Sunday, Jan 23, 04:01 PM

Ba kịch bản xuất khẩu đối với ngành dệt may năm 2023

Theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), kịch bản tốt nhất xảy ra là khi ngành dệt may vẫn có tốc độ tăng trưởng và kim ngạch xuất khẩu ổn định, khi đó toàn ngành có thể đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 4%-5% so với năm 2022.

Ba kịch bản xuất khẩu đối với ngành dệt may năm 2023
Ba kịch bản xuất khẩu đối với ngành dệt may năm 2023

Năm 2022 có thể được mô tả như một năm "đầu xuôi đuôi chưa lọt" đối với ngành dệt may. Bắt đầu hứng khởi đầu năm nhưng từ giai đoạn quý III/2022 trở đi, nhiều doanh nghiệp dệt may đã rơi vào trạng thái thiếu đơn hàng, thừa lao động.

Ngay từ đầu năm 2022, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã đưa ra các dự báo sớm về khó khăn sẽ tới trong nửa cuối năm, nhưng trước những tình huống khó lường của thị trường, các doanh nghiệp vẫn bị bất ngờ, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Vinatex chia sẻ.

"Từ tháng 8/2022, thị trường đã có dấu hiệu xấu đi và từ tháng 9, thị trường dệt may đã đổi chiều đi xuống. Trong những tháng đầu quý IV/2022, các doanh nghiệp rơi vào tình thế khó khăn khi thị trường sợi gần như không có thanh khoản, thị trường may cầu giảm mạnh, thông tin báo lỗ từ các đơn vị liên tục được đưa về, đặc biệt là các đơn vị sợi", Giám đốc Vinatex cho biết: "Điều này phần nào khiến kết quả hoạt động của một số đơn vị trong Tập đoàn chững lại".

Mặc dù vậy, đối với Vinatex, trong năm 2022, kết quả sản xuất kinh doanh của Tập đoàn vẫn tăng trưởng vượt kế hoạch.

Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Vinatex.
Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Vinatex.

"Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, Vinatex vẫn ghi nhận kết quả sản xuất kinh doanh năm 2022 ước đạt mức doanh thu hợp nhất là 19.535 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ, hoàn thành 108% kế hoạch. Về lợi nhuận hợp nhất, ước đạt 1.090 tỷ đồng, vượt 14,6% kế hoạch năm", Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Vinatex cho biết.

Nhận định về những khó khăn

Trước những kế hoạch chờ đợi ngành dệt may năm 2023, ông Cao Hữu Hiếu cho biết, ngay từ thời điểm đầu năm đã có thể thấy rõ những khó khăn của toàn ngành trong thời gian tới.

Thị trường dệt may toàn cầu, theo tất cả các kịch bản, đều có tỷ lệ tăng trưởng thấp hơn nhiều những năm qua. Dự báo tổng cầu dệt may thế giới năm 2022 khoảng 645 tỷ USD, bằng 90% năm 2021, tỷ lệ tăng trưởng năm 2023 dao động từ 2,5% (kịch bản suy thoái) đến 4% (kịch bản cơ sở).

Các thị trường xuất khẩu chính của dệt may Việt Nam đã có dấu hiệu suy giảm từ tháng 10/2022. Ông Hiếu dự báo, cầu dệt may ở các thị trường chính này trong năm 2023 tiếp tục suy giảm hoặc tăng trưởng thấp.

Đối với ngành sợi, từ quý IV/2022, bông bước vào mùa vụ mới với sản lượng tăng nhưng mức tiêu thụ giảm khiến giá bông giảm. Theo đó dự kiến dao động trong khoảng 2,1 - 2,3 USD/kg trong quý I/2023.

Nhu cầu sợi và giá bán vẫn ở mức thấp, sợi tồn kho nhiều làm tăng chi phí lưu kho, dòng vốn lưu động bị tắc nghẽn, đồng thời cũng tăng áp lực làm giảm giá bán sợi.

Trong khi đó tại ngành may, 3 tháng cuối năm thường vẫn thấp tải hơn do là thời điểm gối vụ giữa hàng thu đông và hàng xuân hè.

Tuy nhiên năm 2022 đặc biệt khó khăn, đa số các đơn vị ở tình trạng non tải từ 35% đến 50%, đơn hàng cũng cạnh tranh gay gắt về giá. Đối với năm 2023, dự báo ngành dệt may vẫn chịu áp lực giảm đơn hàng trung bình từ 25% - 27% do sức mua toàn cầu giám, đại diện Vinatex cho biết.

Ba kịch bản xuất khẩu đối với ngành dệt may

Từ thực tế các thị trường xuất khẩu chủ đạo của ngành dệt may, Vinatex đã đưa ra ba kịch bản chủ đạo cho năm 2023 gồm kịch bản xấu, kịch bản khả thi và kịch bản tốt nhất. Theo đó, ở kịch bản thứ nhất, Vinatex dự đoán trong điều kiện diễn biến xấu, kinh tế thế giới đi vào suy thoái, kim ngạch xuất khẩu của năm 2023 có thể còn thấp hơn năm 2022 khoảng 5%.

Đối với kịch bản khả thi, Tập đoàn cho biết, nếu đến quý III/2023 nhiều các yếu tố bất định về giảm lạm phát, lãi suất vẫn chưa đứng lại hay giảm xuống thì có khả năng kim ngạch xuất khẩu sẽ duy trì ngang với năm 2022.

Cuối cùng, kịch bản tốt nhất xảy ra khi đến hết quý II/2022, về cơ bản kinh tế thế giới về mặt vĩ mô ổn định, xung đột địa chính trị cũng kết thúc, qua đó ngành dệt may vẫn có tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu khoảng 4% - 5% so với năm 2022, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ổn định.

"Về diễn biến của thị trường, sẽ không có một kịch bản nào chung vì mỗi đơn vị đều có khách hàng, thị trường riêng. Tuy nhiên, Vinatex luôn sẵn sàng hỗ trợ, tạo điều kiện để các đơn vị cùng nhau vượt qua thời điểm khó khăn. Quan trọng là các doanh nghiệp chủ động nắm bắt thông tin, diễn biến của thị trường để linh hoạt vận hành hoạt động sản xuất kinh doanh đảm bảo thích ứng với điều kiện mới", ông Hiếu nói.

Linh Trang
Theo daidoanket.vn http://daidoanket.vn/ba-kich-ban-xuat-khau-doi-voi-nganh-det-may-nam-2023-5707650.html Copylink