Xúc tiến thương mại - Trợ lực cho xuất khẩu An Giang
Cũng như các địa phương khác, xuất khẩu hàng hóa của tỉnh An Giang đang có dấu hiệu chững lại. Để hỗ trợ doanh nghiệp duy trì tăng trưởng, ngành Công Thương tỉnh này đang quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp như xúc tiến thương mại, đồng thời kiến nghị ng
Theo ông Đoàn Minh Triết, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang, trong tháng 2/2020, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 71,77 triệu USD, dù tăng 3,7% so với cùng kỳ nhưng chỉ bằng 97,30% so với tháng trước. Tính chung 2 tháng đầu năm đạt 145,53 triệu USD, tăng 3,7% so cùng kỳ.
Trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh, gạo và thủy sản là hai mặt hàng có kim ngạch tăng chậm trong 2 tháng đầu năm nay. Cụ thể, 2 tháng đầu năm tỉnh chỉ xuất khẩu được 85,45 nghìn tấn, tương đương kim ngạch đạt 43,23 triệu USD; so với cùng kỳ tăng 3,93% về lượng và tăng 3,17% về kim ngạch.
Tương tự, mặt hàng thủy sản đạt 19,77 nghìn tấn, tương đương 47,67 triệu USD. So với cùng kỳ tăng 2,35% về lượng và tăng 2,82% về kim ngạch. Ngoài ra, các mặt hàng khác như rau quả, dệt may, giày dép... cũng không có nhiều khả quan trong hai tháng qua.
Việc tìm thị trường mới đang được ngành Công Thương An Giang chú trọng |
Nhận định về cơ cấu xuất khẩu của các thị trường, ông Phan Lợi - Phó Giám đốc Sở Công Thương An Giang - cho biết, trong số các thị trường xuất khẩu thì Trung Quốc là thị trường trọng điểm đối với hàng thủy sản và lúa gạo tỉnh An Giang. Vì thế khi nước này bị dịch bệnh hoành hành, nhu cầu nhập khẩu chậm lại đã khiến các doanh nghiệp ít đơn hàng hoặc được đề nghị chậm giao hàng. Riêng với mặt hàng gạo, việc xuất khẩu chậm một phần còn do nhu cầu ở các thị trường khác ngoài Trung Quốc không cao, nhiều doanh nghiệp chưa có hợp đồng lớn, tập trung để dẫn dắt, khả năng ký kết hợp đồng mới chưa có...
Theo tính toán của nhiều doanh nghiệp tại An Giang, đơn hàng qua Trung Quốc đã sụt giảm bình quân 30-35% so với trước đây. Thêm vào đó, điều kiện xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc cũng có nhiều khó khăn như điều kiện bóc dỡ hàng, kiểm soát lưu thông, vận chuyển hàng hóa giữa các tỉnh, thành của nước này… Các doanh nghiệp nhận định, thời gian tới việc xuất khẩu sẽ còn tiếp tục khó khăn hơn.
Ở các thị trường khác, theo các doanh nghiệp, hiện dịch bệnh đã lan rộng tới 78 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Điều này đã có tác động không nhỏ đến xuất khẩu hàng hóa. Để ứng phó, các doanh nghiệp đang tìm hướng tiết giảm tối đa chi phí hoạt động, khai thác một số thị trường mới đồng thời cải tiến sản phẩm cho phù hợp với thị hiếu khách hàng.
Đơn cử như Tập đoàn Lộc Trời, mấy năm trước doanh nghiệp này đã định hướng chỉ xuất khẩu gạo chất lượng và độ thuần cao nên thị trường không bị phụ thuộc vào Trung Quốc. Doanh nghiệp cũng đang từng bước giảm dần gạo đóng bao 50kg và chủ yếu đưa ra sản phẩm đóng gói từ 5 - 10kg.
Với vai trò quản lý ngành, ông Phan Lợi cho biết: Năm 2020, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu của An Giang đạt 930 triệu USD. Để đạt mục tiêu này, Sở Công Thương đã và đang phối hợp các ngành để triển khai nhiều giải pháp như: Phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nắm lại tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn; phối hợp chặt chẽ với Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) để kịp thời thông tin đến các doanh nghiệp về tình hình hoạt động của các cửa khẩu, cập nhật các khuyến cáo xuất khẩu từ các Bộ ngành trung ương; Chủ động phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu triển khai Hội thảo về định hướng thị trường xuất khẩu trong điều kiện dịch bệnh bùng phát, chú trọng các thị trường ngoài Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Sở sẽ tuyên truyền, định hướng cho doanh nghiệp mở rộng thị trường, trong đó chú trọng triển khai các lớp tập huấn về các Hiệp định Thương mại mà Việt Nam là thành viên như Hiệp định CPTPP, EVFTA,… Đặc biệt, Sở sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh An Giang để triển khai các chính sách hỗ trợ xuất khẩu cũng như kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.