EuroCham nhận định, Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển như một trung tâm đa dạng hóa sản xuất toàn cầu
Thu hút đầu tư FDI từ Châu Âu của Việt Nam năm 2024 được nhận định có cơ hội rất lớn trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ lõi, chip,… Để tiếp nhận dòng vốn này hiệu quả, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần có chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp tr
Đại diện doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong lĩnh vực công nghệ năng lượng, điện tử đến từ Pháp - Schneider Electric Việt Nam cho biết, sẽ tiếp tục chọn TP. Hồ Chí Minh để mở rộng đầu tư.
Theo vị đại diện của doanh nghiệp này, Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng đang có định hướng tương đồng với cộng đồng doanh nghiệp Châu Âu trong lĩnh vực phát triển bền vững, năng lượng sạch, giảm phát thải carbon, sản phẩm ứng dụng công nghệ AI. “Chúng tôi dự định đầu tư vào giải pháp ứng dụng các dự án điện gió theo công nghệ mới, phát triển việc sản xuất xanh, giảm phát thải carbon”- ông Đồng Mai Lâm, Tổng giám đốc Schneider Electric Việt Nam và Campuchia thông tin.
Thực tế, ngoài doanh nghiệp trên, rất nhiều doanh nghiệp Châu Âu đang hoạt động tại Việt Nam cũng cho biết sẽ mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới. Điều này đồng nhất với khảo sát về Chỉ số Niềm tin Kinh doanh (BCI) mới nhất của Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) được công bố vào đầu tháng 01/2024.
Cụ thể, theo khảo sát này thì vị thế điểm nóng đầu tư của Việt Nam đã tăng lên đáng kể trong quý IV/2023 (so với các quý trước đó). Theo đó có tới 62% doanh nghiệp Châu Âu xếp Việt Nam vào danh sách 10 điểm đến đầu tư toàn cầu hàng đầu, trong đó 17% xếp Việt Nam ở vị trí số 1.
Cuộc khảo sát này cũng nêu bật vị trí chiến lược của Việt Nam trong khu vực ASEAN. Trong đó 29% xếp Việt Nam vào danh sách 'các quốc gia cạnh tranh hàng đầu' trong ASEAN. Đặc biệt, đa số coi Việt Nam là đối thủ cạnh tranh mạnh, mặc dù vẫn còn một số thách thức nhất định. Quan điểm này nhấn mạnh tầm ảnh hưởng ngày càng tăng và tiềm năng phát triển hơn nữa của Việt Nam trong bối cảnh kinh tế ASEAN.
“Chắc chắn xu hướng tích cực đang diễn ra. Mặc dù chúng ta vẫn còn một chặng đường dài để phục hồi hoàn toàn, nhưng các doanh nghiệp đang cảm thấy lạc quan hơn", Chủ tịch EuroCham Gabor Fluit nhận xét.
Một điểm đáng chú ý, theo Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam - EuroCham cho biết, từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được hai bên được ký kết, thì Liên minh Châu Âu đang là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 6 của Việt Nam với gần 28 tỷ USD được đầu tư vào hơn dự án 2.400 dự án. Hàng loạt nhà máy mới đã đầu tư vào Việt Nam thời gian qua với quy mô hàng tỷ USD theo hướng bền vững, công nghệ cao.
EuroCham dẫn chứng thực tế và nói rằng, tiềm năng của Hiệp định EVFTA ngày càng được doanh nghiệp chú ý hơn khi có 27% công ty hoạt động tại Việt Nam báo cáo đã nhận được lợi ích từ mức 'vừa đủ' đến 'đáng kể' từ việc EVFTA thực thi trong quý IV/2023. Mức này đã tăng rõ rệt so với mức 18% trong quý II/2023. Và theo các doanh nghiệp thì ưu điểm quan trọng nhất của EVFTA là 'giảm hoặc xóa bỏ thuế quan', 'tăng khả năng tiếp cận thị trường vào Việt Nam' và 'cải thiện khả năng cạnh tranh ở Việt Nam'.
EuroCham nhận định, Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển như một trung tâm đa dạng hóa sản xuất toàn cầu. Xu thế này diễn ra trong bối cảnh triển vọng dòng vốn FDI toàn cầu được dự báo còn nhiều bất định. Do vậy đà phục hồi ở các nền kinh tế Châu Á, gắn với các FTA, có thể tạo thêm động lực để giữ chân nhà đầu tư nước ngoài, và thu hút thêm nhà đầu tư mới tại Việt Nam.
Tuy vậy, các doanh nghiệp của Châu Âu cũng bày tỏ rằng, Việt Nam phải cải thiện một số vấn đề liên quan đến hạ tầng, lao động và thủ tục hành chính. “Thời gian tới, Việt Nam cần nâng cấp cơ sở hạ tầng khẩn cấp để hỗ trợ tăng trưởng công nghiệp và đô thị hóa. Cân bằng tính bền vững với tăng trưởng công nghiệp. Thị trường lao động cần thích ứng theo hướng tự động hóa. Đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng xanh, ổn định. Mở rộng các ngành có giá trị gia tăng cao của nền kinh tế để nâng tầm sức cạnh tranh”, ông Dominik Meichle, Phó Chủ tịch EuroCham nhấn mạnh.