Vì đâu giới quản lý quỹ toàn cầu đồng loạt quan tâm đến Nhật Bản?
Các quỹ đầu tư tư nhân có trụ sở tại Hồng Kông và Thụy Điển đang chuẩn bị đầu tư vào Nhật Bản. Họ từng bước ra nhập làn sóng mua lại các doanh nghiệp gặp khó khăn do áp lực từ đại dịch .
Quỹ EQT của Thụy Điển đã mở một văn phòng ở Tokyo với kế hoạch thuê 3 - 5 người quản lý vốn cổ phần tư nhân. PAG có trụ sở tại Hồng Kông vốn tập trung vào thị trường châu Á đã tuyển hai nhân vật kì cựu trong làng tài chính Nhật Bản để giám sát các thương vụ hàng tỷ USD.
Việc hai quỹ này gia nhập cuộc chơi là một phần của đợt bùng nổ đầu tư lần thứ ba đang diễn ra ở Nhật Bản, bắt đầu xuất hiện từ khoảng năm 2018. Các quỹ đầu tư nước ngoài dự đoán một đợt bán tài sản bùng nổ bởi các công ty đang loay hoay với các hoạt động đình trệ không trọng điểm. Nhưng sự mở rộng nhanh chóng của thị trường Nhật Bản làm dấy lên lo ngại về tình trạng quá nóng.
Quỹ EQT có văn phòng tại 17 quốc gia, đang sở hữu chuỗi cửa hàng tạp hóa Đan Mạch có tên Flying Tiger Copenhagen. Simon Griffiths - người đứng đầu bộ phận đầu tư tư nhân khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của EQT cho rằng nhóm đầu tư bị thu hút bởi sự phát triển của thị trường Nhật Bản. Griffiths cho biết EQT sẽ vận dụng những gì tinh tuý của mình để hỗ trợ các công ty Nhật Bản.
EQT có kế hoạch đầu tư vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, viễn thông và dịch vụ. Công ty sẽ hợp tác với Japan Industrial Partners, một công ty mua bán sáp nhập có trụ sở tại Tokyo nhằm tìm kiếm các thương vụ.
PAG đã bổ nhiệm Koichi Ito và Yoichi Tamagawa làm đồng giám đốc kinh doanh cổ phần tư nhân Nhật Bản. Ito trước đây từng là giám đốc của Credit Suisse và đã có thập kỷ kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư của ngân hàng. Tamagawa, người đã dành 30 năm đầu tư và phát triển kinh doanh tại Mitsubishi, từng là giám đốc điều hành tại công ty cổ phần tư nhân Marunouchi Capital ở Tokyo.
PAG có danh mục đầu tư mạnh trong lĩnh vực bất động sản, nhưng cổ phần của họ ở Nhật Bản bị hạn chế. PAG sẽ đưa hoạt động đầu tư tư nhân tại Nhật Bản của mình phát triển và mở rộng đội ngũ. Tập đoàn có kế hoạch đầu tư hàng trăm tỷ yên (100 tỷ yên tương đương 946 triệu USD) trong vài năm tới.
Công ty đầu tư tư nhân của Mỹ -Blackstone Group đã chiêu mộ một trong những cố vấn chính sách hàng đầu của cựu Thủ tướng Shinzo Abe nhằm thúc đẩy đầu tư vào Nhật Bản. Ảnh: Reuters
Làn sóng gia nhập vào thị trường đầu tư tư nhân của Nhật Bản bắt đầu vào năm 2018 khi Tập đoàn Blackstone thành lập một bộ phận đầu tư tư nhân. Trước đó, công ty này chủ yếu tập trung vào bất động sản.
Apollo Global Management có trụ sở chính tại New York cũng đã mở văn phòng tại Nhật Bản. L Catterton, một công ty đầu tư tư nhân do LVMH Moet Hennessy Louis Vuitton của Pháp đồng sáng lập, cũng thành lập một chi nhánh tại Nhật Bản.
Các quỹ tập trung vào Nhật Bản đã chứng minh lợi suất cao. Theo công ty nghiên cứu Preqin của Anh, tỷ lệ hoàn vốn nội bộ trung bình là 18% từ năm 2008 đến năm 2017. Con số này vượt qua mức 15% đối với các quỹ tập trung vào Bắc Mỹ và thậm chí còn cao hơn so với các quỹ tập trung vào Châu Âu và các nước Châu Á ngoài Nhật Bản.
Việc tái tổ chức kinh doanh của Nhật Bản dự kiến sẽ hoạt động vô cùng mạnh mẽ vì đại dịch. Đồng thời, thiệt hại kinh tế của nước này được coi là chưa đáng kể so với phần còn lại của thế giới.
Làn sóng đầu tư tư nhân lần đầu tiên xảy ra vào cuối những năm 1990 nhằm đối phó với sự gia tăng của các khoản nợ không đạt hiệu quả. Các tập đoàn đầu tư toàn cầu có văn phòng tại Nhật Bản đều hướng tới việc hỗ trợ tái cơ cấu và tăng trưởng doanh nghiệp.
Giữa những năm 2000 là giai đoạn của làn sóng đầu tư cổ phần tư nhân lần thứ hai. Các công ty cổ phần lớn của Mỹ đã vào Nhật Bản để tham gia vào cuộc bùng nổ mua bán và sáp nhập. Hoạt động này đã dừng lại sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.