Thành viên Hiệp hội nước mắm Việt Nam đóng góp 70% doanh số toàn ngành nước mắm
Sáng 27/10, đại hội thành lập Hiệp hội nước mắm Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội, nhiệm kỳ đầu tiên từ 2020 – 2025.
Hiệp hội (tên viết tắt: VAFS) được thành lập theo quyết định của Bộ Nội vụ, quá trình vận động kéo dài khoảng 3 năm. Chủ tịch nhiệm kỳ đầu tiên của Hiệp hội nước mắm Việt Nam là PGS. TS Trần Đáng - nguyên Cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm, Bộ Y Tế.
Hiện tại, hiệp hội bao gồm các thành viên là 85 doanh nghiệp, gần 200 cá nhân hoạt động trên toàn quốc. Họ xuất thân từ nhiều thành phần: sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu nước mắm, các nhà khoa học, quản lý, kiểm nghiệm nước mắm.
Doanh số và sản lượng kinh doanh nước mắm của các hội viên sáng lập VAFS chiếm khoảng 70% doanh số và sản lượng của toàn bộ ngành nước mắm.
Một trong số các mục tiêu chính của VAFS bên cạnh việc tập hợp các thành viên trong ngành, bảo vệ quyền lợi chính đáng, Hiệp hội cũng mong muốn có thể xây dựng các tiêu chuẩn sản phẩm, quá trình sản xuất nước mắm. Ngoài ra, quá trình nghiên cứu khoa học cũng được thúc đẩy nhằm tăng năng suất, quảng bá sản phẩm ra thế giới và đẩy mạnh xuất khẩu...
PGS. TS Trần Đáng - Chủ tịch VAFS
Nước mắm là sản phẩm giàu tính truyền thống của Việt Nam, được gọi là "quốc hồn quốc túy". Tuy dung lượng thị trường nội địa không lớn so với các sản phẩm tiêu dùng khác, nhưng nước mắm không thể thiếu trong mọi bữa ăn gia đình – nhà hàng.
Các vùng làm nước mắm nổi tiếng của Việt Nam có thể kể đến như Cát Hải - Hải Phòng (phương pháp đánh khuấy); Phan Thiết, Nha Trang và Phú Quốc (phương pháp gài nén, tận dụng enzyme và vi sinh phân giải). Các phương pháp chế biến khác nhau, tạo nên chất lượng và hương vị nước mắm khác nhau.
Hiện nay, trên toàn quốc có 783 cơ sở sản xuất nước mắm có đăng ký sản xuất kinh doanh và gần 1.500 hộ gia đình có tham gia chế biến nước mắm với tổng công suất chế biến đạt khoảng 250 triệu lít/năm. Trong đó, có khoảng 270 cơ sở có quy mô công suất từ 100.000 lít/năm trở lên, tập trung chủ yếu ở một số tỉnh trọng điểm như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, TP HCM, Long An, Vĩnh Long, Tiền Giang, Kiên Giang...
Một số thương hiệu nước mắm nổi tiếng và có sản phẩm nước mắm phong phú như: nước mắm Vạn Vân (Cát Hải), nước mắm Vạn Phần (Nghệ An), nước mắm Nam ô (Đà Nẵng), nước mắm Phan Thiết (Bình Thuận), nước mắm Liên Thành (TP HCM), đặc biệt là nước mắm Phú Quốc (Kiên Giang) đang rất nổi tiếng ở trong nước và thế giới.
35 cơ sở (tập trung chủ yếu ở các tỉnh Bắc Trung Bộ và Duyên hải Miền Trung, Đông Nam Bộ và ĐBSCL), chiếm 4,5% tổng số cơ sở chế biến thủy sản đủ điều kiện xuất khẩu vào 20 thị trường (chủ yếu Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc). Còn lại chủ yếu là chế biến tiêu thụ nội địa với 748 cơ sở, chiếm 22,8% số lượng cơ sở chế biến thủy sản tiêu thụ nội địa.
Tổng giá trị ngành hàng nước mắm hiện nay đạt khoảng 6.000 tỷ đồng/năm; tăng trưởng bình quân trong 10 năm qua đạt 13,25%/năm.