Vingroup gấp rút xây nhà máy sản xuất vaccine tại Hòa Lạc
Theo đó, nhà máy sản xuất vaccine của Vingroup là một trong năm công trình trọng điểm cấp bách được phép hoạt động trong thời gian Hà Nội thực hiện giãn cách.
Dự án này do CTCP Nghiên cứu và Sản xuất VinSmart (thành viên của Tập đoàn Vingroup) đầu tư tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Theo văn bản do Phó Chủ tịch Hà Nội Dương Đức Tuấn ký vào hôm nay (27/7/2021), ngoài dự án nhà máy sản xuất vaccine của Vingroup, còn có 4 nhóm công trình/dự án trọng điểm cấp bách khác được phép hoạt động xuyên giãn cách. Có thể kể đến như Công trình nhà giải phẫu bệnh lý - Bệnh viện Quân y; 19 dự án chống sạt lở kè bờ sông và công trình thoát lũ; Trụ sở Tòa án nhân dân thành phố; Trung tâm nghiên cứu và phát triển của Samsung Việt Nam;...
Để hoạt động trong thời gian thực hiện Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 23/7/2021, UBND Tp. Hà Nội yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu phải có phương án, kịch bản duy trì thi công, đảm bảo phòng chống dịch; Công trường phải đáp ứng điều kiện phòng chống dịch bệnh đúng quy định và phải thực hiện nguyên tắc 3 tại chỗ hoặc "một cung đường hai điểm đến".
Kế hoạch sản xuất vaccine phòng chống Covid-19 của Vingroup
CTCP Tập đoàn Vingroup (Mã CK: VIC ) được cho là đã tiếp cận đàm phán chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine phòng chống Covid-19 với Công ty Acturus (Mỹ). Theo Bộ Y tế, dự kiến tháng 8/2021, vaccine có thể bắt đầu thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam. Nhà máy sẽ có công suất từ 100 đến 200 triệu liều/năm.
Tháng 6/2021, Vingroup đã ‘bắt tay’ với Viet A Corp thành lập CTCP Công nghệ sinh học Vinbiocare ( Vinbiocare ) với vốn điều lệ 200 tỉ đồng. Trong đó, Vingroup nắm chi phối với tỉ lệ sở hữu 69% vốn điều lệ, các cổ đông liên quan tới Viet A Corp sở hữu số cổ phần còn lại.
Vinbiocare đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu bao gồm sản xuất vaccine, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực khoa học y, dược.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2021, Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng đã có những chia sẻ về dự án Vinbiocare.
Theo đó, Vinbiocare có định hướng phát triển các sản phẩm công nghệ sinh học chứ không chỉ riêng vaccine. "Công ty này sẽ bắt đầu từng hoạt động với nhiều công đoạn như xét nghiệm, vaccine, thực phẩm chức năng, thuốc chữa", ông Phạm Nhật Vượng cho hay.
Đồng thời, Chủ tịch Vingroup cũng nhấn mạnh đây là hoạt động phi lợi nhuận. "Hiện tại đất nước đang cần, chúng tôi làm vaccine. Nhưng dự án đó là phi lợi nhuận, tất cả chi phí chúng tôi sẽ cố gắng thu về, cần thiết sẽ tài trợ, thậm chí chấp nhận rủi ro ban đầu là thử nghiệm vaccine với các dự án chưa chắc đã thành công, đồng hành cùng dự án đó. Vì đơn giản nếu đợi đến khi thành công thì chưa chắc chúng ta đã mua được vaccine chứ đừng nói là chuyển giao công nghệ”, ông Vượng nói.
Ngoài sản xuất vaccine, Vingroup cũng tài trợ cho nhiều hoạt động phòng chống dịch Covid-19 thông qua việc sản xuất và tài trợ máy thở, tài trợ nghiên cứu vaccine, tài trợ các chuyến bay nhân đạo.
Vingroup đã triển khai sản xuất máy thở các loại (xâm nhập, không xâm nhập) và máy đo thân nhiệt nhằm cung ứng cho thị trường Việt Nam. Trong tháng 8/2020, tập đoàn đã tặng 3.000 máy thở Vsmart VFS - 410 và 200 máy thở xâm nhập VFS - 510 cho Bộ Y tế.
Đầu năm 2021, Vingroup đã tài trợ 20 tỉ đồng cho Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC, thuộc Bộ Y tế) để nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vaccine Covivac phòng Covid-19./.