Bát nháo thị trường yến sào
Yến sào được mệnh danh là “vàng trắng” bởi giá cả cực kỳ đắt đỏ. Gần đây, một số người đổ xô tìm mua món ăn cao cấp này tẩm bổ sau khi mắc Covid-19 khiến thị trường yến sào loạn giá, không ít người đã mua phải yến sào giả, kém chất lượng.
Mắc bẫy vì ham của rẻ
Tổ yến là một trong những thực phẩm tự nhiên bổ dưỡng được lựa chọn để bồi bổ sức khỏe sau bệnh. Lợi dụng tính năng hữu hiệu của tổ yến cũng như nhu cầu bồi bổ yến sào tăng cao sau khi nhiều người nhiễm Covid-19, hiện xuất hiện nhiều thủ đoạn buôn bán yến giả, yến kém chất lượng ảnh hưởng tới sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng.
Từ trước tới giờ chị Trần Thiên Hương (Cầu Giấy, Hà Nội) chưa bao giờ dùng yến sào, nhưng sau khi cả gia đình bị mắc Covid-19, chị tìm mua loại thực phẩm “quý tộc” này ở một cửa hàng trên phố Phạm Ngọc Thạch, quận Đống Đa với giá gần 5 triệu đồng/100 gram. Nhưng mua xong chị vào mạng xã hội so sánh giá, cũng 100 gram, nơi thì rao 3,5 triệu đồng; nơi thì 2,8 triệu đồng.
Có nơi chỉ 600 ngàn đồng với lý do hàng tồn kho. Chị Hương cho biết: Có vài người bạn tôi đã mua phải yến sào giả với giá rẻ trên mạnh xã hội. Tuy nhiên, giá yến thật mỗi nơi mỗi khác cũng khiến người tiêu dùng khá băn khoăn.
Hiểu về loại thực phẩm này, anh Hoàng Xuân Dũng (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, thường mua yến sào với giá 4 triệu đồng/100 gram, nhưng khoảng 1 tháng trở lại đây anh phải mua với giá 5,5 triệu đồng/100 gram, mà không nhanh tay cũng không mua được hàng tốt.
“Hiện có rất nhiều loại yến sào như: dạng tổ, yến thô nguyên chân, yến bánh tròn, yến sợi nhỏ, yến “baby” - yến vụn... Khi chọn mua, tôi chỉ dựa vào kinh nghiệm chứ chưa thấy cơ quan, hay hiệp hội nào chứng nhận chất lượng của sản phẩm”, anh Dũng nói.
Không chỉ các cửa hàng yến sào nở rộ khắp nơi, trên mạng xã hội Facebook cũng tràn người bán yến. Thấy yến sào giá rẻ, chị Nguyễn Thanh Hà (quận Lê Chân, Hải Phòng) đặt mua 200 gram với giá 2 triệu đồng. Khoảng 1 tuần sau nhận được sản phẩm, khi chế biến, chị Hà mới tá hỏa vì mua phải yến giả.
“Khi đem ngâm nước tổ yến giả nở và nhão ra rất nhanh do được cấu tạo từ tinh bột. Ngoài ra, sản phẩm còn có mùi tanh của cá, mực khi ở trạng thái thô và khi chưng sôi thì không còn mùi tanh đặc trưng, mà thoảng mùi chất tẩy trắng. Thấy có dấu hiệu bất thường, tôi gọi lại số điện thoại của người bán thì đã thấy họ tắt máy”, chị Hà bức xúc nói.
Dễ nhận thấy qua mạng xã hội Facebook có rất nhiều trang giới thiệu sản phẩm yến sào. Mới đây còn có sản phẩm khá hút khách là yến tươi “baby” có giá siêu rẻ, chỉ từ 190.000 đồng đến 220.000 đồng/lạng/6 bì, kèm theo sản phẩm chưng yến được khuyến mại. Điều đáng nói là các sản phẩm yến tươi “baby” này không hề có nguồn gốc, nhãn mác.
Hay một trang bán yến chưng sẵn giới thiệu tỉ lệ 100% nguyên chất với giá 990.0000 đồng/hộp 6 lọ, loại yến chưng có tỉ lệ 25% giá 480.000 đồng/hộp 6 lọ, còn yến tỉ lệ 12% chỉ có giá 250.000 đồng/hộp 6 lọ.
Tại một shop bán hàng khác, giá yến chưng sẵn là 267.000 đồng/lốc 6 lọ, tức chỉ 44.500 đồng/lọ, yến nguyên chất 100% và nhiều chủng loại cho khách hàng lựa chọn. Thậm chí, có người bán còn đăng thông tin “xả” yến với giá chỉ 35.000 đồng/1 lọ với lời mời chào hấp dẫn. Nếu ham rẻ người tiêu dùng lập tức mắc bẫy.
Lỗ hổng quản lý
Dễ nhận thấy yến sào trên thị trường đang trong tình trạng “vàng thau lẫn lộn”. Đó là chưa kể yến đảo thiên nhiên hoặc yến nhà. Hiện nay yến đảo thiên nhiên chỉ có một số địa phương như Hội An, Quy Nhơn, Khánh Hòa, Côn Đảo, Phú Yên. Sản lượng khai thác hàng năm không đủ phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Vì thế đây là cơ hội cho những nhà sản xuất đội lốt móc túi người tiêu dùng.
Thực trạng này đặt ra vấn đề cần kiểm soát chất lượng yến sào đang bị bỏ ngỏ. Bởi tới nay, người tiêu dùng chỉ mua sản phẩm bằng niềm tin với người sản xuất, đặc biệt là việc mua sản phẩm yến trên các trang mạng.
“Mua bán trên môi trường mạng mà không được kiểm chứng thì tôi thấy ảnh hưởng rất nặng đến quyền lợi của người tiêu dùng. Vì vậy chúng tôi đề nghị cơ quan quản lý quan tâm hơn nữa, doanh nghiệp đừng vị lợi nhuận, tối đa hóa lợi nhuận mà lấy hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đem bán cho người tiêu dùng”, bà Tô Thị Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền lợi Người tiêu dùng tỉnh Phú Yên nói.
Giới chuyên gia cũng nhìn nhận, thị trường yến sào có thể nói rất loạn giá. Chưa kể, nhiều đại lý, người bán còn nhập khẩu yến sào giá rẻ từ nước ngoài rồi dùng chiêu trò yến độn yến: Đây là một trong những cách độn vô cùng tinh vi và phổ biến hiện nay. Yến ngoại nhập khẩu kém chất lượng được bán với giá rất rẻ, nhưng độn với yến Việt, giá các loại yến ngoại cũng có mức cao tương đương. Do đó, một số nhà buôn hám lợi sẽ mua về trộn cùng với yến Việt để kiếm lời… Người tiêu dùng cần hết sức cẩn trọng khi mua yến sào, tránh “tiền mất tật mang”.
Theo ông Phạm Duy Khiêm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Yến sào Việt Nam, Chủ tịch Hội Yến sào tỉnh Phú Yên, yến sào luôn là mặt hàng cao cấp được nhiều người ưa chuộng bởi sự bổ dưỡng quý giá. Đây cũng là mặt hàng dễ kinh doanh mang lại lợi nhuận cao trong thời điểm hiện nay.
“Chính vì vậy, người tiêu dùng hãy lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ, có đầy đủ thông tin về chứng nhận sản xuất, kinh doanh để tự bảo vệ sức khỏe cũng như quyền lợi chính đáng cho chính bản thân và gia đình”, ông Khiêm khuyến cáo.
Thị trường yến sào thật giả khó lường một phần vì giá trị cao nhưng hiện tổ yến thô vẫn được xem như mặt hàng nông sản thô, nên chưa có những quy định ràng buộc. Chỉ có hằng tháng theo định kỳ, cơ quan thú y địa phương đến lấy mẫu tổ yến, mẫu lông, trứng, phân yến để xét nghiệm kiểm tra dịch cúm H5N1. Với tổ yến đã sơ chế (làm sạch) thì yêu cầu của cơ sở chế biến phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định và cơ quan quản lý địa phương cũng kiểm tra, nếu đạt yêu cầu sẽ được cấp giấy chứng nhận về vệ sinh an toàn thực phẩm. Còn với yến lọ, yến chai thì đòi hỏi phải đăng ký chất lượng và nhà sản xuất phải đảm bảo đúng chất lượng đã đăng ký. Còn hàm lượng, xuất xứ tổ yến hầu như bỏ ngỏ.