Thấy người Việt bán xúc xích Đức mà không 'chuẩn Đức', một ông Tây bỏ chức giám đốc lương trăm nghìn đô Việt Nam khởi nghiệp
"Chúng tôi không có ý nghĩ nào trong đầu đến lợi nhuận mà chỉ để thỏa thích đam mê. Dự kiến chỉ ở Việt Nam 2 năm sau đó quay trở lại Đức, ai dè ở đến tận bây giờ là 9 năm", chị Trần Hoàng Minh Nguyệt, vợ anh Klaus Rutt, chia sẻ. Đang là Giám đốc một công ty xử lý rác thải, anh Klaus rẽ ngang sang bán xúc xích tại Việt Nam.
Vì quá yêu mến Việt Nam và tự tin với công thức bí truyền của gia đình được 100 năm, anh Klaus Rutt và vợ của mình đã quyết định ở lại Việt Nam khởi nghiệp với con số 0 bất chấp phản đối kịch liệt từ 2 bên gia đình.
Theo chia sẻ của chị Trần Hoàng Minh Nguyệt sinh sống tại Đức, năm 2007 chị và anh Klaus Rutt kết hôn. Trước đây, chị Nguyệt là diễn viên xiếc, sau khi sang Đức là chủ quán ăn còn anh Klaus Rutt làm giám đốc cho Công ty TNHH Klaus Rutt chi nhánh của công ty chế biến rác thải GAS tại Mannheim CHLB Đức.
Nói về lí do từ bỏ một công việc và mức lương hàng trăm nghìn đô đáng mơ ước đối với nhiều người để về Việt Nam. Anh Klaus cho biết: "Nhân duyên bắt đầu vào lần đầu tiên tôi về thăm quê vợ cùng các con vào hè năm 2011. Lúc đầu tôi thấy đường xá nhiều rác, ý định đầu tiên khi đang đi trên đường về nhà là sẽ về Việt Nam làm công việc xử lý rác".
Với dự định ban đầu, anh Klaus cũng đi xem những bãi rác ở Sóc Sơn, Hà Nội nhưng anh bị bế tắc. Sau 2 tuần sống tại Hà Nội, do các con của anh không ăn được cơm vì nắng nóng và mệt, anh đã mua xúc xích Đức các loại trong siêu thị về ăn.
"Sau khi mua xúc xích Đức về cho các con ăn nhưng chúng vẫn không thấy hợp khẩu vị nên tôi lại có ý tưởng ở lại đây làm xúc xích với công thức truyền thống 100 năm của gia đình để giới thiệu đến người Việt Nam", anh Klaus nói.
Tuy nhiên, ý định mới nhen nhóm đã bị gia đình nội ngoại phản đối. Anh Klaus đành quay lại Đức. Trong thời gian trở lại Đức, anh và vợ mình đã âm thầm lên kế hoạch nhất quyết phải trở lại Việt Nam.
Ngày 15/3 vợ chồng anh chị Klaus và những đứa con của mình đã về Việt Nam bất chấp sự phản đối của gia đình nội ngoại.
Kể về những khó khăn khi mới bắt đầu đến Việt Nam khởi nghiệp, chị Nguyệt tâm sự, chị và gia đình tới Sài Gòn không có một người thân quen, tất cả đều bắt đầu bằng con số 0 tròn trĩnh.
Thứ động viên và nguồn động lực lớn nhất của anh chị khi đó là con cái và thời tiết nắng ở đây. "Lúc đó chúng tôi không có ý nghĩ nào trong đầu đến lợi nhuận mà chỉ để thỏa thích đam mê. Dự kiến chỉ ở Việt Nam 2 năm sau đó quay trở lại Đức, ai dè ở đến tận bây giờ là 9 năm", chị Nguyệt nói.
Bắt tay vào khởi nghiệp theo ý tưởng trước đó, anh chị bắt đầu xây dựng thương hiệu xúc xích riêng của mình với cái tên Leon King – tên người con trai út.
Anh Klaus cho biết, anh tự tin với công việc làm xúc xích và lựa chọn khởi nghiệp tại Việt Nam do đây là nghề gia truyền từ nhỏ của gia đình anh, nó ăn sâu vào trong máu niềm đam mê. Bên cạnh đó, anh Klaus cho rằng, ở Việt Nam ghi là xúc xích Đức nhưng vị chưa chuẩn Đức nên anh muốn người dân Việt Nam hiểu được xúc xích Đức sẽ ngon thế nào, chất lượng ra sao.
"Để cạnh tranh được với những hãng xúc xích đang rất được lòng khách hàng tại Việt Nam, tôi rất tự tin khi Leon King được chế biến theo một công thức pha trộn thảo dược với thịt theo cách thủ công có gần 100 năm của gia đình và không có sự thay đổi", anh Klaus tiết lộ.
Theo anh Klaus, công thức "bất hủ" này giúp cho xúc xích của Leon King ngon và chất lượng mà không phải ai hay bất kỳ hãng xúc xích lớn nào đều có được. Ngoài ra, vỏ bọc của xúc xích Leon King cũng được dùng là loại ruột heo, ruột cừu muối tự nhiên, những loại thảo dược mà thương hiệu này sử dụng đều được nhập khẩu từ Đức và được xay ra từ các loại hoa lá hạt do giáo sư tiến sỹ nghiên cứu trong một nhà máy thảo dược đã được thành lập 150 năm tại Đức.
Bên cạnh đó, quy trình làm xúc xích loại thủ công này đòi hỏi người làm phải có một đôi bàn tay trần để cảm nhận độ lạnh vừa đủ của thịt, đủ độ dẻo và quánh để không cần dùng đến hóa chất.
Chế biến thủ công thời gian sẽ lâu hơn gấp 3,4 lần chế biến công nghiệp vì phải cẩn thận từng bước và việc dùng vỏ xúc xích tự nhiên nó chỉ có từng đoạn.
Hiện tại tôi có thể làm ra 500 kg xúc xích mỗi ngày nhưng số lương khách chưa đạt đến mức doanh số đó. Doanh thu hiện tại của Leon King đã đạt được sự mong đợi của chị Nguyệt và Anh Klaus.
"Hiện tại thì tôi đang rất hài lòng và mãn nguyện với doanh thu nhưng chúng tôi sẽ còn phải cố gắng thật nhiều hơn nữa. Niềm vui và hạnh phúc của chúng tôi không chỉ là doanh thu và lợi nhuận mà nó bao gồm cả danh tiếng, uy tín và lời truyền miệng nhau từ những người đã vào xưởng thăm quan trực tiếp, những khách hàng đã thưởng thức sản phẩm của Leon King. Điều đó thúc đẩy chúng tôi mạnh mẽ và giữ vững niềm tin "sản xuất chế biến chất lượng như đã cũ" không thay đổi", chị Nguyệt nói.
Hiện tại nhân viên sản xuất chỉ có anh Klaus và 1 anh đầu bếp người Đức và hiện có 2 cửa hàng vì chủ thương hiệu muốn tập trung vào sản xuất để phân phối. Hệ thống phân phối chủ yếu là chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch như Gofood, quán Steakhaus Sậy ở Cần Thơ, Ngôi nhà Đức và nhiều đối tác khác.
Sau một thời gian tự mình khởi nghiệp với con số 0, không bạn bè thân thiết tại Việt Nam, "ông Tây" bán xúc xích khuyên những bạn trẻ đang có ý định khởi nghiệp là khởi nghiệp tuy không dễ dàng, nhưng không có gì là không thể.
"Các bạn trẻ nên tạo cho bản thân một cơ hội mới, cơ hội để được học hỏi và trau dồi kiến thức, sự uy tín, lòng quyết tâm, tính kiên trì và nhẫn nại. Chậm mà chắc, đi từ từ từng bước không nên vội vã nhảy cách. Khi có đầy đủ kiến thức tức khắc sẽ có sự thành công", anh Klaus khẳng định.
Chuyện 2 ông Tây đi bán sườn heo nướng ở Sài Gòn, từng bị gọi là điên, sau 3 năm nhận đầu tư tiền tỷ từ Chảo Đỏ (sở hữu chuỗi Wrap & Roll)