cạnh đó còn được chia cổ phần của công ty. Nếu công ty thành công, Z chia sẻ lợi ích tài chính này không khác gì một người khởi nghiệp.
Vậy rủi ro của bạn là gì? Khi Z là một trong số những người trụ cột của công ty, khi gặp vấn đề, Z không phải là người duy nhất đứng mũi chịu sào. Nhóm lãnh đạo công ty mỗi người sẽ có sở trường riêng, có cộng đồng chuyên môn riêng trong lĩnh vực của mình để gỡ rối. Công ty vì vậy vững chắc hơn những công ty mà người lãnh đạo "đơn thương độc mã" lo lắng mọi vấn đề. Nhiều người nghĩ làm start up thì rủi ro hơn làm tập đoàn. Thực tế không hẳn là vậy, ngay cả khi công ty start up này thất bại, Z sẽ nhanh chóng được mời gọi vào các start up khác vì năng lực chuyên môn, và kinh nghiệm quản lý của mình. Nhân lực cấp cao của thế giới start up thường rất hiếm, và đóng vai trò sống còn cho các công ty khởi nghiệp, mà những vị trí này nhân sự cấp cao từ corporate khó lòng có thể đảm đương được.
Kết:
Nếu dò lại những công ty công nghệ thành công trên thế giới, các bạn sẽ thấy sự "chuyên môn hoá" trong vai trò những người lãnh đạo, không chỉ trong lĩnh vực kỹ thuật, mà còn lấn sân cả những vị trí kinh doanh.
Nói đến Apple, mọi người nói đến Steve Jobs và những sản phẩm mà thiết kế đạt đến độ hoàn hảo. Tuy nhiên, Johny Ive mới là "cha đẻ" của những thiết kế này. Steve Jobs là thuyền trưởng, người đứng bên cạnh những thiết kế mà ông vô cùng tâm huyết, nhưng không phải là người đích thân phát minh. Nếu Johny Ive khởi nghiệp với những thiết kế của mình, liệu có xây dựng được Apple?
Nói đến Facebook, thuyền trưởng Mark Zuckerberg là người sáng lập với một sản phẩm có độ phủ sóng khủng khiếp, nhưng mãi đến khi có Sheryl Sandberg giải ra bài toán "monetization" cho Facebook, Facebook mới thực sự có giá trị. Sheryl chưa bao giờ khởi nghiệp, nhưng dấu ấn của bà trong thế giới công nghệ là không thể chối cãi.
Nói đến Tesla, người ta nói đến Elon Musk với một loạt sản phẩm, phát minh công nghệ vượt bậc. Hiếm người biết rằng Tesla được sáng lập bởi Martin Eberhard và Marc Tarpenning với vai trò CEO và CFO. Elon Musk lúc bấy giờ là nhà đầu tư, và chỉ thực sự tham gia với vai trò điều hành (CEO) nhiều năm sau đó.
Điểm qua những câu chuyện này để chúng ta nhận ra rằng để tạo ra một công ty thành công, làm founder, làm CEO,… thật ra không quan trọng. Quan trọng là (i) mình phải thật sự XUẤT SẮC trong lĩnh vực mình giỏi và (ii) mình là một phần trong nhóm NHỮNG TAY ĐUA KIỆT XUẤT.