Tuyển sinh đại học năm 2025: Đa dạng tổ hợp xét tuyển
Từ năm 2025, sẽ có 36 tổ hợp môn thi tốt nghiệp tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông mới (GDPT 2018). Cùng đó có tới 81 tổ hợp xét tuyển đại học (ĐH).
Cụ thể năm 2025, có 11 môn thi tốt nghiệp THPT gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử, Tin học, Công nghệ, Giáo dục kinh tế và pháp luật. Trong đó, thí sinh phải thi bắt buộc 2 môn Toán, Ngữ văn và tự chọn 2 môn trong số 9 môn còn lại. Với quy định này, có 36 cách chọn tổ hợp môn thi tốt nghiệp THPT.
Thực tế tại Hà Nội cho thấy, các trường chỉ có khoảng 7-8 tổ hợp tự chọn cho học sinh từ lớp 10 đến hết lớp 12. Những học sinh chọn Vật lý, Hóa học, Sinh học thường không chọn Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Công nghệ. Theo khảo sát, môn Công nghệ gần như không có thí sinh lựa chọn… Môn Tin học cũng được chọn rất ít. Do đó, những tổ hợp như Toán – Ngữ văn - Vật lý - Công nghệ hay Toán - Văn - Hóa học - Địa lý; Toán - Ngữ văn - Lịch sử - Công nghệ; Toán - Văn - Địa lý - Công nghệ… sẽ ít có khả năng xảy ra.
Do quy định thi tốt nghiệp THPT với 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn, các tổ hợp xét tuyển ĐH, cao đẳng (CĐ) năm 2025 sẽ thay đổi đáng kể với sự xuất hiện của nhiều tổ hợp mới. Trên lý thuyết, sẽ có tất cả 81 tổ hợp xét tuyển ĐH- CĐ năm 2025. Tuy nhiên, một số trường thu hẹp các tổ hợp xét tuyển thay vì mở rộng. Điều này nhằm hạn chế sự phức tạp khi xử lý sự chênh lệch điểm giữa các tổ hợp. Đến thời điểm này, một số trường ĐH đã công bố các tổ hợp xét tuyển mới cho mùa tuyển sinh năm 2025. Đơn cử như Trường ĐH Công thương TPHCM có tổ hợp Toán - Tin học - Tiếng Anh, dùng để xét tuyển ngành Công nghệ thông tin, An toàn thông tin và Khoa học dữ liệu. Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TPHCM có tổ hợp Toán - tiếng Anh - Tin học và Toán - tiếng Anh - Giáo dục kinh tế và pháp luật.
Trường ĐH Kinh tế Quốc dân dự kiến chỉ dùng 4 tổ hợp thay vì 9 tổ hợp như năm 2024, gồm A00 (Toán, Vật lý, Hóa học), A01 (Toán, Vật lý, tiếng Anh), D01 (Toán, Ngữ văn, tiếng Anh) và D07 (Toán, Hóa học, tiếng Anh). Các tổ hợp xét tuyển không có chênh lệch điểm, không có tiêu chí phụ và các môn đều tính hệ số 1.
Nhận định về các tổ hợp thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH - CĐ Việt Nam cho rằng, việc thi 4 môn từ năm 2025 có điểm đặc biệt mới với ít nhất 36 cách lựa chọn các môn thi, thay vì 4 tổ hợp như trước đây. Do đó, Bộ GDĐT cần có quy định, tránh trường hợp các trường "trăm hoa đua nở", thống nhất các tổ hợp xét tuyển hợp lý, kiên quyết loại đi các tổ hợp "lạ". Ngoài ra, Bộ GDĐT cần thống nhất quy định chọn kết quả thi tốt nghiệp THPT làm tiêu chí chính để tuyển sinh giáo dục ĐH và giáo dục nghề nghiệp như chỉ đạo tại Nghị quyết 29: "Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH...
Thực tế công tác tuyển sinh ĐH những năm gần đây cho thấy, kết quả thi tốt nghiệp THPT là phương thức có tỷ lệ thí sinh nhập học cao nhất. Bộ GDĐT đã đề nghị các trường ĐH tăng chỉ tiêu của phương thức xét điểm thi tốt nghiệp. Ngoài ra, thí sinh còn thêm cơ hội xét tuyển ĐH bằng các phương thức khác như sử dụng học bạ, chứng chỉ ngoại ngữ, điểm thi đánh giá năng lực/tư duy...