Không gửi tiết kiệm, doanh nghiệp đổ tiền vào chứng khoán
Nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã chuyển một phần nguồn tiền dự kiến phục vụ cho sản xuất kinh doanh sang chứng khoán để tìm kiếm mức sinh lời.
Thanh khoản thị trường chứng khoán tăng mạnh
Vẫn như bao ngày đáo hạn phái sinh, đến gần phiên ATC ngày 18/11, sự rung lắc mạnh diễn ra, áp lực bán mạnh tại các cổ phiếu lớn, đặc biệt trong VN30 như HPG, VIC, GAS khiến những những người tham gia ở vị thế LONG trong ngắn hạn đã thua lỗ. Tuy nhiên, thanh khoản vẫn được duy trì ở mức cao ở mức khoảng 44.000 tỷ trên cả 3 sàn giao dịch.
Ngày 18/11 là phiên thứ 17 thanh khoản thị trường chứng khoán ở mức cao, đạt trung bình 35.000 tỷ đồng/phiên, có những phiên đột biến trên 50.000 tỷ đồng.
Trong tháng 10, có đến hơn 130.000 tài khoản chứng khoán mở mới. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
Trong số đó, theo thống kê từ các công ty chứng khoán, nhà đầu tư cá nhân chiếm đến 85% giá trị giao dịch. Nguồn tiền chủ đạo trước hết đến từ nguồn tiền nhàn rỗi của các cá nhân. Riêng tháng 10, có đến hơn 130.000 tài khoản mở mới.
Tính trong 10 tháng qua, trên 1 triệu tài khoản mở mới. Giả sử chỉ 70% số tài khoản đó hoạt động, mỗi tài khoản bỏ vào 100 triệu đồng, riêng trong năm nay, số tiền tăng thêm là 70.000 tỷ đồng. Điều đáng nói, tiền nhàn rỗi đã có sự dịch chuyển đến từ kênh tiết kiệm.
Doanh nghiệp chuyển sang đầu tư chứng khoán
"Doanh thu của chúng tôi một năm trung bình khoảng 5 - 6 tỷ đồng. Bây giờ lãi suất tiền gửi rất thấp. Trong thời buổi dịch bệnh khó khăn, chúng tôi quyết định cắt 40% doanh thu ra để đầu tư chứng khoán theo dạng lướt sóng nhiều hơn là dạng an toàn", anh Đức Kim Cường, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư NiO, chia sẻ.
Điều này càng thấy rõ hơn khi nhìn vào tiền gửi tiết kiệm cá nhân trong hệ thống ngân hàng đã giảm từ mức hơn 12% năm 2020, đến tháng 9 năm nay chỉ còn 3,6%, thấp hơn đến gần 50% so với cùng kỳ năm 2020.
"Những cá nhân, hộ kinh doanh đang gặp khó khăn vì dịch bệnh đã chuyển một phần nguồn tiền dự kiến phục vụ cho sản xuất kinh doanh sang chứng khoán để tìm kiếm mức sinh lời", anh Nguyễn Trọng Đình Tâm, chuyên gia cao cấp Chiến lược đầu tư - SSI Research, cho biết.
Đôi khi dòng tiền còn được dùng đòn bẩy. Nhà đầu tư lãi từ chứng khoán đã tìm cách quay vòng dòng vốn.
"Họ có thể lấy tiền đổ vào mua một mảnh bất động sản và dùng bất động sản đó thế chấp vào ngân hàng, vay tiền ra, rồi dùng tiền đó đưa trở lại thị trường chứng khoán. Kiểu hoạt động như vậy sẽ làm cung tiền tăng rất mạnh", ông Nguyễn Minh Hoàng, chuyên viên cao cấp tại Công ty chứng khoán Nhất Việt, cho hay.
Vốn các công ty chứng khoán tăng thêm 45.000 tỷ đồng
Dòng tiền margin đóng góp quan trọng cho thanh khoản, nhưng hiện tình hình margin đều rất căng, nhiều cổ phiếu lớn đều bị hạ tỷ lệ, thậm chí không còn room margin, đặc biệt tại các công ty chứng khoán lớn. Do đó, nhiều công ty chứng khoán liên tục tìm cách tăng vốn bằng cách trả cổ tức bằng cổ phiếu hay phát hành thêm.
Từ đầu năm đến nay, có đến 30 đợt phát hành tăng vốn như vậy, giúp cho vốn các công ty chứng khoán tăng khoảng 44.000 tỷ đồng, từ đó dòng tiền margin tăng thêm khoảng 65.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên đôi khi, có những công ty chỉ tập trung vào đầu tư chứng khoán, thậm chí mua chính những cổ phiếu trong hệ sinh thái của công ty mình. Ví dụ như Công ty chứng khoán APS, có đợt phát hành hồi tháng 8 thu về thêm hơn 45 tỷ đồng. Nhìn vào báo cáo tài chính quý 3 cho thấy, công ty này đang tập trung vào tự doanh và mua tăng tỷ trọng các cổ phiếu trong hệ sinh thái của chính mình là IDJ và API. Dù đây là doanh nghiệp có lãi thấp trong ngành ở quý 3, nhưng thị giá lại tăng gấp 4 - 5 lần trong 2 tháng qua. Thậm chí, mã IDJ còn đã bị đưa vào diện bị cảnh báo vượt quy định về số lần công bố thông tin.
Nhiều cổ phiếu khác còn chỉ lãi vỏn vẹn hơn 10 tỷ đồng/quý, nhưng thị giá được đẩy cao gấp 6 lần, P/E lên đến 140 lần. Theo các chuyên gia, nhà đầu tư cần thật cẩn trọng khi mua - bán cổ phiếu theo hội nhóm truyền tai nhau.
"Những người nội bộ, có quan hệ mật thiết với doanh nghiệp trong hệ sinh thái của họ, khi giao dịch các cổ phiếu trong hệ sinh thái đó không khách quan, bình đẳng", ông Đinh Quang Hin, chuyên viên phân tích Cao cấp - Khối Phân tích của Công ty Chứng khoán VNDirect, nhận định.
Tiền nhàn rỗi đã có sự dịch chuyển đến từ kênh tiết kiệm sang chứng khoán. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
"Tăng theo kịch bản ăn theo, những cổ phiếu thật sự có giá trị. Làn sóng đầu cơ này kéo theo nhiều nhà đầu tư mới tham gia. Khi họ tham gia, họ không cần hiểu biết quá nhiều vào các cổ phiếu mua vào. Ở thời điểm này, nhiều cổ phiếu có tín hiệu phân phối, ngắn hạn. Đối với nhà đầu tư mới, họ mới tham gia vào thời điểm này. Đây có thể là thời điểm rủi ro với người đến sau", ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến thiết, nhấn mạnh.
Xây dựng chứng khoán thành kênh sinh lời
Ngoài dòng tiền tiết kiệm, dòng tiền margin, thanh khoản tăng vượt trội thời gian qua còn đến từ tiền của các ETF nội, trong 10 tháng thêm gần 5.000 tỷ đồng.
Làm thế nào để sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân vào thị trường một cách thực chất, cả khi sóng tăng này kết thúc, số tài khoản kể trên vẫn hoạt động? Đây cũng là chủ đề nóng được thảo luận tại Hội thảo "Thị trường chứng khoán: Khơi thông nguồn lực cho doanh nghiệp - Kênh đầu tư sinh lời và tích sản" do Báo Đầu tư tổ chức sáng 18/11.
Nếu những năm trước, giá trị giao dịch nhà đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 15% trên thị trường, nay con số này chỉ khoảng 8%. Họ bán ròng cầm tiền phòng thủ trong bối cảnh COVID-19 là một phần, còn thực tế lượng nhà đầu tư cá nhân tăng quá nhanh, hiện chiếm hơn 80% giá trị giao dịch
Với quy mô hiện nay, không còn lo về sự khủng hoảng mất thanh khoản toàn thị trường của năm 2008 khi hết sóng tăng, mã nào cũng nằm sàn không ai mua nhiều ngày liền, nhưng khủng hoảng kiểu đơn lẻ như vậy vẫn hoàn toàn có thể xảy ra ở các cổ phiếu đang rất "nóng" bây giờ, nhiều con sóng tăng giá không dựa trên nền tảng cơ bản chỉ chực ngày "thả trôi" các nhà đầu tư đang "say tiền". Những người vừa bị mất tiền, vừa bị mất niềm tin, đến bao giờ họ mới quay lại thị trường chứng khoán.
"Phải giám sát từ xa và kiểm tra tại chỗ, cần tăng cường khâu giám sát để đón biết trước để có hướng xử lý. Cần xem xét và xử lý nghiêm những hạt sạn trên thị trường", ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, nói.
"Hệ thống tài chính cần được củng cố, các chủ thể của nó ở trong hệ thống đó. Những gì yếu kém và rủi ro cần chủ động các giải pháp để xử lý để đảm bảo hệ thống tài chính lành mạnh, an ninh tài chính quốc gia và cân đối vĩ mô được giữ vững. Chỉ có như vậy thị trường chứng khoán mới có bệ đỡ", Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.
Hoạt động giám sát, cơ chế quản lý cũng đang liên tục được sửa đổi, bổ sung để bắt kịp với những phát triển tích cực và tiêu cực, để chứng khoán thực sự là kênh huy động vốn cho doanh nghiệp, là kênh đầu tư sinh lời, tích sản lâu dài cho người dân.
Với sự phát triển bền vững hơn, không chỉ có những phiên 35.000 tỷ, mà sẽ có 50.000 tỷ, 70.000 tỷ, thậm chí 100.000 tỷ diễn ra, nhất là khi Việt Nam đang hướng tới nâng hạng thị trường theo tiêu chuẩn MSCI, FTSE trước năm 2025.