TP Hồ Chí Minh sẽ ban hành chỉ thị mới về kiểm soát Covid-19
Ngày mai (30/9), UBND TP HCM dự kiến công bố chỉ thị mới về các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế - xã hội trên địa bàn từ 0 giờ ngày 1/10.
Về diễn biến dịch bệnh tính từ 17h ngày 28/9 đến 17h ngày 29/9, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 4.699 ca nhiễm mới tại TP HCM. Đây là mức tăng cao hơn so với cùng thời điểm của ngày hôm trước.
Tin vui trong ngày 29/9 TP HCM ghi nhận địa phương thứ 9 đã kiểm soát được dịch Covid-19 và chuẩn bị triển khai các giải pháp mở cửa cho giai đoạn bình thường mới. Các địa phương này, bao gồm quận 7, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ, huyện Nhà Bè, quận 5, quận Gò Vấp, quận Phú Nhuận, Thành phố Thủ Đức và quận Tân Bình. Như vậy, tính đến cuối tháng 9/2021, TP HCM thực hiện 7 lần thông báo giãn cách xã hội theo chiều hướng lần sau thắt chặt hơn so với lần trước.
Tổng cộng, thành phố đã trải qua gần 5 tháng thực hiện theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng, với lần gần nhất thực hiện triệt để “Ai ở đâu, ở yên đó”. Đến nay, tổng số ca mắc Covid-19 tại TP HCM đã vượt hơn 375.000, trong khi có tới hơn 14.000 bệnh nhân tử vong.
Từ 1/10 là thời điểm kết thúc đợt giãn cách xã hội gần nhất, UBND TP HCM sẽ công bố ban hành chỉ thị mới về điều chỉnh các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Theo dự thảo chỉ thị này, TP HCM sẽ từng bước nới lỏng giãn cách xã hội tương ứng với cấp độ được đánh giá theo Hướng dẫn tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với dịch Covid-19” của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19.
Kèm theo đó, dự thảo cũng đề cập nhiều hoạt động, sản xuất, kinh doanh được mở cửa trong điều kiện giới hạn số lượng tập trung ngoài trời. Điển hình có việc các loại hình sản xuất, kinh doanh sử dụng toàn bộ lao động trực tiếp sẽ được mở cửa nhưng phải đáp ứng có “thẻ xanh Covid-19” để được mở cửa trong điều kiện đảm bảo quy định an toàn phòng chống dịch.
Hoạt động của các Trung tâm thương mại, siêu thị (bao gồm siêu thị mini), cửa hàng tiện lợi, các cơ sở bán lẻ hàng hóa, nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, chợ đầu mối, chợ truyền thống,…được dự kiến hoạt động tối đa 50% công suất.
TP HCM cũng dự kiến tiếp tục thực hiện mô hình các chốt kiểm soát, với việc thống nhất kiểm tra phương tiện, người tham gia lưu thông bằng mã QR và các công cụ nhận diện. Đồng thời, TP HCM kiến nghị mở một số đường bay quốc tế và trong nước đến, đi từ Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Đặc điểm chung là các hoạt động, lĩnh vực ngành nghề muốn hoạt động đều sẽ đi kèm các điều kiện về “thẻ xanh Covid-19” hoặc người đã khỏi bệnh Covid-19. Doanh nghiệp cũng phải cam kết điều kiện đảm bảo chấp hành toàn bộ quy định an toàn phòng, chống dịch của ngành y tế.
Trước đó, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 TP HCM cũng đã ban hành Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động giao thông vận tải an toàn trong điều kiện phòng chống dịch Covid-19 trong đó hướng dẫn các hoạt động đi lại sau 1/10 được chia thành từng tiêu chí đối với các loại hình giao thông khác nhau.
Trong đó, đối với vận tải hành khách (đường bộ, đường thủy nội địa) có 10 tiêu chí đánh giá để được hoạt động, trong đó có các yêu cầu bắt bước như không sử dụng máy lạnh hoặc đóng kín cửa, mở máy lạnh từ 26°C trở lên; vận chuyển không quá 50% sức chứa (đạt), vận chuyển trên 50% (không đạt)...
Đối với vận tải hàng hóa cũng có 6 tiêu chí để đánh giá. Trong các tiêu chí có tiêu chí yêu cầu lái xe và người phục vụ đều đã tiêm phòng Covid-19 mũi thứ nhất 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh, có xét nghiệm âm tính còn hiệu lực, thực hiện quy tắc 5K.