Doanh nghiệp 'nhẹ gánh' khi lãi suất giảm
Sau 4 lần liên tục điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, mới đây, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện giảm tối thiểu từ 1,5-2% lãi suất cho vay.
Ông Nguyễn Văn Minh - Giám đốc công ty TNHH may Hoàng Minh, cho biết không chỉ đơn hàng giảm sút từ đầu năm nay mà điều đáng lo ngại hơn là đơn giá cũng giảm, có thời điểm lên tới 60%. Trong bối cảnh đó nếu doanh nghiệp (DN) đi vay vốn với lãi suất trên 10%/năm sẽ không thể trụ được. Vì vậy, DN chỉ sản xuất cầm chừng. “Tuy nhiên, hiện nay tình hình kinh doanh bắt đầu có dấu hiệu hồi phục, cùng với lãi suất cho vay giảm dưới 10%/năm sẽ là động lực để DN tìm kiếm đơn hàng, mở rộng thị trường nhằm khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh trong những tháng cuối năm” - ông Minh cho hay.
Còn theo tính toán của ông Lê Đoàn Tám - Chủ tịch HĐQT Công ty đóng tàu Thái Bình, với gần 400 tỷ hạn mức tín dụng, lãi suất cho vay đã giảm về 8%/năm, DN có thể tiết giảm hàng chục tỷ đồng so với mức lãi suất 11,5% cách đây mấy tháng. Chi phí lãi vay giảm giúp công ty có thể tái đầu tư, sản xuất và mạnh dạn tìm kiếm đơn hàng, mở rộng thị trường.
Không chỉ DN nhẹ gánh khi lãi suất giảm, giới chuyên gia cũng đánh giá rằng, nhiều DN hoạt động sản xuất kinh doanh phụ thuộc vào tín dụng. Khi lãi suất được hạ nhiệt đồng nghĩa DN có chi phí vốn thấp hơn, tạo điều kiện để sản xuất kinh doanh dễ hơn.
Theo GS.TS Hoàng Văn Cường - Đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội: Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần giảm lãi suất, tích cực hỗ trợ nguồn vốn cho DN. DN cũng rất sẵn sàng đầu tư nhưng lại không đầu tư được do những khó khăn từ thị trường trong nước và quốc tế. Vì thế, chính sách tiền tệ cần phải hỗ trợ DN bằng cách hạ thêm lãi suất nhưng phải đi vào đúng khu vực để tránh những nguy cơ, mối đe dọa mất an toàn của nền kinh tế. Về chính sách tài khóa, không chỉ dừng lại giữa việc phân bổ đầu tư trung ương với đầu tư địa phương để tập trung vốn, mà chính sách tài khóa có thể hỗ trợ thêm cho tái cấu trúc nền kinh tế và tái cấu trúc tổng cầu và cung, nhằm thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển mạnh hơn.
Trong khi đó TS Cấn Văn Lực cho rằng việc giảm một số loại lãi suất điều hành tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm lãi suất huy động. Đây cũng là cơ sở để các tổ chức tín dụng hạ lãi suất cho vay. Từ đó, hỗ trợ một phần chi phí lãi suất, giúp giảm chi phí đầu vào chung của DN, nhất là những DN vay nhiều đang gặp khó khăn về tài chính. Tuy nhiên, các DN cũng cần lưu ý Ngân hàng Nhà nước đang chỉ đạo tập trung hỗ trợ giảm lãi suất cho vay nhiều hơn vào các khoản tín dụng ngắn hạn bằng VND hay hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, việc hỗ trợ có định hướng chứ không phải tất cả các lĩnh vực.
Không chỉ tác động giảm lãi suất, ông Lực cho rằng việc giảm lãi suất rõ ràng là "có tác động tích cực" về tâm lý, đó là tín hiệu đảo chiều chính sách của Ngân hàng Nhà nước. "Với kỳ vọng mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm thời gian tới kể cả ngắn hạn, trung, dài hạn, tạo tâm lý tích cực cho người dân DN nhà đầu tư sẵn sàng xuống tiền nhiều hơn, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển" - ông Lực nói.
Khảo sát của Hiệp hội DN TPHCM mới đây cho thấy, bước sang quý III có gần 53% DN đã ổn định được hoạt động kinh doanh. Các DN đang tích cực tái cơ cấu, chuyển đổi số, sản xuất xanh… nhằm tiến sâu vào các thị trường ngách, tăng sức cạnh tranh.
Thực tế là nhiều lĩnh vực đã và đang dần ghi nhận sự quay trở lại của đơn hàng. Đơn cử như xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, dù kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2023 vẫn giảm 26% so với cùng kỳ năm trước do các thị trường chính chịu tác động nặng nề bởi lạm phát, nhưng kim ngạch xuất khẩu trong tháng 6 và tháng 7 có dấu hiệu phục hồi. Ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) cho biết, đã thấy tín hiệu phục hồi kinh tế ở Mỹ - thị trường chính của Việt Nam, chiếm hơn 50% kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ.