Thursday, Sep 21, 07:09 PM

Nhiều nút thắt trong đào tạo lĩnh vực đặc thù: Bài 2: Dạy và học thế nào trong muôn vàn nỗi lo?

Việc đổi mới trong công tác đào tạo, bồi dưỡng tài năng của các cơ sở giáo dục đào tạo lĩnh vực nghệ thuật đang gặp không ít khó khăn khi phải chuyển từ dạy học trực tiếp sang trực tuyến, nhất là những vướng mắc của các quy định trong đào tạo nghệ...

Nhiều nút thắt trong đào tạo lĩnh vực đặc thù: Bài 2: Dạy và học thế nào trong muôn vàn nỗi lo?
Nhiều nút thắt trong đào tạo lĩnh vực đặc thù: Bài 2: Dạy và học thế nào trong muôn vàn nỗi lo?

Sau khi hoàn tất công tác tuyển sinh, đến thời điểm này, học viên của các trường đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật đã bước vào năm học mới.

Thích ứng với dịch bệnh, dạy học trực tuyến đến nay không còn là hình thức xa lạ. Tuy nhiên với những ngành đặc thù như xiếc, múa, thanh nhạc…, việc hình thức dạy học này vẫn là thách thức lớn.

Muôn cách “giữ lửa”

Đã lâu rồi, Souklaty Keobounxay, sinh viên năm 3, khoa Biên đạo múa, hệ cao đẳng Học viện Múa Việt Nam không được đến trường để tập múa cùng thầy cô và các bạn. Trong những ngày Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, Souklaty Keobounxay phải thích nghi với việc học múa online.

nhieu-n250t-that-trong-d224o-tao-linh-vuc-dac-th249-b224i-2-day-v224-hoc-the-n224o-trong-mu244n-v224n-noi-lo_1.jpg
Sinh viên Souklaty Keobounxay luyện múa tại phòng tập của Học viện Múa Việt Nam.

Dù chật chội, thiếu đạo cụ để luyện tập nhưng phòng ở của ký túc xá thời điểm này là phòng tập lý tưởng nhất. Thay vì được thầy cô nắn chỉnh trực tiếp trên lớp, Souklaty Keobounxay biên bài, trả bài cho các thầy cô bằng video.

Trải qua hơn 1 năm dịch bệnh, sự thích ứng của thầy và trò ngành nghệ thuật đã linh hoạt hơn. Nhưng với học viên theo đuổi con đường nghệ thuật, việc chuyển từ học trực tiếp sang trực tuyến vẫn không phải dễ dàng.

Thậm chí với những học viên học kịch múa như Nguyễn Hà Anh, học viên năm thứ 6, khoa Kịch múa, hệ trung cấp, Học viện Múa Việt Nam thì hiệu quả của việc học online không cao vì cơ hội thực hành của các em bị sụt giảm.

Không được đến trường, hằng ngày, Hà Anh tự mày mò, luyện múa tại nhà để duy trì việc học qua mùa dịch.

Hà Anh chia sẻ: “Đạo cụ không có nên nhiều bài tập em phải lấy mâm ăn cơm thay nón lá hay gấp giấy thay quạt để tạo cảm giác. Đã vậy, không gian trong nhà không đủ rộng rãi nên việc đá phải bàn, phải ghế trong lúc luyện tập là chuyện cơm bữa”.

nhieu-n250t-that-trong-d224o-tao-linh-vuc-dac-th249-b224i-2-day-v224-hoc-the-n224o-trong-mu244n-v224n-noi-lo_2.jpg
Theo cô Trương Thị Ngọc Bích, dạy và học online với lĩnh vực nghệ thuật  khó khăn nhiều hơn thuận lợi nhưng cô và trò đều phải khắc phục và thích nghi trong bối cảnh dịch bệnh.

Cô Trương Thị Ngọc Bích, Phó trưởng khoa Diễn viên múa, Học viện Múa Việt Nam cho biết, để triển khai việc dạy học online, học viện đã xây dựng các phòng tập với các thiết bị, máy móc phục vụ cho giảng dạy trực tuyến. Hằng ngày, ngoài việc dạy và học online, cô và trò tương tác với nhau qua các video bài tập. Do không được thị phạm nên những thiếu sót về động tác, kỹ thuật của học sinh dù thấy rõ cũng khó nắn chỉnh từng động tác.

Dạy và học online với lĩnh vực nghệ thuật  khó khăn nhiều hơn thuận lợi nhưng theo cô Bích, cô và trò đều phải khắc phục và thích nghi trong bối cảnh dịch bệnh.

Với môn năng khiếu khó, khổ như xiếc, thầy Đặng Thái Sơn, Phó trưởng khoa chuyên môn Xiếc, Trường Trung cấp nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam nhìn nhận, dạy học online chỉ đáp ứng ở mức duy trì phong độ, thể lực cho học viên.

Trong 4 môn cơ bản: tung hứng, nhào lộn, cân bằng và thể thao thì dạy nhào lộn online là hạn chế nhất. Thay vì cho học viên nhào lộn 2, 3 vòng, thì nay học online học sinh chỉ đứng tại chỗ, bật nhào lộn 1 vòng. 

Hơn nữa, hầu hết các tiết mục xiếc là tiết mục tập thể nên dạy học online không có cách nào để triển khai.

Thầy Sơn cho hay: “Nếu dịch còn kéo dài, học viên không được học trực tiếp sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới chuyên môn. Để bảo đảm chất lượng, nhà trường đã có kế hoạch tăng cường giờ dạy chuyên môn khi học sinh được đến trường học trực tiếp”.

Lối đi nào cho đào tạo văn hóa?

Không chỉ gặp khó khi chuyển từ dạy học trực tiếp sang trực tuyến, các trường đào tạo nghệ thuật đang loay hoay trong việc triển khai dạy văn hóa cho học sinh, sinh viên trong năm học 2021-2022.  

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, một số trường như: Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Trường Trung cấp nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam… đều có khoa Văn hóa hoặc khoa Kiến thức phổ thông. Các khoa này đáp ứng đủ điều kiện quy định đối với một trung tâm giáo dục thường xuyên  của Bộ GDĐT.

Đơn cử như Học viện Âm nhạc Việt Nam, hàng chục năm qua, trong học viện có khoa Văn hóa và Kiến thức cơ bản dạy từ lớp 6 đến lớp 12. Hoạt động này đặt dưới sự chỉ đạo chuyên môn của Sở GDĐT Hà Nội, Phòng GDĐT quận Đống Đa và được cấp mã định danh.

nhieu-n250t-that-trong-d224o-tao-linh-vuc-dac-th249-b224i-2-day-v224-hoc-the-n224o-trong-mu244n-v224n-noi-lo_3.jpg
Ông Ngô Lê Thắng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam dạy học online cho học viên.

Tuy nhiên ngay trước thềm năm học mới, Sở GDĐT Hà Nội đã có công văn gửi các cơ sở đào tạo lĩnh vực nghệ thuật, gồm: Học viện Múa Việt Nam, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam, yêu cầu từ năm học này các trường không tổ chức dạy văn hóa và trực tiếp cấp bằng tốt nghiệp trung cấp như trước mà liên kết với các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX).

Thông tin này đã gây hoang mang, lo lắng lớn đối với các phụ huynh và học sinh đang theo học hệ trung cấp của các trường như Học viện Âm nhạc Việt Nam, Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, khiến họ phải làm đơn "kêu cứu" ở nhiều nơi. Sự việc đã được báo chí phản ánh trong thời gian qua.

Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cho rằng, đây là một yêu cầu có phần “đánh đố” với các trường.

Còn theo ông Ngô Lê Thắng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam, hiện nay, học viên xiếc không phải đóng tiền học văn hóa phổ thông nhưng nếu phải kết hợp với trung tâm GDNN – GDTX dạy học văn hóa, các em sẽ phải đóng thêm khoảng hơn 200.000 đồng/tháng. Khoản tiền này so với đối tượng học viên của trường xiếc là không nhỏ.

“Tuyển sinh đã khó nay lại vướng phải quy định “cứng” này nên đến thời điểm hiện tại, dù năm học mới đã bắt đầu nhưng nhà trường vẫn chưa biết thông báo như thế nào với cha mẹ học sinh”, ông Thắng cho hay.

(Còn nữa)

Theo công văn số 2785/SGDĐT-GDTX-CN của Sở GDĐT Hà Nội, Sở yêu cầu từ năm học 2021-2022 các trường không được chủ trì thực hiện việc giảng dạy chương trình GDTX cấp THCS và cấp THPT mà phải phối hợp với các trung tâm GDNN - GDTX trên địa bàn tổ chức giảng dạy văn hoá cho học viên.

Công văn nêu: “Trung tâm GDNN - GDTX có trách nhiệm chủ trì thực hiện các khâu chọn, cử và phân công giáo viên; tổ chức thực hiện chương trình, kiểm tra, đánh giá, quản lý, lưu trữ hồ sơ, phê học bạ, cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình và thực hiện cấp văn bằng theo đúng quy định”.

nguy27477n-ho27477i
Theo daidoanket.vn http://daidoanket.vn/nhieu-nut-that-trong-dao-tao-linh-vuc-dac-thu-bai-2-day-va-hoc-the-nao-trong-muon-van-noi-lo-5666870.html Copylink