Top100 thương hiệu tại Việt Nam: Cú nhảy vọt của Netflix, sự vươn lên của FMCG và thời trang tầm trung, trong khi Coca-Cola, Meiji và Dutch Lady tụt hạng thê thảm
Theo bảng xếp hạng của Nielsen IQ về Top100 thương hiệu hàng đầu Việt Nam, một cấu phần của 1.000 thương hiệu hàng đầu châu Á, Netflix là cái tên chứng kiến sự nhảy vọt lớn nhất trong năm 2021, tăng 112 bậc.
Netflix tạo ra bước nhảy đột phá
Chi phí đăng ký để sử dụng dịch vụ của Netflix là một trong những nhân tố kìm hãm sự phát triển của công ty này tại thị trường Việt Nam, nơi người tiêu dùng ưa chuộng nội dung miễn phí và kiếm doanh thu từ quảng cáo.
Hơn một nửa người tiêu dùng Việt Nam (52%) xác định YouTube là nền tảng để phát trực tuyến phim trong quý đầu năm 2021, theo báo cáo của Decision Lab. Báo chỉ ra mức phí đăng ký của Netflix là tương đối đắt đỏ.
Bản thân Netflix đang cạnh tranh với các dịch vụ phim trực tuyến trong nước như FPT Play, VieOn, Galaxy Play, tất cả đều đang cung cấp các gói cước với giá cả cạnh tranh.
FPT Play chiếm 23% thị phần dịch vụ phát trực tuyến và trả phí tại Việt Nam, trong khi Netflix đứng thứ hai với 16%, theo Desision Lab.
Thay vì cạnh tranh về giá, Netflix đã đẩy mạnh nỗ lực nội địa hóa thị trường Việt Nam, bao gồm cả việc khai thác thể loại phim truyền hình Hàn Quốc "cực kỳ ăn khách". Những nỗ lực này dường như đang mang lại kết quả, công ty chứng kiến cơ sở người dùng trên thị trường tăng 60% kể từ đầu năm 2020.
Hesperus Mak, Giám đốc hoạch định chiến lược tại TBWA Việt Nam cho biết: "Netflix không chỉ có những bộ phim K-drama thịnh hành mà người Việt Nam yêu thích, họ còn đầu tư hơn nữa để phục vụ khán giả Việt Nam bằng cách đưa vào giao diện tiếng Việt Nam, phụ đề và lồng tiếng. Ngoài ra, họ cũng bổ sung một số tác phẩm Việt Nam nổi tiếng vào bộ sưu tập của mình".
Một lưu ý quan trọng: Mặc dù Netflix đã khởi sắc nhờ lượng người dùng gia đình tăng đột biến, nhưng đây là số liệu được khảo sát từ ngày 12 đến ngày 30/4 năm nay, trước khi các thành phố của Việt Nam rơi vào tình trạng đóng cửa kéo dài trong nhiều tháng.
Sự vươn lên của hàng tiêu dùng nhanh và thời trang tầm trung
Các công ty sản xuất hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) được coi là vừa thiết yếu lại vừa rẻ nằm trong số những thương hiệu vươn lên trong bảng xếp hạng 100 thương hiệu hàng đầu Việt Nam, bao gồm P/S, Pampers, Chin-Su, Close-up và Omo.
Tai Le, Giám đốc vận hành và thương mại điện tử của Red2Digital cho biết: "Những thương hiệu này thuộc nhóm thiết yếu với giá cả hợp lý cho tất cả mọi người và phạm vi phủ sóng rộng khắp từ nông thôn đến thành thị. Kết quả là họ tận tưởng sự phục hồi trở lại".
Nhưng FMCG cũng chiếm tỷ trọng lớn trong số các thương hiệu mất vị trí trong bảng xếp hạng của Việt Nam, danh sách bao gồm Meiji, Dutch Lady, Lipton, Aquafina, Nescafe.
Saby Misha, Người sáng lập và Giám đốc điều hành của MullenLowe Mishra, giải thích: "Nhìn chung trong năm nay, chúng tôi nhận thấy xu hướng rõ ràng đối với các mặt hàng chủ lực và giảm bớt nhu cầu đối với các mặt hàng không thiết yếu, đặc biệt ở cấp độ thị trường đại chúng. Điều này có thể hiểu được khi đại dịch tác động đến nền kinh tế và gây ra những thay đổi bất thường về thu nhập".
Trong khi đó, Louis Vuiton tụt 33 bậc trong bảng xếp hạng sau khi nhảy vọt 98 bậc vào năm 2020. Các thương hiệu thời trang tầm trung như Levi’s và Zara lại khởi sắc, tăng lần lượt 63 bậc và 28 bậc. Sự nổi lên của LV vào năm ngoái tương quan với việc thương hiệu này tung ra một chiến dịch tiếp thị lớn, chụp ảnh tại các danh lam thắng cảnh mang tính biểu tượng của Việt Nam.
Mak của TBWA nói: "Bởi vì đây là một thương hiệu quá xa xỉ với nhiều người Việt Nam, không có gì ngạc nhiên khi thấy nhiều thương hiệu thời trang giá cả phải chăng lên ngôi, đặc biệt là trong bối cảnh người dân thắt chặt ngân sách".
Tai Le cho biết thêm rằng sự gia tăng của các thương hiệu thời trang tầm trung như Zara được thúc đẩy bởi các mô hình kinh doanh tập trung và giao hàng nhanh, các chương trình khuyến mãi thường xuyên và không thể cưỡng lại.
Năm nay là một năm sóng gió đối với các thương hiệu trong Top 100 thương hiệu hàng đầu Việt Nam. Có tới 10 thương hiệu đã tăng hơn 50 bậc trong bảng xếp hạng.
Các chiến dịch nâng cao nhận thức người tiêu dùng
Mak cho biết sự phát triển của L’Oreal có thể được giải thích bằng việc công ty này thực hiện một số chiến dịch trong năm qua nhằm nội địa hóa thêm các dòng sản phẩm. Vào tháng 3. L’Oreal Paris đã phát động một chiến dịch nhân ngày Quốc tế Phụ nữ nhằm trao quyền cho phụ nữ Việt Nam làm chủ tương lai của mình.
Tương tự, Chin-Su đã phát hành một chiến dịch video âm nhạc giới thiệu sản phẩm tương ớt. Bài hát sử dụng từ "Mlem" trong đoạn điệp khúc, một từ lóng trên mạng xã hội ám chỉ thứ gì đó ngon và hấp dẫn. Video đạt 11 triệu lượt xem và trở thành giai điệu nổi tiếng trên TikTok.
Trong khi đó, một số thương hiệu trượt dài trong tâm trí người tiêu dùng, Coca-Cola mất 53 bậc. Các chuyên gia thị trường cho biết họ đã nhận thấy sự sụt giảm trong sự hiện diện trên các phương tiện truyền thông và sự quan tâm đến thương hiệu trong những năm gần đây.
Mishra nói: "Việc đóng cửa do đại dịch có thể ảnh hưởng đến doanh số bán hàng và sụt giảm khả năng hiển thị tại các trung tâm như rạp chiếu phim và nhà hàng".
Tai Le lưu ý rằng: "Một số thương hiệu đã tận dụng tốt sự kiện bất ngờ như đại dịch, một số lại không".
Các thương hiệu Việt Nam diễn biến trái chiều trong danh sách, Vissan, Chin-Su, khách sạn Mường Thanh, Trung Nguyên và Petrolimex đều thăng hạng, trong khi Vinmart, Vietjet Air và Hảo Hảo lại sụt giảm.
Tai Le cho rằng việc Vinmart tụt xuống 15 bậc có thể do vẫn đang trong quá trình tái cấu trúc từ khi Masan mua lại từ Tập đoàn Vingroup. "Các chi phí liên quan đến một động thái như vậy, chưa kể chi phí triển khai một thương hiệu mới, chi phí mua lại và thuế, tất cả đều là gánh nặng to lớn với công ty".
Sự sụt giảm của Viejet có thể dễ dàng giải thích bởi thực tế ngành du lịch đã bị ảnh hưởng nặng nề trong thời đại dịch.
Hảo Hảo có thể đã trượt khỏi Top 100, nhưng thương hiệu mì ăn tiền này đứng thứ 6 trong danh sách thương hiệu nội địa được ưa thích tại Việt Nam, tăng từ vị trí thứ 10 vào năm 2020.
Hãng sữa Vinamilk đứng vị trí thứ 10 trong bảng xếp hạng. Thật vậy, tất cả các thương hiệu trong Top 10 vẫn giữ nguyên nhưng đã được cải tổ lại. Các thương hiệu điện tử như Panasonic, Sony và LG tăng trưởng trong khi Apple tụt từ vị trí số hai xuống vị trí thứ tư. Chanel vượt qua Gucco và Nestle trượt 4 bậc.
GrabFood và GoFood dẫn dắt những người chơi mới tham gia
Có 19 doanh nghiệp mới lọt vào bảng xếp hạng 100 thương hiệu hàng đầu Việt Nam, trong đó có 5 thương hiệu mới: Dịch vụ giao đồ ăn GrabFood và GoFood, GA TUOI 3F, game League of Legends và CP Group. Điều này được giải thích là do danh mục giao hàng tại nhà và trò chơi điện tử mới được thêm vào trong Top1000 thương hiệu hàng đầu năm 2021.
GrabFood và GoFood đã trở nên thiết yếu với cuộc sống hàng ngày của người Việt Nam, Mak nói: "Với thời gian dài đóng cửa nhà hàng, việc giao đồ ăn đã trở thành một sự thay đổi lớn trong hành vi của người tiêu dùng để có thể thích nghi".
Trong khi đó, sự gia tăng thời gian giải trí giải thích cho sự thành công của Liên Minh Huyền Thoại.
Những thương hiệu rơi khỏi Top100
Những thương hiệu được thêm mới vào Top100