Thursday, Apr 23, 04:04 PM

'GenZ' chọn nghề: Đam mê hay tiền lương?

Giới trẻ hiện nay hay được nhắc đến nhiều với cái tên “Gen Z”, họ là những người có năm sinh từ 1997 đến năm 2015, là thế hệ đầu tiên sinh ra sau khi Internet phổ biến rộng rãi. Nhờ tiếp cận với mạng xã hội từ sớm nên họ có những xu hướng chọn nghề khác nhau trên con đường sự nghiệp của mình. Hãy cùng tìm hiểu xem giới trẻ hiện nay chọn nghề dựa vào những tiêu chí nào?

'GenZ' chọn nghề: Đam mê hay tiền lương?
'GenZ' chọn nghề: Đam mê hay tiền lương?

Yếu tố quyết định xu hướng chọn nghề

Nữ sinh Trần Thị Ngọc Huyền (SN 2001, quê Nam Định) hiện đang là sinh viên năm 4 tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ, trước đây Huyền từng làm nhân viên sale cho một công ty được khoảng gần 2 tháng nhưng lương không ổn định nên quyết định nghỉ việc. Khi được hỏi về công việc mong muốn thì bạn chia sẻ: “Mình muốn tìm một công việc có mức lương ổn định, trái ngành cũng được, làm trong giờ hành chính. Nếu mà có công việc không đáp ứng được những yếu tố trên mà lương cao thì vẫn sẽ cân nhắc đi làm".

Cô sinh viên năm 2 Học viện Báo chí và Tuyên truyền, chuyên ngành Truyền thông đại chúng, Trần Minh Thúy (SN 2003, quê Quảng Ninh) lại có một góc nhìn khác. Minh Thúy chia sẻ, “tôi đã từng làm nhân viên tư vấn tại một cửa hàng quần áo, tuy nhiên do không sắp xếp được thời gian đi học và đi làm cũng như làm việc tại đây không giúp ích được gì cho chuyên ngành học của bản thân nên tôi quyết định xin nghỉ”.

39genz39-chon-nghe-dam-m234-hay-tien-luong_1.png
Minh Thúy hy vọng có thể tìm kiếm một công việc phù hợp với chuyên ngành học.

Thúy cho biết, công việc tiếp theo Thúy muốn tìm là một công việc không bị gò bó về thời gian, phù hợp và linh hoạt với thời gian của bản thân. Hơn nữa công việc đó phải liên quan đến lĩnh vực truyền thông và có môi trường hoà đồng, chuyên nghiệp để có thể giúp ích cho em phát huy được ngành học của mình cũng như tìm ra được điểm mạnh, điểm yếu của bản thân. Cuối cùng là có một mức lương tương xứng với năng lực của bản thân.

Đối với Hà Ngọc Nam (SN 2001, quê Nam Định) lại lựa chọn cho mình con đường lập nghiệp từ sớm. “Hiện tại mình đang làm nhân viên bán điện thoại cho FPT shop, mình chọn công việc này bởi vì mình có đam mê với việc kinh doanh hay những công việc liên quan đến điện tử. Tuy nhiên mức lương ở đây chỉ đủ cho mình sống qua ngày. Trước đây mình cũng từng làm qua rất nhiều nghề như phục vụ quán nước, bán hàng online, nhân viên kỹ thuật điện,... nhưng làm kỹ thuật điện quá nguy hiểm, thậm chí có lần mình đã bị tai nạn khá nghiêm trọng nên quyết định thôi việc”.

Nam mong muốn có thể tìm được công việc có một mức lương cao hơn, có thể để dành một khoản tiết kiệm cho tương lai, hơn nữa còn là một môi trường làm việc có thể học hỏi, năng động, không gò bó thời gian.

Có thể thấy vấn đề được các bạn trẻ quan tâm khi tìm một công việc đó chính là mức lương phù hợp, những công việc có mức lương thấp thì chỉ làm tạm thời trong khoảng một thời gian ngắn. Sau đó mới xét đến những yếu tố khác như thời gian, môi trường làm việc,... Điều này dẫn đến tình trạng “nhảy việc” liên tục.

Khi còn trẻ có thể thử sức với bất kỳ ngành nghề nào

39genz39-chon-nghe-dam-m234-hay-tien-luong_2.png
Tọa đàm “Thanh niên sáng tạo, chủ động trong công cuộc chuyển đổi số hiện nay”. Ảnh: STV - Câu lạc bộ truyền hình sinh viên.

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, TS. Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng vụ Giáo dục Nghề nghiệp cho biết: “Đối với những bạn mới ra trường, tuổi đời còn trẻ có thể thử sức với nhiều vị trí, không cứ phải đúng với nghề mà mình học. Lúc đầu có thể lương thấp để có thêm trải nghiệm, cân nhắc xem có phù hợp với công việc đó hay không, nếu không thì lựa chọn công việc khác. Sức lao động mình bỏ ra phải nhận lại được đồng lương tương xứng, nếu mà làm ở chỗ lương cao thì phải chấp nhận áp lực công việc lớn, sức cạnh tranh cao”.

Ngoài ra, ông Vinh còn cho rằng giới trẻ cần biết tự lượng sức mình, kinh nghiệm của mình có hạn thì phải chấp nhận những công việc lương thấp để trau dồi thêm kỹ năng cho bản thân. Muốn ứng tuyển vào những vị trí mà mình chưa có nhiều kinh nghiệm thì phải có thái độ tốt, biết cầu thị, sáng tạo mới có thể ghi điểm ở trong mắt nhà tuyển dụng.

Để có một sự lựa chọn đúng đắn cho nghề nghiệp tương lai của bản thân ngay từ lúc chọn ngành học cần phải xác định rõ sở trường và năng lực của mình, không được chạy theo xu hướng hay số đông. Tìm hiểu kỹ công ty, vị trí mà mình muốn ứng tuyển, xem vị trí đó yêu cầu gì, tham khảo những kinh nghiệm từ người đi trước, và mình phải làm như thế nào thì mới có thể trở thành một phần của công ty. 

Được làm công việc đúng sở trường và khuynh hướng phát triển cũng giúp bạn lĩnh hội kiến thức nhanh chóng và hoàn thành công việc hiệu quả hơn. Việc miễn cường theo đuổi nghề nghiệp không phù hợp cũng giống như người bơi ngược dòng, bạn sẽ cảm thấy rất mệt mỏi, mất sức, căng thẳng và chịu áp lực lớn khi làm việc.

Phương Giang
Theo daidoanket.vn http://daidoanket.vn/genz-chon-nghe-dam-me-hay-tien-luong-5715707.html Copylink