Monday, Sep 21, 10:09 PM

Rác nhựa và Kinh tế tuần hoàn trong bảo vệ đại dương

Từ mô hình "kinh tế tuyến tính" sang "kinh tế tuần hoàn. Ðể giải quyết nguy cơ cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, giảm ô nhiễm và suy thoái môi trường sống trong những thập niên gần đây, các nước trên

Rác nhựa và Kinh tế tuần hoàn trong bảo vệ đại dương
Rác nhựa và Kinh tế tuần hoàn trong bảo vệ đại dương

Từ mô hình "kinh tế tuyến tính" sang "kinh tế tuần hoàn…

Ðể giải quyết nguy cơ cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, giảm ô nhiễm và suy thoái môi trường sống trong những thập niên gần đây, các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam đang từng bước chuyển dịch từ các mô hình "kinh tế tuyến tính" sang "kinh tế tuần hoàn" (KTTH) với mục tiêu phát triển bền vững đất nước, giảm thiểu những tác động xấu đến môi trường và nền kinh tế tuần hoàn là mô hình được quan tâm, định hướng phát triển. Xây dựng kinh tế tuần hoàn đã được xác định là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 trong dự thảo Văn kiện trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Ảnh chụp màn hình một số đại biểu tham dự tại hội thảo

Kinh tế tuần hoàn (KTTH) là một mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ những tác động tiêu cực đến môi trường. Ðây là mô hình kinh tế trong đó đặc biệt chú trọng đến quản lý và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín, nhằm tránh tạo ra phế thải và ô nhiễm môi trường.

Theo các chuyên gia kinh tế phân tích, KTTH mang lại nhiều lợi ích. Cụ thể, đối với quốc gia, phát triển kinh tế tuần hoàn là thể hiện trách nhiệm của quốc gia trong giải quyết những thách thức toàn cầu do ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu đồng thời nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Kinh tế tuần hoàn giúp tận dụng được nguồn nguyên vật liệu đã qua sử dụng thay vì tiêu tốn chi phí xử lý; giảm thiểu khai thác tài nguyên thiên nhiên, tận dụng tối đa giá trị tài nguyên; hạn chế tối đa chất thải, khí thải ra môi trường.

Đối với xã hội, kinh tế tuần hoàn giúp giảm chi phí xã hội trong quản lý, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; tạo ra thị trường mới, cơ hội việc làm mới, nâng cao sức khoẻ người dân...Đối với doanh nghiệp, kinh tế tuần hoàn góp phần giảm rủi ro về khủng hoảng thừa sản phẩm, khan hiếm tài nguyên; tạo động lực để đầu tư, đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất, tăng chuỗi cung ứng...

...đến các chương trình quản lý rác thải nhựa để bảo vệ đại dương

Nằm trong chuỗi hoạt động hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á (CSEAS) và Viện Nghiên cứu Nước Nauy (NIVA), ngày 10/9/2021, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (VASI) tổ chức hội thảo trực tuyến “Rác nhựa và Kinh tế tuần hoàn”.

Ông Nguyễn Quế Lâm, Phó Tổng cục Trưởng, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam

Theo ông Nguyễn Quế Lâm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trưởng nhóm công tác ASEAN về Biển và Đới bờ cho biết: “Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, khẳng định quyết tâm, nỗ lực của Việt Nam trong cuộc chiến giảm thiểu rác nhựa như trình quốc hội thông qua Luật Bảo vệ môi trường 2020, trong đó luật hóa các nội dung liên quan đến chất thải nhựa gồm quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn về nhựa; Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030. Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang triển khai các nhiệm vụ liên quan đến xây dựng chính sách, lộ trình tiến tới loại bỏ chất thải nhựa sử dụng và túi ni-lông không phân hủy; xây dựng mô hình hướng tới nền KTTH "nói không với rác thải nhựa và nilông không phân hủy"…

Cũng theo ông Nguyễn Quế Lâm, để góp phần thực hiện kinh tế tuần hoàn, hiện tại, rất nhiều hoạt động cụ thể được các cơ quan quản lý, tổ chức phi chính phủ  đã và đang thực hiện để ứng phó với ô nhiễm rác nhựa không chỉ ở Việt Nam mà còn ở trong khu vực. Nhận thức được mức độ nghiêm trọng và hậu quả của ô nhiễm rác nhựa, Chương trình đối tác hành động quốc gia về rác nhựa (NPAP) phát động phong trào chuyển dịch sang nền kinh tế tuần hoàn trên toàn cầu. Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) phối hợp với VASI xây dựng và triển khai dự án “Thúc đẩy hành động giảm thiểu ô nhiễm nhựa từ nguồn ra biển tại châu Á - Thái Bình Dương” được thực hiện tại các cấp khu vực, quốc gia và địa phương tại phường, xã. Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) triển khai EPPIC tìm kiếm các sáng kiến trong cộng đồng các nước Đông Nam Á. Indonexia cũng đã xây dựng được một trình kinh tế tuần hoàn khả thi từ 2020 đến 2024 theo các năm từ phân tích tiềm năng kinh tế, môi trường, xã hội của kinh tế tuần hoàn, xây dựng kế hoạch hành động, thực hiện thí điểm, thiết lập mạng lưới đối tác và thực hiện toàn diện.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Nguyễn Quế Lâm cho rằng:  Hai năm qua, dịch bệnh COVID-19 đã làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, xã hội và làm chậm nỗ lực giảm thiểu rác nhựa ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Chúng ta cần xem xét, vấn đề này trong các kế hoạch triển khai các hoạt động liên quan nhằm đảm bảo hiệu quả, đặc biệt kinh tế tuần hoàn gồm cách thức để gia tăng chuỗi giá trị của các sản phẩm nhựa, cũng như quản lý rác nhựa”.

Đối với lộ trình kinh tế tuần hoàn trong ngành nhưa, cần xây dựng các mục tiêu, kết quả mong muốn và các bước chính hay các giai đoạn cần đạt được mục tiêu. Bên cạnh đó, việc thống nhất các đối tác tham gia trong chuỗi giá trị nhựa cùng phối hợp trong thiết kế, sử dụng và tái sử dụng nhựa. Từ đó, chúng ta mới có thể cùng giảm rác nhựa vào môi trường và tạo kinh tế tuần hoàn cho ngành nhựa. Lộ trình cũng cần xác định các cơ hội thông qua chuỗi cung cấp làm sao có thể giảm rác nhựa và chất liệu tạo ra nhựa được tái sử dụng, tái chế. Ngoài ra, phát triển công nghệ mới, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ và ngành công nghiệp hỗ trợ trên cơ cở tiếp cận các mô hình kinh doanh kinh tế tuần hoàn.

Lộ trình chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn của nhựa đối với Việt Nam nên tập trung vào một số ưu tiên: 1. Xác định danh mục bao bì nhựa không cần thiết và có nguy cơ cao cùng với việc xây dựng kế hoạch tiêu hủy các thành phần này (items); 2. Thể chế hóa trách nhiệm nhà sản xuất trong ngành bao bì nhựa để đầu tư vào hạ tầng tái chế; 3. Cải tiến, khuyến khích việc thay đổi sử dụng từ khó thực hiện đến tuần hoàn rác nhựa 4. Tăng cung ứng số lượng và chất lượng phế thải nhựa có thể tái chế; 5. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục 

Để đạt được mục tiêu giảm thiểu rác thải nhựa đại dương và ảnh hưởng đến môi trường và con người ở cấp quốc gia, khu vực, toàn cầu, cũng như sự chuyển dịch từ nền kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn, cần có nỗ lực hơn nữa từ các bên liên quan để thành công trong công tác bảo vệ đại dương xanh, sạch và đẹp.

PV - NNCS

object