Nếu vô tình đi qua một người nhiễm Covid-19, liệu tôi có bị lây hay không?
Khi một người nói chuyện trong 5 phút, họ có thể phát tán 3.000 giọt bắn trên phạm vi 2 m.
Chỉ nhỏ bằng 1/900 so với sợi tóc người, nhưng chủng virus gây ra dịch Covid-19 lại đang gieo rắc nỗi lo lắng trên toàn thế giới. Tính tới thời điểm này, đã có hơn 93.000 bệnh nhân tại 76 quốc gia và vùng lãnh thổ được xét nghiệm dương tính với virus.
SARS-CoV-2 vô hình dưới con mắt người thường, và ngay cả các nhà khoa học cũng đang phải tìm hiểu những bí ẩn của nó. Mặc dù vậy, ít nhất 540 nghiên cứu đã được thực hiện cho tới thời điểm này sẽ cho chúng ta biết Covid-19 lây truyền như thế nào giữa người với người.
Các bề mặt đồ vật có nguy cơ mang virus? Tiếp xúc ở khoảng cách nào với người bệnh sẽ đặt bạn vào nguy cơ nhiễm bệnh? SARS-CoV-2 có lây qua đường tình dục hay không? Trong bài viết này, chúng ta sẽ lần lượt trả lời tất cả các thắc mắc đó.
Nếu vô tình đi qua một người nhiễm Covid-19, liệu tôi có bị lây bệnh hay không?
Giả sử bạn bước vào một cửa hàng tạp hóa đông đúc. Trong số những người đang mua sắm tại đó, có một người nhiễm virus corona mới. Những yếu tố nào sẽ góp phần khiến bạn có nguy cơ lây nhiễm từ người đó?
Các chuyên gia đồng ý rằng họ còn rất nhiều điều cần phải tìm hiểu, nhưng có 4 yếu tố có thể đóng vai trò trong tình huống này: Một là khoảng cách giữa bạn và người nhiễm bệnh. Hai là bạn ở gần họ trong bao lâu? Ba là liệu người đó có ho, hắt hơi hoặc thở ra những giọt bắn từ đường hô hấp hay không? Và cuối cùng là chính bạn sẽ chạm tay lên mặt mình bao nhiêu lần?
(Tất nhiên, tuổi tác và tình trạng sức khỏe của bạn cũng là một yếu tố chính, những người có hệ miễn dịch yếu và người già có khả năng nhiễm virus dễ dàng và dễ bị bệnh nặng hơn. Nhưng hãy giả sử bạn là một người trẻ tuổi và còn đang khỏe mạnh).
Giọt bắn chứa virus là gì?
Giọt bắn chứa virus là những giọt dịch nhầy trong đường hô hấp của người nhiễm bệnh, có thể được phát tán qua đường mũi, miệng, thậm chí là mắt khi họ ho, hắt hơi, nói chuyện và… thở. Các nhà khoa học cho biết virus corona mới không thể tự nó bay lơ lửng một mình trong không khí, mà sẽ "tụ tập" lại trong các giọt bắn để đi cùng nhau.
Bên trong đường hô hấp của bệnh nhân nhiễm Covid-19, những con virus đã xâm nhập vào tế bào, gắn RNA của nó vào vật chất di truyền để chiếm lấy các bộ máy tế bào vật chủ để nhân lên. Khi số lượng virus đủ nhiều, chúng sẽ phá vỡ tế bào và chui ra ngoài. Một số lượng virus sẽ tiếp tục xâm nhập các tế bào mới, trong khi một số khác bị giữ lại trong dịch nhầy của người bệnh.
Kin-on Kwok, giáo sư tại Trường Y tế và Chăm sóc sức khỏe Cộng đồng thuộc Đại học Hồng Kông, cho biết, một con virus không thể "trần trụi" một mình đi ra ngoài đường hô hấp của người bệnh để lây nhiễm cho những người khác. Nó phải quá giang nhờ những giọt chất nhầy hoặc nước bọt của họ.
Những chất nhầy và nước bọt này được đẩy ra từ miệng hoặc mũi khi chúng ta ho, hắt hơi, cười, hát, thở và nói chuyện. Nghiên cứu cho thấy khi một người bệnh hắt hơi, họ có thể phát tán vào không khí 40,000 giọt bắn. Các giọt bắn này có thể di chuyển xa tới 6 m với vận tốc 50m/s.
Khi một người ho hoặc nói chuyện trong 5 phút, họ có thể phát tán 3.000 giọt bắn. Các giọt bắn khi ho có thể di chuyển trên phạm vi 2 m với vận tốc 10 m/s. Và ngay cả khi một người bệnh thở, họ cũng có thể phát tán các giọt bắn trên phạm vi 1 m với vận tốc 1m/s.
Nếu không gặp bất kỳ một vật cản nào trên đường đi, giọt bắn sẽ mang theo virus rơi xuống sàn nhà hoặc mặt đất. Ở bên ngoài vật chủ, virus không thể sống lâu, giọt bắn sẽ nhanh chóng khô đi và tùy theo các bề mặt mà nó đáp xuống, virus corona có thể tồn tại nhiều giờ cho đến nhiều ngày trên đó.
Trong trường hợp các giọt bắn từ người bệnh chạm được tới bạn, virus cũng phải đi đúng những cánh cổng của đường hô hấp để lây nhiễm cho bạn. Đó là qua mắt, mũi hoặc miệng. Một số chuyên gia tin rằng những cú hắt hơi và khi người bệnh ho có thể là hình thức lây truyền chính.
Giáo sư Kwok cho biết thêm rằng nói chuyện trực tiếp hoặc ăn chung với người bệnh cũng có thể đặt bạn vào nguy cơ nhiễm Covid-19. Julian Tang, một nhà virus học và giáo sư tại Đại học Leicester ở Anh, đồng ý với điều đó
"Nếu bạn có thể ngửi thấy những gì người bệnh đã ăn trưa nay – như tỏi, cà ri, v.v. – nghĩa là bạn đang hít vào những gì họ đang thở ra, bao gồm bất kỳ virus nào trong hơi thở của họ", ông nói.
Khoảng cách nào được coi là quá gần với một người nhiễm Covid-19?
Christian Lindmeier, phát ngôn viên của Tổ chức Y tế Thế giới, cho biết, tốt nhất bạn nên giữ khoảng cách 3 feet (tương đương 1 mét) với người bệnh.
Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ thì cho biết, đứng trong vòng 6 feet (tương đương 2 mét) có thể mang đến rủi ro cho bạn.
Và khoảng thời gian nào được coi là quá lâu khi tiếp xúc?
Câu hỏi này đến nay vẫn chưa có đáp án rõ ràng. Hầu hết các chuyên gia đồng ý rằng thời gian bạn tiếp xúc với người bệnh càng lâu thì nguy cơ lây nhiễm của bạn sẽ càng cao.
Liệu bạn có thể phân biệt được ai đó đang nhiễm Covid-19 hay không?
Dường như là không thể. Hãy nhớ rằng hầu hết các bệnh nhân nhiễm Covid-19 chỉ biểu hiện các triệu chứng nhẹ như cảm cúm. Một số người đã nhiễm virus thậm chí còn không có triệu chứng.
Điều này khiến cho chúng ta không thể biết chắc một người nào đó gần mình có đang nhiễm Covid-19 hay không, ngay cả các bác sĩ có kinh nghiệm lâm sàng cũng không thể làm được điều đó.
Tuy nhiên, WHO tới thời điểm này vẫn khẳng định rằng hầu hết các bệnh nhân có khả năng lây nhiễm cho người khác đều đang biểu hiện các triệu chứng của Covid-19, đặc biệt là sốt, ho, khó thở. Vì vậy, nếu bạn thấy xung quanh mình có một người có các biểu hiện này, tốt nhất là hãy giữ khoảng cách với họ.
Virus có thể tồn tại trên tay nắm xe buýt, màn hình cảm ứng hoặc các bề mặt khác không?
Có. Sau khi nhiều người cùng đến một ngôi chùa ở Hồng Kông bị ốm, Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe thành phố đã thu thập các mẫu phẩm từ khu vực này. Các vòi nước trong phòng vệ sinh và vải bọc trên Kinh Phật được xét nghiệm cho kết quả dương tính với virus corona mới.
Về mặt khoa học, virus SARS-CoV-2 chỉ là một trong số nhiều chủng corona tương tự đã được biết đến trước đó. (Chúng được gọi là virus corona (quầng sáng hoặc vương miện) vì có các gai protein nhô ra khỏi bề mặt giống với hình vương miện và phát sáng dưới kính hiển vi điện tử).
Một nghiên cứu về các chủng virus corona khác cho thấy chúng có thể tồn tại trên các bề mặt kim loại, kính và nhựa trong hai giờ cho đến 9 ngày.
Một bề mặt trông có vẻ sạch hay bẩn không thể nói cho bạn biết trên đó có virus hay không. Nếu một người bệnh nhiễm Covid-19 từng hắt hơi gần đó và một giọt bắn của họ rơi xuống bề mặt, một người sau đó chạm vào bề mặt đó có thể nhiễm virus. Số lượng giọt bắn và tải lượng virus tối thiểu để lây nhiễm cho một bệnh nhân mới hiện vẫn là câu hỏi chưa có lời giải.
Nhưng Gary Whittaker, giáo sư về virus học tại Đại học Thú y Cornell cho biết các chủng virus corona về cơ bản đều dễ bị tiêu diệt khi ở bên ngoài cơ thể. Nếu muốn tẩy trùng các bề mặt xung quanh mình, bạn chỉ cần sử dụng các sản phẩm diệt khuẩn có chứa một trong số các thành phần sau:
Sodium hypochlorite (0.1 – 0.5%), 70% ethyl alcohol, Povidone-iodine (1% iodine), Chloroxylenol (0.12%), 50% isopropanol, 0.05% benzalkonium chloride (Quaternary Ammonium Compound) , 50ppm iodine in iodophor, 0.23% sodium chlorite, 1% cresol soap (sodium alkyl-ben-zene sulfonate) và Hydrogen peroxide (0.5-7.0%).
Các hợp chất diệt khuẩn này có thể dễ dàng phá vỡ lớp vỏ mỏng manh của virus Covid-19 khiến nó bị bất hoạt hoặc trở nên vô hại.
Hoặc nếu không thể vệ sinh các bề mặt ở nơi công cộng, miễn là bạn sẽ rửa tay sau khi chạm vào chúng và trước khi chạm tay lên mặt, bạn sẽ an toàn bởi các giọt bắn và virus của người bệnh không thể đi xuyên qua da vào cơ thể.
Đó cũng là lý do tại sao bạn không nên lo lắng về các bưu kiện hoặc hàng hóa được giao đến từ vùng có dịch. Nếu cẩn thận hơn nữa, bạn có thể xịt nước khử trùng lên bề mặt của các sản phẩm này và rửa tay sau khi mở chúng.
Bạn có cần chọn xà phòng diệt khuẩn hay một loại xà phòng có nhãn hiệu cụ thể nào không?
Câu trả lời là không! Cả xà phòng diệt khuẩn và xà phòng thường đều hoạt động trên nguyên tắc rửa trôi virus và các mầm bệnh khác bám trên da tay bạn. Vì vậy, không nhất thiết phải chọn loại xà phòng.
Hàng xóm của tôi đang ho. Tôi có nên lo lắng không?
Không có bằng chứng cho thấy các hạt virus có thể đi xuyên qua tường hoặc thủy tinh, Tiến sĩ Ashish K. Jha, giám đốc Viện Sức khỏe Toàn cầu Harvard cho biết. Ông chia sẻ nỗi lo lắng của mình ở các không gian công cộng hơn là những nguy cơ từ đường thông gió, miễn bạn giữ cho phòng của mình thoáng khí.
Một người hàng xóm bị nhiễm bệnh có thể hắt hơi trên lan can và nếu bạn chạm vào nó, đó sẽ là một con đường tốt hơn cho virus lây lan, tiến sĩ Jha nói.
Virus có lây qua đường tình dục hay không?
Hôn chắc chắn là một hành động có thể lan truyền virus, các chuyên gia cho biết. Mặc dù các chủng virus corona thường không lây qua đường tình dục. Nhưng hiện vẫn còn quá sớm để kết luận điều này với Covid-19, WHO tuyên bố.
Có an toàn không khi ăn chung nhà hàng với một người nhiễm virus corona?
Nếu người mắc bệnh chính là đầu bếp hoặc nhân viên nhà hàng, những người chuẩn bị bữa ăn cho bạn thì nguy cơ không thể được loại trừ. Tham gia một bữa tiệc buffet đông đúc cũng không phải lựa chọn tốt trong thời điểm này.
Tuy nhiên, giáo sư Whittaker cho biết việc hâm nóng hoặc làm chín thức ăn sẽ giết chết mọi virus trong thức ăn của bạn. Tiến sĩ Jha đồng tình với quan điểm này. "Với các nguyên lý chung, chúng tôi thấy rằng thực phẩm không phải là một cơ chế lan truyền dịch bệnh [Covid-19]", ông nói.
Tôi có nên để chó và mèo ở cùng nhà với mình?
Giáo sư Whittaker cho biết hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy chó hoặc mèo có thể nhiễm virus corona và lây nó cho chủ sở hữu. Trong một số trường hợp, thú cưng sẽ giúp bạn giải tỏa căng thẳng và có tâm lý vững vàng hơn khi phải cách ly tại nhà mình.
Tham khảo Nytimes