Thursday, Oct 20, 03:10 PM

Cán cân thương mại xuất siêu trên 17 tỷ USD

Trong kỳ 1 tháng 10, cán cân thương mại hàng hóa đã xuất siêu 798 triệu USD. Qua đó, nâng mức xuất siêu của cả nước tính đến hết ngày 15/10 lên 17,32 tỷ USD.

Cán cân thương mại xuất siêu trên 17 tỷ USD
Cán cân thương mại xuất siêu trên 17 tỷ USD

Hoạt động xuất siêu tiếp tục được duy trì đến giữa tháng 10, là điểm sáng của kinh tế vĩ mô. Theo Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 10 (từ ngày 1-15/10) đạt 24,64 tỷ USD, giảm 8,5% (tương ứng giảm 2,29 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 9/2020.

2750-xnk
Cả nước đã xuất siêu 17,32 tỷ USD tính đến giữa tháng 10

Tính chung, tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đến hết ngày 15/10 đạt 413,18 tỷ USD, tăng 2,3%, tương ứng tăng 9,27 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2019.

Trong kỳ 1 tháng 10, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 798 triệu USD. Qua đó, nâng mức xuất siêu của cả nước tính đến hết ngày 15/10 lên 17,32 tỷ USD.

Về xuất khẩu, tổng trị giá trong kỳ 1 tháng đạt 12,72 tỷ USD, giảm 12,2% (tương ứng giảm 1,77 tỷ USD) so với kỳ 2 tháng 9/2020.

Nhìn chung, hoạt động xuất khẩu đang có dấu hiệu khởi sắc khi các doanh nghiệp tận dụng khá tốt các ưu đãi thuế quan từ Hiệp định EVFTA. Chỉ tính riêng tháng 8, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU đã đạt 3,25 tỷ USD, tăng 4,65% so với tháng 7 và tăng 4,2% so với cùng kỳ, đưa kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường EU đạt 22,76 tỷ USD, tăng gần 500 triệu USD so với bình quân 7 tháng đầu năm (bình quân 7 tháng là 2,79 tỷ USD). Sang tháng 9, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này tiếp tục duy trì đà tăng mạnh, tăng khoảng 14,4% so với cùng kỳ.

Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU sau hơn 2 tháng EVFTA được thực thi. Điển hình, xuất khẩu thủy sản có số lượng đơn hàng tăng khoảng 10% so với tháng 7; kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó xuất khẩu tôm tháng 8/2020 tăng 15,7% so với cùng kỳ (đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ đầu năm nay).

Bên cạnh thủy sản, gạo Việt xuất khẩu sang châu Âu cũng có những tín hiệu khả quan khi giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU đã tăng phổ biến từ 80-200 USD/tấn, tùy loại so với thời điểm trước khi EVFTA có hiệu lực. Ngoài ra, nhiều mặt hàng khác như điện thoại và linh kiện, máy móc, thiết bị phụ tùng, dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ, cà phê… cũng đang được nhận định kỳ vọng lớn trong việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này thời gian tới.

Theo các chuyên gia, những kết quả thu được chỉ là bước đầu, về lâu dài, do EU là một thị trường lớn, có những đòi hỏi khắt khe nên khi DN Việt Nam muốn tham gia, tiếp cận vào thị trường này buộc phải đáp ứng các tiêu chuẩn, tiêu chí nhất định mà EU đã quy định. Đây là một thách thức, song sẽ tạo nên sự phát triển bền vững cho DN trong sân chơi thương mại quốc tế.

Bộ Công Thương lưu ý, để được hưởng ưu đãi thuế quan, DN Việt Nam cần đáp ứng các quy định về quy tắc xuất xứ của Hiệp định EVFTA. Ưu đãi thuế quan và quy tắc xuất xứ là hai yếu tố diễn ra song song và không thể tách rời. Do vậy, để kịp thời hỗ trợ DN Việt Nam tận dụng cơ hội ngay từ những ngày đầu thực thi Hiệp định, ngày 15/6/2020, Bộ trưởng Công thương đã ban hành Thông tư số 11/2020/TT-BCT quy định quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định EVFTA làm cơ sở pháp lý hướng dẫn thực thi nội dung này tại Việt Nam. Thông tư đã có hiệu lực ngay từ ngày Hiệp định EVFTA có hiệu lực.

ph493ng-lan
Theo Công Thương https://congthuong.vn/can-can-thuong-mai-xuat-sieu-tren-17-ty-usd-146053.html Copylink