VPB dẫn dắt cổ phiếu ngân hàng
Cổ phiếu VPB tăng 2,7% trong phiên, cao nhất nhóm ngân hàng. Cổ phiếu ngân hàng chìm trong sắc đỏ phần lớn thời gian giao dịch nhưng ngược dòng hồi phục, một số mã tăng giá.
Kết phiên 13/8, nhiều cổ phiếu ngân hàng tăng ngược trở lại dù chìm trong sắc đỏ phần lớn thời gian giao dịch. VPB của VPBank dẫn đầu tăng 2,7%, có giá 63.600 đồng/cp. Trong phiên, cổ phiếu này duy trì sắc xanh, sau khi thông tin ngân hàng chào bán 15% vốn cho cổ đông nước ngoài được ban lãnh đạo tiết lộ chiều 12/8.
Sau khi bán 49% vốn FE Credit cho Tập đoàn SMBC mang lại gần 1,4 tỷ USD, ngân hàng sẽ phát hành gần 2 tỷ cổ phiếu trị giá gần 20.000 tỷ đồng từ nguồn cổ tức và thặng dư vốn cổ phần, và phát hành riêng lẻ 15% cho cổ đông chiến lược nước ngoài.
Dự kiến, sau khi hoàn tất các đợt chào bán, ngân hàng sẽ nâng vốn điều lệ lên 75.000 tỷ đồng, VPBank sẽ vươn lên vị trí ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất và nằm trong top đầu về vốn chủ sở hữu. ROE đạt 25,7% và ROA đạt 3,3%.
Sau VPB, cổ phiếu LPB và NVB tăng 1% lần lượt có giá 25.000 đồng/cp và 29.200 đồng/cp dù trong phiên từng có thời điểm giảm 0,4% và 0,6%.
Một số mã lội ngược dòng, kết phiên tăng giá có thể điểm tới như TCB tăng 0,4%, MBB, SHB, STB… tăng 0,3% và ACB tăng 0,1%.
Phần lớn các mã còn lại đều thu hẹp đà giảm từ 5-6% về còn 0,5-2% vào cuối phiên như BVB, VBB, EIB, HDB, BID… Trong nhiều tuần gần đây, trái với đà tăng của nhóm cổ phiếu bất động sản, phần lớn cổ phiếu ngân hàng đều đi ngang, tích lũy.
Mặt khác, khối ngoại tiếp tục mua ròng một số mã. Đơn cử, STB được mua ròng hơn 1,4 triệu cổ phiếu, nâng tổng mua ròng từ đầu tháng 8 của nhà đầu tư nước ngoài của mã này lên hơn 29,2 triệu đơn vị. MBB cũng được mua ròng 2,3 triệu cổ phiếu trong phiên 13/8.
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư 11/2021/TT-NHNN, thay thế Thông tư 02/2013 về phân loại tài sản có và trích lập dự phòng rủi ro, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD). Đồng thời, cơ quan này cũng đang lấy ý kiến với đề nghị xây dựng Luật về xử lý nợ xấu của TCTD. Bên cạnh đó, việc sửa đổi bổ sung Thông tư 01 và Thông tư 03 về cơ cấu nợ cũng đang được xem xét.
Những bước đi này cho thấy NHNN đang tích cực hoàn thiện và cập nhật các văn bản pháp lý tạo điều kiện để các ngân hàng xử lý nợ xấu tiềm ẩn nếu có trong tương lai, giữa bối cảnh dịch bệnh chưa chấm dứt.