Ứng phó với đại dịch COVID-19: Doanh nghiệp phản ánh, bộ, ngành gỡ khó
(Chinhphu.vn) – Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ngày càng phức tạp và đang tác động tiêu cực đến sản xuất, ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp (DN). Nhằm hỗ trợ kịp thời để DN từng bước vượt qua đại dịch, các bộ, ngành đã và đang có chính sách cụ thể, thiết thực. Cổng TTĐT Chính phủ thực hiện loạt bài viết về những kiến nghị của DN và giải pháp được các cơ quan chức năng tập trung tháo gỡ cho sản xuất, kinh doanh, góp phần thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” mà Chính phủ đề ra. - Thông tin chính thống hoạt động, quyết định, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, Phó Thủ tướng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, ngoại giao; và thế giới...
Sự tác động của đại dịch COVID-19 trong đợt bùng phát lần thứ 4 đã ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội (KT-XH), nhất là hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong bối cảnh đó, các DN đã luôn phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo trong công tác phòng chống dịch để cùng cả nước tháo gỡ khó khăn, duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh với những hành động cụ thể, thiết thực, nhất là những phản ánh, kiến nghị, đề xuất xác đáng được gửi đến các cơ quan thẩm quyền xem xét, xử lý.
ĐBQH Nguyễn Quang Huân (đứng), Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam. Ảnh: VGP/Lê Sơn. |
Ông Nguyễn Quang Huân cho rằng, việc Nhà nước hỗ trợ DN trong bối cảnh đại dịch COVID-19 không nhất thiết phải là giảm thuế, giãn thuế, khoanh nợ cho tất cả các DN đang bị tác động bởi đại dịch hiện nay mà quan trọng nhất là cần rà soát các chính sách của các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thực sự cởi trói nhằm kích thích DN phát triển trong bối cảnh đại dịch.
Đây chính là “khoan thư sức dân” cho DN và doanh nhân, là sự hỗ trợ thiết thực và quý báu cho DN thời điểm hiện nay. Bởi nếu chúng ta miễn giảm thuế quá nhiều thì ngân sách nhà nước sẽ khó khăn khi chi cho các hoạt động của bộ máy, cho an sinh xã hội, giáo dục, y tế, quốc phòng an ninh…
Chúng ta nên xem xét kỹ càng việc giảm thuế, giãn thuế cho DN lớn, DN khởi nghiệp hoặc DN có nhiều lao động bởi nếu không có thể sẽ ảnh hưởng đến hoạt động chung của nền kinh tế. DN sử dụng nhiều lao động nếu cho công nhân ngừng việc sẽ gây tác động xã hội, hay DN khởi nghiệp vốn ngắn sẽ phá sản khi vừa mới “ra ràng”. Việc giãn thuế cũng cần có quy định cụ thể, rõ ràng thời gian giãn, hoãn thuế cho DN là bao lâu và DN có nghĩa vụ nộp cho ngân sách nhà nước là khi nào để nâng cao trách nhiệm của DN đối với Nhà nước.
Một trong những biện pháp hỗ trợ mà nhiều DN phản ánh, kiến nghị là giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng, bởi lãi suất cho vay vẫn rất cao, thủ tục tiếp cận vốn khó khăn, rườm rà, nhiêu khê và đẩy rủi ro cho DN và chủ DN là chính.
Về bản chất, ngân hàng cũng là một DN, hoạt động và kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp và các luật chuyên ngành như Luật Các tổ chức tín dụng, nên cần bảo đảm hợp tác công bằng giữa ngân hàng và các DN bên vay. Hiện nay, các ngân hàng thương mại đang áp dụng mức chênh lệch tiền gửi và tiền cho vay là 3,5-4,0%/năm đã đẩy lãi suất cho vay trước đây lên 10-11% là quá cao. Hiện các ngân hàng đã giảm tỉ lệ lãi suất xuống còn khoảng 9% nhưng đó là do lãi suất huy động tiền gửi giảm, còn mức chênh lệch của ngân hàng nêu trên là không đổi, nghĩa là ngân hàng vẫn giữ nguyên tỉ lệ lãi suất của mình trong khi các DN giảm lãi, thậm chí là thua lỗ. Như vậy là các ngân hàng chưa kịp thời chia sẻ khó khăn với các DN, giúp đỡ các DN trong thời kỳ dịch bệnh theo như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, thủ tục huy động tiền gửi vào ngân hàng quá dễ dàng, còn thủ tục cho vay thì lại nhiêu khê, gây không ít khó khăn cho DN. Thực tế cho thấy, các DN nhỏ và vừa khi tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng đã vấp phải hàng rào thủ tục hành chính với rất nhiều quy định được các ngân hàng dựng lên để đẩy rủi ro về phía DN là chính, thay vì DN và ngân hàng cần bình đẳng với nhau vì cùng hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, cùng chia sẻ rủi ro để phát triển.
Nhiều DN phản ánh, không ít nhân viên ngân hàng chưa thực sự hiểu các yếu tố kỹ thuật và tài chính trong từng dự án cụ thể nên khi xác minh, thẩm định dự án đã không đánh giá đúng mức độ khả thi của dự án nên đưa ra nhiều điều kiện chỉ cốt tránh rủi ro cho ngân hàng. Chính vì bất cập này mà đôi khi dự án tốt lại không được vay, khiến DN gặp khó khăn hơn.
Do đó, ông Nguyễn Quang Huân kiến nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu chính sách giảm lãi suất cho vay đối với DN, triệt để cải cách thủ tục hành chính để DN tiếp cận vốn dễ dàng hơn trong thực tế. Nâng cao năng lực và phẩm chất cán bộ ngân hàng cũng là những hỗ trợ rất quan trọng đối với các DN trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 hiện nay, giúp DN cầm cự và phát triển khi đại dịch qua đi. Điều này cũng chính là góp phần vào phát triển KT-XH của địa phương và cả nước, người lao động có công ăn việc làm là bảo đảm an sinh và trật tự an toàn xã hội trong tình hình hiện nay.
Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam Đặng Hồng Anh. Ảnh: VGP/Lê Sơn. |
Ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam nhìn nhận, đợt bùng phát lần thứ 4 của dịch COVID-19 khiến DN gặp nhiều khó khăn, hoạt động sản xuất hầu hết chỉ cầm chừng. Dù chưa thể thống kê có bao nhiêu DN bị thiệt hại, nhưng ảnh hưởng nặng nề của đợt dịch bệnh lần này khiến nhiều DN phải giải thể.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2021, có 70.200 DN trên cả nước phải tạm dừng kinh doanh có thời hạn, dừng hoạt động để chờ thực hiện thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020. Điều này cho thấy sức tàn phá khủng khiếp của dịch bệnh tác động đến nền kinh tế Việt Nam nói chung và cộng đồng DN nói riêng.
Dù Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, đặc biệt là các giải pháp về thuế, để hỗ trợ các DN vượt qua khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhưng chính sách giãn, giảm thuế hiện vẫn chưa đủ.
Theo ông Đặng Hồng Anh, để vừa hỗ trợ doanh nghiệp, vừa cân bằng lợi ích Nhà nước với lợi ích của DN, Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan chức năng cần tham khảo, nghiên cứu kinh nghiệm một số quốc gia trên thế giới đang làm như: Miễn, giảm thuế, kéo dài thời gian chuyển lỗ hoặc giảm trừ chi phí khi tính thuế; miễn và hoàn thuế giá trị gia tăng…
Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam kiến nghị một số giải pháp cụ thể để hỗ trợ DN cầm cự và từng bước vượt qua đại dịch, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Đó là, hiện nay nhiều DN đang phải cầm cự, thậm chí tê liệt do gặp khó khăn trong bố trí sản xuất, bên cạnh đó còn đối mặt với chi phí hàng hóa gia tăng. Các bộ, ngành và cấp có thẩm quyền cần ban hành những quyết sách cụ thể hơn, sát sườn hơn để hỗ trợ, e rằng sẽ có thêm nhiều DN đóng cửa, kéo theo tình trạng người lao động mất việc, nền kinh tế nước nhà bị ảnh hưởng.
Cụ thể, giảm thuế suất thu nhập DN xuống 10% cho tất cả DN đối với kỳ tính thuế của năm 2019, 2020 và 2021; thống nhất thuế suất VAT cho tất cả các mặt hàng từ ngày 1/6/2021 theo mức cụ thể sau:
Áp dụng thuế suất 0% đối với những mặt hàng đang chịu thuế VAT 5%; áp dụng thuế suất 5% đối với những mặt hàng đang chịu thuế 10%; mức thuế suất VAT áp dụng cho tất cả các mặt hàng sản xuất tại Việt Nam xuất khẩu là -10% (tức là xuất khẩu được 100 đồng thì ngân sách cho thoái thêm 10 đồng).
Cá nhân có thu nhập chịu thuế nhưng nếu đem đầu tư cho khởi nghiệp thì miễn thuế thu nhập cá nhân cho khoản đầu tư đó; chi ủng hộ chống dịch của các DN được tính vào chi phí trước thuế mà không có giới hạn hạn mức; giãn các loại thuế theo Nghị định 41 đến hết tháng 12/2021.
Để kéo các công ty sản xuất có vốn 100% nước ngoài về Việt Nam, đồng thời nâng cao năng lực công nghiệp hỗ trợ trong nước, các nhà máy của những công ty chuyển từ nước ngoài về Việt Nam sẽ được hỗ trợ miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp với mức cao nhất theo luật định. Các công ty trong nước đáp ứng được và trở thành nhà phân phối của các nhà máy này sẽ được miễn thuế tương tự kể từ khi chính thức trở thành nhà phân phối của họ.
Sớm thực hiện việc hoàn thuế cho DN theo quy định của pháp luật; đối với các loại thuế, phí đã có hướng dẫn về miễn, giảm, hoãn, đề nghị cục thuế địa phương có hướng dẫn chi tiết, cụ thể, kịp thời đến các doanh nghiệp.
Đối với tiền thuê đất thuộc thẩm quyền quyết định của địa phương, đề nghị các địa phương xem xét, miễn giảm tiền thuê đất đối với các DN bị ảnh hưởng trong năm 2020, 2021, thậm chí có thể kéo dài đến giữa hoặc cuối năm 2022 khi việc phủ sóng vaccine cho toàn dân hoàn tất, hoạt động sản xuất kinh doanh có thể trở lại.
Xem xét các chính sách tài khóa có liên quan tới các DN nhỏ và siêu nhỏ như: Thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn, cắt, giảm thuế, phí, lệ phí, gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNCN, tiền thuê đất; đẩy nhanh các biện pháp giúp nhanh chóng lưu thông hàng hóa, tổ chức tiêm vaccine cho người lao động để các DN duy trì hoạt động sản xuất, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng.
Giãn nợ vay cho DN sang năm 2022; miễn/hoãn nộp thuế VAT, thuế nhập khẩu đối với thiết bị máy móc chế biến nông sản, kho lạnh trữ nông sản; miễn thuế tiền mặt bằng, nhà xưởng sản xuất ít nhất 6 tháng hoặc đến hết năm 2021.
Hiện các DN rất cần được Chính phủ, Quốc hội xem xét việc hỗ trợ giãn, hoãn, giảm thuế, lãi suất... để duy trì hoạt động sản xuất và khôi phục sau dịch nên cần phải triển khai nhanh chóng, kịp thời, đơn giản hóa thủ tục và hướng dẫn cụ thể để tạo điều kiện cho DN có thể tiếp cận.
Lê Sơn (thực hiện)