Monday, Oct 23, 10:10 AM

Lan tỏa thị trường cho sản phẩm OCOP

Nhằm khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các chủ thể có sản phẩm đạt OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) đầu tư phát triển sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, hiện các địa phương đang đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP.

Lan tỏa thị trường cho sản phẩm OCOP
Lan tỏa thị trường cho sản phẩm OCOP
lan-toa-thi-truong-cho-san-pham-ocop_1.jpg
Nhiều sản phẩm OCOP của các địa phương được người tiêu dùng ưa chuộng.

Các địa phương dành nhiều sự quan tâm

Tại tỉnh Bắc Giang, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Bắc Giang cho biết, tỉnh đã và đang quan tâm xây dựng, phát triển thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh, giá trị các nông sản chủ lực, đặc trưng, các sản phẩm OCOP.

Thời gian qua, tỉnh Bắc Giang đã vào cuộc hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể, thiết kế mới hoặc nâng cấp mẫu mã, bao bì, nhãn mác sản phẩm, tem truy xuất nguồn gốc; hướng dẫn, tạo điều kiện để các hợp tác xã tham gia Chương trình OCOP. Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh xúc tiến thương mại, ứng dụng thương mại điện tử để quảng bá, tiếp thị sản phẩm tại thị trường trong nước và nước ngoài.

Đồng thời, tỉnh vận dụng hiệu quả các quy định, chính sách đã được ban hành về xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản chủ lực. Cùng với đó, hỗ trợ nông dân kết nối với các doanh nghiệp chế biến, hệ thống tiêu thụ sản phẩm, từng bước hình thành mạng lưới sản xuất và chuỗi cung ứng kết nối sản xuất, chế biến, phân phối và mua, bán sản phẩm để đưa nông sản sạch vào các siêu thị trong và ngoài tỉnh.

Đến nay, toàn tỉnh Bắc Giang có 52 sản phẩm chủ lực và đặc trưng, gồm: 8 sản phẩm chủ lực (vải thiều, gà, lợn, cam, bưởi, lúa chất lượng, rau, lạc, cá); 14 sản phẩm đặc trưng, 30 sản phẩm tiềm năng; trong đó có 40 sản phẩm đã được đăng ký bảo hộ, một số sản phẩm được bảo hộ tại nước ngoài như: “Mỳ Chũ”, “Mỳ Kế”, “Vải thiều Lục Ngạn” được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan; “Gà đồi Yên Thế” được bảo hộ tại Singapore, Trung Quốc, Lào; “Vải thiều Lục Ngạn” được bảo hộ tại Mỹ, Australia, Singapore.

Theo ông Dương Thanh Tùng – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bắc Giang, từ nay đến năm 2030, Bắc Giang đẩy mạnh thực hiện Chương trình OCOP, quan tâm phát triển du lịch cộng đồng gắn với di tích lịch sử, văn hóa tại địa phương và các làng nghề, làng nghề truyền thống, sản phẩm OCOP. Tỉnh phát triển các sản phẩm có lợi thế của địa phương theo hướng đạt chuẩn sản phẩm OCOP nhằm phát huy bản sắc, khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo và nâng cao thu nhập cho người dân gắn với xây dựng nông thôn mới theo mô hình “Mỗi xã một sản phẩm”.

Tại tỉnh Sóc Trăng, sau hơn 3 năm triển khai Chương trình OCOP, hiện toàn tỉnh có khoảng 189 sản phẩm đạt các sao OCOP, trong đó có 1 sản phẩm đạt hạng 5 sao OCOP (gạo ST25); 19 sản phẩm đạt hạng 4 sao OCOP và 169 sản phẩm đạt hạng 3 sao OCOP của 102 chủ thể (doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh); có 8 cửa hàng trưng bày bán sản phẩm OCOP và sản phẩm an toàn. Để đạt được số lượng sản phẩm đạt các sao OCOP trong các năm qua và hình thành các cửa hàng bán trưng bày sản phẩm OCOP tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng đã triển khai sâu rộng đến các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân về Chương trình OCOP. Đưa cán bộ được giao phụ trách Chương trình OCOP cấp tỉnh, huyện, xã tham gia các lớp tập huấn về chương trình, nhằm nắm vững các quy định của chương trình triển khai thực hiện tại các địa phương một cách hiệu quả, thiết thực; đồng thời, qua tập huấn giúp người phụ trách Chương trình OCOP tại địa phương phát hiện các sản phẩm đặc trưng tiềm năng của địa phương để đưa đi tham gia hội thi đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP cấp huyện, cấp tỉnh.

Theo Sở NNPTNT tỉnh Sóc Trăng, mục tiêu của Sóc Trăng là đến năm 2025 có ít nhất 200 sản phẩm được công nhận đạt từ 3 sao OCOP trở lên, trong đó có 6 - 7 sản phẩm OCOP của tỉnh đạt 5 sao. Nhằm đạt mục tiêu trên, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông đến người dân; gắn kết và lồng ghép với hoạt động tuyên truyền trong xây dựng nông thôn mới. Tập trung nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy cho các tổ chức kinh tế khu vực nông thôn...

Thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn

Có thể thấy, thời gian qua, các địa phương đã và đang nỗ lực đầu tư, thúc đẩy phát triển Chương trình OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn với mục đích nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững...

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, đa phần các đơn vị sản xuất và chế biến các sản phẩm OCOP đều là các hộ, các HTX, doanh nghiệp nhỏ nên bị hạn chế về tiềm lực để phát triển và nâng hạng các sản phẩm OCOP. Bởi vậy việc hỗ trợ về chính sách, vốn sản xuất kinh doanh, đầu tư khoa học công nghệ và xúc tiến thương mại mở rộng thị trường cho sản phẩm OCOP... từ phía nhà quản lý là rất cần thiết. Ông Phú cũng nhấn mạnh, phát triển phong trào OCOP phải luôn đi đôi với giữ gìn bản sắc các vùng miền, địa phương. Công tác bảo vệ môi trường luôn phải coi trọng để phát triển một cách bền vững. Mỗi 1 sản phẩm OCOP phải trở thành 1 câu chuyện đầy thú vị với các khách hàng gần xa nhưng phải luôn được làm mới, bằng cách đưa khoa học công nghệ vào sản xuất chế biến, tận dụng các ưu điểm của công nghệ thời 4.0 để nâng cao năng suất lao động trong chuỗi sản xuất, phân phối và tiêu thụ của từng sản phẩm...

Thanh Xuân
Theo daidoanket.vn http://daidoanket.vn/lan-toa-thi-truong-cho-san-pham-ocop-5740084.html Copylink