Mở rộng mạnh mẽ để thu hẹp với Saigon Co.opp, VinMart, Bách Hoá Xanh đánh đổi bằng khoản lỗ tăng bằng lần qua từng năm, âm gần 2.000 tỷ năm 2020
Nói về hiệu quả, Bách Hoá Xanh thể hiện bộ mặt tương đối ấn tượng với biên lãi gộp 24% và tiệm cận hoà vốn EBITDA trên toàn công ty. Danh mục sản phẩm của BHX hướng đến đồ tươi sống.
Kể từ gần 50 cửa hàng mở ra vào thời điểm kết thúc năm 2016, Bách Hoá Xanh (BHX) của CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) đã mở rộng 36 lần tính đến hết năm 2020, đạt 1.716 cửa hàng.
Doanh thu tăng 85 lần từ 249 tỷ đồng lên 21.260 tỷ đồng, đóng góp 20% vào tổng doanh thu của MWG. BHX trở thành động lực tăng trưởng chính của MWG với CAGR 204% trong giai đoạn 5 năm qua, trong bối cảnh thị trường điện thoại và điện máy dần đi đến mức bão hoà. Kết thúc năm ngoái, doanh thu trung bình cửa hàng của BHX đạt 1,25 tỷ đồng/tháng.
Nguồn: MWG
Với việc bổ sung thêm gần 710 cửa hàng trong năm 2020, tỷ trọng đóng góp của BHX trong MWG tăng từ 10% lên 20%, tương ứng với việc doanh thu tăng gấp đôi.
Theo MWG, BHX đã đạt được 10% thị phần tại khu vực thành thị nói chung, công ty đã có mặt tại 25 tỉnh thành khu vực Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Riêng tại TP HCM thị phần được cho biết đạt trên 20%.
Hai yếu tố quyết định đến sự tăng trưởng của BHX gồm: mở rộng mạnh mẽ hệ thống cửa hàng tại nhiều tỉnh thành và tăng trưởng doanh số tại các cửa hàng cũ.
Nguồn: MWG
Các chỉ tiêu hiệu quả trong năm 2020 của BHX cũng là tương đối ấn tượng, biên lợi nhuận gộp sau huỷ hàng và mất mát đạt 24%, tăng 5 điểm % so với năm 2019.
Sự gia tăng biên lợi nhuận chủ yếu đến từ: cải thiện điều khoản thương mại với nhà cung cấp hàng FMCGs và nỗ lực tối ưu hiệu quả mua hàng tươi sống. Với biên lợi nhuận gộp này, Bách hoá Xanh đã có lời EBITDA (chưa bao gồm khấu hao) ở cấp độ cửa hàng và trung tâm phân phối (DC) cho cả năm.
Sau thử nghiệm, mô hình cửa hàng 500 m2 (phần lớn nâng cấp từ cửa hàng hiện hữu kinh doanh tốt) được lựa chọn là động lực tăng trưởng cho BHX trong những năm tới. Cuối năm 2020, hệ thống có 182 cửa hàng loại này, doanh thu bình quân tại TP HCM đạt 3 tỷ đồng/tháng, tính chung hệ thống là 2,5 tỷ đồng/tháng.
Tuy nhiên ban lãnh đạo MWG lưu ý rằng BHX vẫn đang trong giai đoạn đầu tư mở rộng và chưa đóng góp lợi nhuận.
Nguồn: MWG
Theo dữ liệu của chúng tôi, năm 2020 cùng với việc gấp đôi doanh thu, số lỗ sau thuế của BHX cũng tăng tương ứng từ 1.055 tỷ đồng lên 1.926 tỷ đồng. Khoản lỗ của chuỗi cửa hàng này cũng liên tục tăng bằng lần kể từ năm 2016, đồng thời là nguyên nhân chính kéo tụt lợi nhuận hợp nhất của MWG.
So sánh với VinCommerce, đơn vị vận hành hệ thống siêu thị VinMart/VinMart+ với khoảng 2.200 cửa hàng thời điểm kết thúc năm ngoái lỗ tới 3.222 tỷ đồng dù EBITDA đã cải thiện đáng kể sau khi về tay Masan Group (hoà vốn vào quý 4). Doanh thu của VCM (chủ quản VinCommerce) đạt gần 31.000 tỷ đồng, tăng trưởng 14%.
Quay trở lại với BHX, chuỗi cửa hàng thể hiện tham vọng của các ông chủ MWG với thị trường bán lẻ thực phẩm và FMCGs giá trị 60 tỷ USD mà 90% vẫn nằm trong tay các nhà bán lẻ truyền thống. Điều này để ngỏ dư địa tăng trưởng cho MWG trong tương lai.
Trên thực tế, MWG đặt mục tiêu vào năm 2022, BHX sẽ đóng góp 30% trên tổng doanh thu của công ty. Năm 2021, MWG đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 125.000 tỷ đồng, tăng trưởng 15%.
Theo cập nhật 5 tháng đầu năm, BHX đã đặt mức 1.851 cửa hàng, đạt doanh thu 10.600 tỷ đồng, đóng góp 20,5% vào tổng doanh số.
Doanh thu BHX lần đầu vượt mức 2.500 tỷ đồng trong tháng 5, tăng trưởng 19% so với tháng liền trước và 56% so với cùng kỳ. Doanh thu trung bình trên cửa hàng đạt 1,35 tỷ đồng, một phần do nhu cầu tích trữ hàng hoá thiết yếu của người dân tăng mạnh trước các đợt giãn cách xã hội.
BHX cho biết đang tiệm cận mức độ hoà vốn EBITDA ở cấp độ công ty.
Về cơ cấu cửa hàng, 44% có diện tích từ 300 m2 trở lên so với 17% cùng kỳ năm trước; 395 cửa hàng diện tích từ 500 m2 trở lên so với 182 cửa hàng cuối năm 2020. Điều này cho thấy xu hướng dịch chuyển mạnh mẽ của BHX lên mô hình cửa hàng diện tích lớn. Kết thúc năm nay, BHX đặt mục tiêu 500 cửa hàng diện tích 500 m2.