Monday, Jun 21, 10:06 AM

Ngày 21.6, mùa EURO, nói chuyện về các bình luận viên bóng đá

Với sự phát triển của công nghệ và Internet, khán giả đủ khả năng tiếp cận mọi thông tin. Đó chính là áp lực rất lớn đối với những bình luận viên bóng đá trên truyền hình.

Ngày 21.6, mùa EURO, nói chuyện về các bình luận viên bóng đá
Ngày 21.6, mùa EURO, nói chuyện về các bình luận viên bóng đá

Với sự phát triển của công nghệ và Internet, khán giả đủ khả năng tiếp cận mọi thông tin. Đó chính là áp lực rất lớn đối với những bình luận viên bóng đá trên truyền hình.

Bình luận viên - chiếc mắc áo hay muốn là cái áo?

Cách đây chừng 7 năm, hồi World Cup 2014, tôi ngồi với Vũ Quang Huy - một bình luận viên nổi tiếng để nghe anh nói về chuyện “làm dâu trăm họ”.

Quang Huy nói rằng: “Bình luận viên là cái mắc áo, việc của mình chỉ là treo cái áo đẹp lên đúng thời điểm, đúng chỗ, ở một vị trí trang trọng để tôn cái áo đẹp đấy lên trong mắt người xem. Nhưng cũng có bình luận viên muốn mình biến thành cái áo bằng cách khoe khoang kiến thức. Khi bình luận viên đứng đúng vị trí của mình, ở một vị trí khiêm tốn thì dù có vấp váp cũng sẽ được người xem thông cảm. Một bình luận viên có tích lũy, đam mê thì câu chuyện kể ra với người xem cũng sẽ trở nên gần gũi hơn. Một trong những bí quyết mà bình luận viên có thể ghi nhận đó là sự gần gũi với khán giả chứ không phải những lời răn dạy. Mặt khác, đôi khi còn là cái duyên. Với nghề MC hay bình luận viên, cái duyên rất quan trọng, thậm chí quyết định sự thành bại của nghề. Tuy nhiên, một mặt, tôi cũng mong khán giả hãy thông cảm với những áp lực mà lực lượng bình luận viên chúng tôi đang gánh chịu để cùng nhau thưởng thức trận đấu một cách tốt nhất”.

Nghề bình luận viên bóng đá không đơn giản như nhiều người nghĩ là chỉ việc đợi trận đấu và thế là “chém gió”. Ở Việt Nam không có trường lớp nào đào đạo nghề bình luận viên, chủ yếu là tự học, tự hoàn thiện mình.

Có những áp lực không phải ai cũng biết đó là việc để có thông tin trong một trận đấu, quá trình chuẩn bị, tìm kiếm thông tin phải mất nhiều giờ, thậm chí nhiều ngày; đó là áp lực khi mọi người được thưởng thức bóng đá thì người bình luận viên phải đặt mình ở cái thế “làm việc” với trận đấu. Anh phải biết tiết chế cảm xúc để có những lời bình khách quan, anh phải nói đừng quá “mặn” nhưng cũng đừng quá nhạt nhẽo, anh phải chịu được sức ép từ phía khán giả và cộng đồng mạng sau mỗi trận đấu có thể bị biêu riếu, châm chọc vì những lời bình luận “lỡ mồm”… Thậm chí ngay cả việc phải thường xuyên thức đêm, về nhà lúc 4-5 giờ sáng, khi bình luận cũng chẳng dám vệ sinh cá nhân, hoặc cảm giác cô đơn trong ca-bin bình luận cũng là những áp lực khó khăn.

Thời công nghệ số, nghề bình luận viên phải chịu áp lực lớn hơn. Bóng đá và công nghệ cũng dần đổi thay nghề bình luận viên bóng đá. Đã xa lắm rồi các thời “nếu điều kiện kỹ thuật cho phép”, thế hệ BLV lớn tuổi khi bước vào ca-bin tường thuật ôm cả chồng báo và không quên cuốn sổ ghi chép dày cộp mà trong đó chi chít thông tin tự thu lượm.

Thế hệ sau này có sự hỗ trợ của công cụ seach trên Yahoo, Google… cũng như những công nghệ truyền hình tiên tiến có thể làm cho họ bớt đi việc ghi chép thủ công.

Có một thứ cũng thay đổi theo, đó là yêu cầu ngày càng cao của khán giả. Khán giả bây giờ đủ khả năng tiếp cận mọi loại thông tin và với sự hiểu biết ấy, họ có kiến thức không kém các bình luận viên, thậm chí còn hơn nhiều. Điều này đặt ra cho các bình luận viên các câu hỏi hóc búa: Làm gì để “hơn” được khán giả? Làm gì để khán giả chấp nhận và đồng thuận với những gì mình nói?.

Sự thay đổi ấy kéo theo sự thay đổi về chuẩn mực bình luận viên. Thế hệ cao tuổi như các bác Trần Quang, Đình Khải, Hoài Sơn không còn là chuẩn mực; thế hệ “song kiếm hợp bích” Quang Huy- Quang Tùng, Long Vũ… không còn chuẩn mực và bây giờ thế hệ Tạ Biên Cương, Khắc Cường và những bình luận viên trẻ hơn vẫn đang đi giữa hai luồng khen - chê.

Bình luận viên - những người không thể thay thế

Nhà báo Phạm Trung Tuyến có bày tỏ trên facebook cá nhân về những kỹ năng của một bình luận viên theo góc nhìn của anh:

“1. Khả năng đọc tình huống. Để có thể đưa ra các phán đoán chính xác về tương lai của một pha dàn xếp tấn công, một tình huống tổ chức phòng ngự... đó là điều mà khán giả trên sân với góc nhìn toàn điện hơn có thể hình dung. Còn người xem gián tiếp cần bình luận viên.

2. Có khả năng ngôn ngữ tốt. Để diễn đạt một cách chính xác những điều đang diễn ra. Phần nhiều bình luận diễn đạt không tốt, dẫn đến hoặc tối nghĩa, hoặc nhảm nhí.

3. Có nhãn quan chiến thuật. Để bình luận về lối chơi, về các quyết định của huấn luyện viên.

3. Sự khách quan. Để công bằng khi đánh giá về các hành động, tình huống trên sân.

3. Kinh nghiệm thi đấu. Để có thể đọc được ngay một đường bóng, một pha chạm bóng được thực hiện bằng chân phải hay trái, điểm chạm bóng là lòng, hay mu, hay mũi giày... mà chỉ cần nhìn đường bay của trái bóng.

Tất cả những kỹ năng trên đều vì một mục đích duy nhất, hỗ trợ trải nghiệm của khán giả để họ có đầy đủ cảm xúc như đang có mặt trên khán đài”.

Nhận xét này rất đúng, vai trò của bình luận viên giờ đây không chỉ là cung cấp thông tin mà có một yêu cầu cao hơn thông tin, đó là “nâng cánh” cảm xúc khán giả.

Có người cho rằng, sẽ sớm thôi, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ được áp dụng trong việc tường thuật các trận bóng đá. Lúc ấy, các BLV sẽ mất nghề bởi AI mọi chuyện phức tạp sẽ trở nên đơn giản. Với thời đại công nghệ thông tin hiện nay, AI sẽ “biết tất cả” khi làm chủ không gian thông tin trên Internet. Thậm chí với một trận bóng, AI có thể cung cấp cả nhóm máu, tên tuổi bố mẹ cầu thủ, thậm chí tên cả bà… hàng xóm của một ngôi sao sân cỏ. Nghĩa là khán giả đã sẵn sàng có một BLV thay thế “mấy anh nói nhiều” trên truyền hình.

Thực tế, bóng đá còn thì nghề bình luận viên còn. Công nghệ dù có thay đổi đến đâu cũng không thay được cảm xúc của con người.

Mùa EURO đã đến, chính những BLV là những người truyền lửa. Cho dù có những lúc mỗi người đều có cảm giác không bằng lòng với những gì bình luận viên nói trên truyền hình thì hãy nhớ rằng: Họ - những bình luận viên cũng đã và đang nỗ lực hết mình để mang đến cho khán giả bữa tiệc bóng đá với một công việc thực sự nhiều áp lực và không hề đơn giản, dễ dàng.

th12255nh-quang
Theo Lao động https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/ngay-216-mua-euro-noi-chuyen-ve-cac-binh-luan-vien-bong-da-922538.ldo Copylink