Monday, Sep 22, 07:09 AM

Săn bình minh và hương vị cà phê Việt

Hãng tin CNN (Mỹ) từng bình chọn một chuyến tàu xuyên Việt là 1 trong số 6 hành trình đường sắt tuyệt vời tại châu Á. “Chuyến tàu đưa bạn đi qua khung cảnh tuyệt vời của miền Trung Việt Nam, với những chú trâu nước khoan thai gặm cỏ trên những cánh đồng rộng thênh thang, những ngôi làng nhỏ san sát, đồng lúa ngút ngàn”. Còn trang Traveloffpath thì nêu ra “7 lý do bạn nên đi tàu hỏa ở Việt Nam”.

Săn bình minh và hương vị cà phê Việt
Săn bình minh và hương vị cà phê Việt
san-b236nh-minh-v224-huong-vi-c224-ph234-viet_1.jpg
Làng cá nổi và đảo đá vịnh Lan Hạ (Hạ Long, Quảng Ninh). Bức ảnh được MailOngline giới thiệu.

Theo Traveloffpath, một trong những lý do khách nước ngoài khi đến Việt Nam nên đi tàu hỏa là “được thảnh thơi ngắm nhìn phong cảnh hữu tình và khác lạ sẽ khiến bạn quên hết những ưu tư vốn vẫn làm bạn phải suy nghĩ để tìm lối thoát. Ngồi trên tàu hỏa đi dọc Việt Nam, cảm giác như thể bạn đang thoát khỏi thực tại, bạn được thư giãn để dù chỉ trong chốc lát quên đi dòng chảy xô bồ, ồn ã của cuộc sống lặp đi lặp lại hàng ngày”.

Chu du trên một đất nước tuyệt vời

Còn trong một bài viết được đăng tải trên trang Travel and Leisure, nữ nhiếp ảnh gia người Mỹ Katherine Wolkoff đã kể về trải nghiệm đi chuyến tàu Bắc - Nam của Việt Nam, đất nước cô từng biết đến trong những trang sách nhưng nay mới có cơ hội đặt chân đến. Katherine cùng người bạn, có tên Tess quyết định trải nghiệm hành trình trên đoàn tàu thống nhất của Việt Nam.

“Chúng tôi đã “chu du” cùng nhau 7 ngày, bắt đầu từ thủ đô Hà Nội, một thành phố mang lại cảm giác vội vã nhưng sôi động, nóng vào ban ngày, nhưng mát mẻ và trong trẻo vào buổi sáng sớm. Chúng tôi đã học được cách chụp ảnh mới khi đi tàu ở Việt Nam, đó là nên thức giấc lúc 4h30’ sáng để săn bình minh. Khi mặt trời ló rạng, trước mắt bỗng hiện ra những cánh đồng lúa xanh mướt và mặt biển trải dài” - Katherine viết.

Còn với Matthew Pike của trang The Culture Trip thì lòng hiếu khách của người Việt Nam là một trong những điều tuyệt vời nhất mà người ta lưu luyến. Việc đầu tiên Pike đề cập là người Việt Nam rất vị tha: “Khi người nước ngoài mắc lỗi do khác biệt văn hóa, người Việt Nam sẽ không để bụng. Nếu bạn lỡ đi giày vào trong nhà, người ta cũng không giận bạn. Nếu bạn phát âm sai tên, cũng không có vấn đề gì cả... Những lỗi lầm nhỏ luôn được tha thứ ở Việt Nam”.

Điều tiếp theo khiến Pike ấn tượng là người Việt tôn trọng những người lớn tuổi: “Giới trẻ được dạy về cách hành xử đúng mực và khiêm tốn, đặc biệt là với những người lớn tuổi hơn họ. Bạn sẽ không bao giờ nghe thấy một đứa trẻ tranh cãi với cha mẹ của chúng ở Việt Nam”.

Chưa hết, Pike viết: “Không có gì lạ khi các nhóm khách du lịch nước ngoài được người Việt mời vào nhà ăn cơm. Khi người Việt có sự kiện để ăn mừng, họ thường làm những mâm tiệc to và rất ngon miệng, những bữa tiệc có thể kéo dài đến tận đêm khuya. Món ăn Việt Nam rất tuyệt, có sự đa dạng rất ấn tượng, và người nấu luôn tạo ra các phiên bản mới cho các món ăn kinh điển. Có cảm giác bất cứ người Việt Nam cũng là đầu bếp giỏi”.

Cũng thật thú vị trong nhận xét tinh tế của Pike về người Việt Nam là tình yêu và đức tính kiên cường.

“Người Việt thích tình yêu. Sau một thời gian nghe nhạc Việt, bạn sẽ bắt đầu tự hỏi vì sao có nhiều bài hát buồn đến thế. Dường như các nhạc sĩ Việt Nam đều đang phải trải qua vô vàn những cuộc chia tay và tình yêu đơn phương, họ chia sẻ với người nghe của mình và được tiếp nhận một cách dễ dàng. Ngay cả khi bạn chỉ vô tình đề cập tới người yêu/bạn đời của bạn, thì bạn sẽ nhận được đủ loại phản ứng, từ cái gật đầu vui vẻ, cho đến những tiếng thốt lên đầy thích thú”- Pike nhận xét.

Còn về đức tính kiên cường, Pike cho biết đã từng quan sát từ một công trường, nơi có cả một cộng đồng phát triển xung quanh để hỗ trợ cho các công nhân làm việc ở đó. “Sự kiên cường của người Việt Nam còn thể hiện qua những câu chuyện của những người đã đi hàng trăm, thậm chí là hàng nghìn km để tìm việc làm và gửi tiền về quê nhà cho người thân. Thế hệ cha ông đã dể lại cho họ đức tính kiên cường ấy khi họ đã sống qua thời kỳ chiến tranh và nghèo đói. Ngày nay, họ nhận được phần thưởng là niềm vui khi thấy con cháu của họ thành công trong một đất nước hòa bình” - Pike kết luận.

san-b236nh-minh-v224-huong-vi-c224-ph234-viet_2.jpg
Radius Khor (trái) và Sek Kee - 2 người đồng sáng lập “Kee Nguyễn”.

Câu chuyện “cơn sốt” cà phê Việt Nam

Có lẽ đối với những người yêu thích cà phê Việt Nam ở Malaysia, không ai không biết cái tên “Kee Nguyễn”. Đây là một công ty khởi nghiệp được vận hành bởi 2 nhà sáng lập người Malaysia, Radius Khor và Henry Tan.

Cả hai nhà sáng lập trước đây đều làm thiết kế đồ họa, nhưng hiện tại đang dốc hết sức để tạo ra những ly cà phê chất lượng, thơm ngon với giá phải chăng cho người dân Malaysia. Trên website chính thức, Kee Nguyễn cho biết đã gặt hái được nhiều thành công kể từ tháng 6/2019, xây dựng được một lượng khách hàng trung thành cũng như có thêm khách hàng mới mỗi ngày.

Điều thú vị là tên thương hiệu lấy cảm hứng từ những cái tên khác: “Kee” lấy từ họ của Henry; còn “Nguyễn” là họ phổ biến nhất ở Việt Nam. “Chúng tôi muốn bán cà phê đường phố giống như ở Việt Nam, nơi cà phê ngon và chuẩn có thể được tìm thấy ở mọi con đường” - Radius cho biết và thêm rằng “mục tiêu lớn nhất của công ty là khiến khách hàng cảm thấy như đang có mặt tại Việt Nam ngay khi nhấp ngụm cà phê đầu tiên”.

Để bảo đảm thương hiệu, “Kee Nguyễn” đã nhập trực tiếp cà phê từ trang trại tại tỉnh Lâm Đồng. Hạt cà phê bao gồm hỗn hợp Robusta, Arabica cùng với cacao và muối. Bột cà phê là thành quả của phương pháp xay mịn mang lại hương thơm đậm đà và hương vị đặc trưng cho cà phê mà “Kee Nguyễn” bán.

Tuy nhiên, ít người biết đằng sau thành công của “Kee Nguyễn” là những câu chuyện rất tình cờ.

Trong một lần đến Việt Nam du lịch, Henry đã mong muốn một thứ gì đó đơn giản và ít căng thẳng hơn trong công việc; còn Radius lại đang tìm kiếm một thứ gì đó mới mẻ mà anh có thể mạo hiểm khi trở về nước sau khi làm việc ở Hàn Quốc hơn 1 năm.

Sau khi mê hương vị cà phê Việt Nam, trở về nước hai người bắt tay vào sáng lập “Kee Nguyễn”, bắt đầu từ những ly cà phê để trong cốp xe ô tô. “Có hai lý do để chúng tôi làm như vậy. Thứ nhất, những người bán cà phê dạo ở Việt Nam cũng bán đồ uống trên những chiếc thùng nhỏ buộc sau xe máy. Thứ hai, buổi đầu khởi nghiệp chúng tôi chưa có đủ vốn để thuê mặt bằng, nên việc bán cà phê từ cốp xe sẽ tiết kiệm được khoản lớn chi phí” - Radius cho biết.

Sau đó họ đã lập ra cửa hàng đầu tiên, và xác định đó là “một canh bạc lớn” vì đã dồn hết số tiền ít ỏi tiết kiệm được để bắt đầu kinh doanh. Đó cũng chính là dấu mốc quan trọng khởi đầu cho 39 cửa hàng được mở chỉ trong 3 năm, kể từ năm 2019. Đến nay, “Kee Nguyễn” đã có 40 cửa hàng bán cà phê Việt Nam tại Malaysia.

“Bạn sẽ nhận ra sự khác biệt giữa cà phê địa phương và cà phê Việt Nam khi bạn nếm thử. Nó giống hệt những gì chúng tôi đã từng uống ở những quán cà phê truyền thống tại Việt Nam. Không dừng lại ở con số 40, “Kee Nguyễn” mong muốn sẽ có mặt ở mọi bang của Malaysia. Điểm dừng chân tiếp theo của chúng tôi sẽ là bang Borneo và Sarawak” - Radius cho biết.

Việt Nam là “ngôi sao đang lên trong chuỗi cung ứng toàn cầu”. Đó là nhận xét của ông Brian Lee Shun-rong, nhà nghiên cứu kinh tế vĩ mô về Việt Nam, Campuchia, Lào và Myanmar của Ngân hàng đầu tư Maybank, tại sự kiện thường niên lần thứ 10 do Forbes Việt Nam tổ chức, vào hồi đầu tháng 8 vừa qua. Theo ông Brian Lee Shun-rong, môi trường kinh doanh nhất quán tại Việt Nam chính là sự hấp dẫn mọi nhà đầu tư. Chỉ số đo lường mức độ hạn chế trong chính sách đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam đã giảm hơn một nửa kể từ năm 2010 đến nay; trong khi số lượng hiệp định thương mại tự do chỉ đứng sau Singapore, cho thấy độ mở cao của nền kinh tế đối với thương mại và đầu tư từ nước ngoài.

Tuy nhiên, ông Lee cũng cho rằng, để trở thành điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp FDI, Việt Nam cần tiếp tục nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Thực tế hiện nay, tỷ trọng mua hàng địa phương của các công ty Nhật Bản ở Việt Nam chỉ 37%, trong khi ở Indonesia hơn 47%, ở Thái Lan gần 60%. Mà muốn có được điều đó thì Việt Nam phải đẩy mạnh ưu tiên phát triển những ngành nghề cần lao động chất lượng cao, chú trọng cải thiện chất lượng nguồn nhân lực sẵn sàng cho chuyển đổi số.

Ngọc Mai
Theo daidoanket.vn http://daidoanket.vn/san-binh-minh-va-huong-vi-ca-phe-viet-5695675.html Copylink