Wednesday, Jun 21, 06:06 AM

Bạn là ai và bạn tìm kiếm điều gì

Một cuộc triển lãm ảnh thú vị với những góc nhìn khác nhau theo chủ đề “Những gì giá trị (Things that count) do Đại sứ quán Bỉ tại Việt Nam, Học viện Mỹ thuật Hoàng gia ở Antwerp, Bỉ cùng Không gian Nhiếp ảnh Matca phối hợp tổ chức đang diễn ra tại 48 Ngọc Hà (Hà Nội) và sẽ kéo dài đến hết ngày 7.7.2021.

Bạn là ai và bạn tìm kiếm điều gì
Bạn là ai và bạn tìm kiếm điều gì

Một cuộc triển lãm ảnh thú vị với những góc nhìn khác nhau theo chủ đề “Những gì giá trị (Things that count) do Đại sứ quán Bỉ tại Việt Nam, Học viện Mỹ thuật Hoàng gia ở Antwerp, Bỉ cùng Không gian Nhiếp ảnh Matca phối hợp tổ chức đang diễn ra tại 48 Ngọc Hà (Hà Nội) và sẽ kéo dài đến hết ngày 7.7.2021.

Tương đồng và khác biệt

Không chỉ xem ảnh trong triển lãm mà nếu bạn có điều kiện nhẩn nha xem hết những bức ảnh trong dự án sẽ thấy thế giới của những bạn trẻ đầy những trăn trở, suy tư, khát vọng và đáng yêu. Không dấu diếm, bộc lộ bản thân mình chân thực nhất qua những bức ảnh và chính sự chân thành, tin tưởng đã tạo ra sự kết nối của những tình bạn xuyên lục địa.

10 chủ đề nhỏ trong 1 chủ đề lớn về giá trị sống. Đó là gia đình, an ninh, giới tính, di sản, hài hước, sự thân mật, quyền lực, tri thức, sự tự do và đức tin. Như với chủ đề gia đình, không ai được chọn sinh ra và không ai được chọn cha mẹ cho mình. Vì thế, gia đình đối với bạn này là sự ấm áp, chở che, còn đối với bạn kia là sự ngột ngạt, tổn thương. Hay chủ đề tri thức - một chủ đề lớn và mở khi lời của nhà triết học Socrates còn đó: “Tôi biết rằng tôi không biết gì cả” còn Francis Bacon cho rằng “Tri thức là sức mạnh”. Một câu hỏi đặt ra: Chúng ta sẽ ở đâu với đại dịch này nếu không có kiến thức và khoa học? Chủ đề Sự thân mật được đặt vấn đề: Sự thân mật có ý nghĩa gì đối với bạn và ai hoặc điều gì bạn cho phép vào vòng kết nối thân thiết nhất? Và bạn sẵn sàng chia sẻ điều gì?...

Có thể thấy các chủ đề ảnh khá đa dạng và tạo điều kiện để các tay máy trẻ thả sức vẫy vùng trong trí tưởng tượng và quan niệm thẩm mỹ của mình.

Những câu chuyện nhỏ

Hoàng Minh Trang sinh năm 1993, lấy bằng cử nhân Marketing tại Vương quốc Anh năm 2014 và có 4 năm ở nước ngoài xa quê hương. Trang tự bạch khi lần đầu cầm máy ảnh cô đi khắp nơi để chụp lại mọi thứ cô thấy vì đó là cách khám phá một thế giới hoàn toàn mới ở tuổi 18. Sau 4 năm đại học, Trang thấy phải làm mới mình khi cô không bằng lòng với việc chỉ chụp ảnh thiên nhiên, bạn bè hay những người xung quanh mình. Trở lại Việt Nam vào năm 2014, Trang đi xem nhiều triển lãm nghệ thuật, và muốn làm một cái gì đó về nghệ thuật dù cô không chắc chắn về khả năng của mình. Cuối cùng, tác phẩm nghệ thuật đầu tiên của Trang là điêu khắc.

Mãi đến năm 2018, khi Trang tham gia một hội thảo về nhiếp ảnh do Zhuang Wubin, một nhà nghiên cứu và giám tuyển về nhiếp ảnh Đông Nam Á tổ chức. Và Trang tin rằng cô có thể sử dụng nhiếp ảnh như một phương tiện nghệ thuật thị giác.

“Hiện tại, tôi sử dụng nhiếp ảnh như một cách để quan sát nội tâm của mình kết nối với thế giới bên ngoài. Tôi thấy những bức ảnh không chỉ đơn giản là những bức ảnh mang lại thông tin hay một vẻ ngoài ưa nhìn mà là biểu tượng của một điều gì đó có thể mang lại cảm xúc cho người xem. Nó cũng có thể hiểu là Chủ nghĩa Biểu hiện trong nghệ thuật. Tôi cũng đang thử nghệ thuật video song song với nhiếp ảnh”.

Với chủ đề gia đình, bức ảnh của Trang là một tác phẩm đương đại (contemporary). Cô đã chụp cả gia đình mình trong khu sân chơi công cộng gần nhà. Mọi người được tạo dáng và giữ một khoảng cách nhất định vì Trang muốn truyền đạt lý thuyết tiến thoái lưỡng nan của con nhím. Trang mô tả ý niệm của mình: “Tôi đang ở giữa bức ảnh và nhìn đi chỗ khác với nét mặt khó hiểu khi mẹ tôi đứng đằng sau với chiếc ô trên tay như một biểu tượng cho sự quan tâm “quá mức” của mẹ khiến đôi khi tôi nghẹt thở. Là những người thân trong gia đình, chúng tôi yêu thương và quan tâm đến nhau. Đồng thời, chúng tôi cũng phần nào làm tổn thương nhau...”.

Trong chủ đề gia đình, bên cạnh ảnh của Trang là tác phẩm của Ana Lucia. Cô gái này sinh ra ở Colombia cách đây 23 năm, và chuyển đến Tây Ban Nha khi lên 8 tuổi. Năm 19 tuổi, Ana Lucia chuyển đến Bỉ ở Brussels trong một năm, và sau đó là Antwerp.

Ana cảm thấy tràn đầy cảm hứng bởi những thứ và những người xung quanh cũng như âm nhạc. Tuy nhiên khi phải sống xa gia đình, Ana cảm thấy như thiếu vắng một cái gì đó vì gia đình khiến cô cảm thấy được bảo vệ và yêu thương.

Nhưng ngay khi Ana Lucia trở về nhà thì mọi mâu thuẫn lại nổi lên khi nhiều cuộc trò chuyện trở thành một cuộc tranh cãi. Cô đã chọn cách “pha loãng” bản thân và tránh đối đầu. Nhưng cô vẫn luôn tò mò về quá khứ về những khoảng trống mà hồi cô còn quá nhỏ cũng như thời gian xa nhà…

Bức ảnh cô trưng bày tại triển lãm là một hình ảnh trừu tượng nó khá mờ.

“Bạn có thể nhìn thấy rõ ràng hai người là chủ thể của bức ảnh, nhưng bạn không thể phân biệt được họ là ai. Mẹ tôi đang ôm tôi, giữ tôi an toàn trước dòng nước đang chảy. Tôi tin rằng đây là ẩn dụ hoàn hảo”. Ana đã viết trong tuyên ngôn nghệ sĩ (artist statement) của mình như thế.

Những tác giả trẻ khác khai thác chủ đề gia đình theo những hướng khác nhau, nhưng đa phần thông qua nhiếp ảnh họ thể hiện sự kết nối với người thân mà họ yêu quý nhất. Những ý tưởng sáng tạo mới mẻ luôn tìm cách thoát ra khỏi cái “hộp” truyền thống là cảm nhận chung khi xem “Những gì giá trị”.

vi13170t-v13170n
Theo Lao động https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/ban-la-ai-va-ban-tim-kiem-dieu-gi-925517.ldo Copylink