Nhà băng giảm lãi kích cầu tín dụng
Làn sóng giảm lãi suất của các TCTD đang lan tỏa ra xã hội và càng trở nên mạnh mẽ hơn trong các tháng cuối năm khi có thêm hàng trăm nghìn tỷ đồng của các ngân hàng đổ vào sản xuất kinh doanh.
Lãi tiết kiệm giảm thấp
Trong hai tuần đầu của tháng 11/2020, xu hướng giảm lãi suất huy động đã biểu hiện khá rõ nét và phổ biến ở toàn các TCTD. Cụ thể, trong khối NHTM có vốn Nhà nước chi phối, Vietcombank là ngân hàng đầu tiên điều chỉnh giảm thêm lãi suất tiền gửi. Người gửi tiền kỳ hạn 6-9 tháng nhận lãi suất 4%/năm; kỳ hạn 12 tháng còn 6%/năm; kỳ hạn 24 tháng giảm về 5,7%/năm và kỳ hạn 36 tháng chỉ còn 5,4%/năm. Các mức lãi suất mới này đã giảm từ 0,2 - 0,4% so với biểu lãi suất hồi tháng 10.
Ở khối NHTMCP, đến cuối tuần qua đã có khoảng trên 10 ngân hàng giảm lãi suất tiền gửi, bao gồm: ACB, VIB, NamABank, LienVietPostBank, HDBank, ABBank, SCB, VietCapitalBank, MB… Theo đó, MB giảm từ 0,1 - 0,2% đối với hầu hết các kỳ hạn so với tháng 10, lãi suất tiền gửi từ 36 - 60 tháng hiện chỉ còn 6,3%/năm.
Thanh khoản dồi dào giúp các NHTM đẩy mạnh cho vay các tháng cuối năm
ACB áp dụng mức lãi suất tiền gửi 3,4%/năm đối với kỳ hạn 2 tháng, 3,6%/năm đối với kỳ hạn 3 tháng, 5% đối với kỳ hạn 9 tháng và 6,3% đối với kỳ hạn 15 - 36 tháng. Trong khi đó, HDBank giảm từ 0,15 - 0,45%; SHB, ABBank và SCB đều có mức giảm từ 0,2 - 1% đối với các kỳ hạn ngắn và trung hạn.
Ông Nguyễn Đức Hùng Linh - Giám đốc đầu tư Công ty cổ phần quản lý quỹ PVI (PVIAM) cho rằng, việc các NHTM đồng loạt giảm lãi suất huy động cho thấy sự ổn định và dồi dào của thanh khoản đã phổ biến trong hệ thống. Khả năng kiểm soát lạm phát của Chính phủ ở mức 3-3,5% có thể kỳ vọng kéo dài trong vài năm tới.
Theo đó hiện lãi suất huy động bình quân của nhóm ngân hàng dẫn đầu quanh mức khoảng 5%/năm, nhóm sau khoảng 6%. Với mức này khả năng các NHTM giảm thêm 0,3%-1% trước khi đi vào trạng thái ổn định kéo dài là có thể kỳ vọng. "So với 9 tháng đầu năm nay dư địa giảm lãi suất huy động ít hơn nhưng xu hướng giảm vẫn khá phổ biến" - ông Linh nhận định.
Trong khi đó ở góc độ thị trường, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, việc các NHTM đồng loạt giảm lãi suất hiện nay nhìn nhận là động thái duy trì tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) phù hợp trong bối cảnh phải cắt giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Cơ hội cạnh tranh cho vay cuối năm
Để tăng khả năng cạnh tranh trong hoạt động cho vay trên thị trường các tháng cuối năm, hiện nay các NHTM đã giảm lãi suất các gói vay phục vụ sản xuất kinh doanh. Chẳng hạn, từ cuối tháng 10, Vietcombank đã áp dụng mức lãi suất 5,9%/năm đối với các khách hàng DNNVV vay vốn lưu động; Agribank thông báo giảm thêm 0,3% lãi suất cho vay đối với các DN bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19. Trong khi đó, HDBank vừa thông báo đưa lãi suất của gói Swift SMEs trị giá 5.000 tỷ đồng xuống còn từ 6,2%/năm; BIDV bổ sung thêm 40.000 tỷ đồng cho gói vay "Kết nối, vươn xa", nâng tổng quy mô gói vay này lên đến 70.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ khách hàng khôi phục hoạt động sản xuất – kinh doanh.
Ngoài tín dụng dành cho DN sản xuất kinh doanh, hiện các NHTM cũng đang đẩy mạnh cho vay ưu đãi với cá nhân phục vụ nhu cầu tiêu dùng. Chẳng hạn, VietCapitalBank có gói vay ưu đãi 3.500 tỷ đồng dành cho cá nhân, với lãi suất ưu đãi từ 7,99%/năm. Vietcombank giảm hàng loạt lãi suất cho vay trong lĩnh vực tiêu dùng như mua nhà, xây sửa nhà, ô tô… với lãi suất từ 6,79%/năm. Ngân hàng Shinhan Việt Nam giảm lãi suất cho vay mua nhà trong chu kỳ đầu xuống còn từ 6,5%/năm…
Theo các chuyên gia tài chính, việc giảm lãi suất các gói vay trong quý III vừa qua đã góp một phần cho tăng trưởng tín dụng ở nhiều NHTM chuyển biến tích cực. Ví như, Sacombank, đến 30/9/2020 cho vay khách hàng của ngân hàng này đạt mức 320.215 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 8,2%, trong khi đó dư nợ của VIB đạt gần 150.000 tỷ đồng, tăng 15,3% so với đầu năm, tăng trưởng tín dụng 9 tháng của VPBank cũng đạt mức 16,5%... Đây đều là các mức tăng trưởng khá trong bối cảnh DN chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh.
Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), mức tăng trưởng tín dụng khá tốt của các NHTMCP gần đây, cho thấy các tháng cuối năm vẫn có hàng trăm ngàn tỷ đồng chờ đầu tư vào sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên, tạo tiền đề để mức tăng trưởng tín dụng năm 2021 đạt khoảng 12-13% khi nhu cầu vốn của DN và người dân có sự cải thiện rõ rệt.
Quả vậy hiện sản xuất kinh doanh đang có dấu hiệu phục hồi nhanh chóng khi dịch bệnh trong nước đã cơ bản được kiểm soát. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 10/2020 ước tính tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Báo cáo khảo sát chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của IHS Markit vừa được công bố mới đây cũng cho thấy, lĩnh vực sản xuất ở Việt Nam tiếp tục phục hồi trong tháng đầu của quý IV. Khi dịch bệnh Covid-19 vẫn nằm trong tầm kiểm soát ở trong nước, các công ty ghi nhận mức tăng mạnh của số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng…
Trong bối cảnh đó, nhiều chuyên gia ngân hàng cho rằng, tăng trưởng tín dụng năm nay có thể đạt tới 9-10%. Một trong những cơ sở để giới chuyên gia tự tin đưa ra dự báo như vậy là do mặt bằng lãi suất đang đứng ở mức rất thấp, qua đó sẽ kích thích nhu cầu vay vốn của DN và người dân trong những tháng cuối năm.
"Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ phục hồi nhẹ trong quý IV năm 2020 khi quan sát các chỉ số chỉ báo như IIP, PMI cho thấy hoạt động sản xuất đang dần phục hồi, cũng như mặt bằng lãi suất cho vay đang ở mức thấp trong nhiều năm qua nhờ định hướng chính sách của NHNN. Mặc dù vậy, nhu cầu tín dụng của nền kinh tế sẽ khó có thể phục hồi về trạng thái bình thường như trước khi dịch diễn ra và chúng tôi tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng tín dụng trong năm nay xuống quanh mức 8-10% (so với dự báo 10% đưa ra trước đó)", ông Nguyễn Xuân Bình – Giám đốc Khối phân tích Công ty Chứng khoán KBSV nhận định.