Saturday, Mar 22, 10:03 AM

Cơ hội cho gạo Việt vào thị trường châu Âu

Căng thẳng Nga – Ukraine tác động đến nhiều ngành kinh tế trên toàn cầu. Thế nhưng, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, nông sản Việt nên tận dụng thời điểm này để đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt là mặt hàng gạo.

Cơ hội cho gạo Việt vào thị trường châu Âu
Cơ hội cho gạo Việt vào thị trường châu Âu
co-hoi-cho-gao-viet-v224o-thi-truong-ch226u-194u_1.jpeg
Một số loại gạo ngon của Việt Nam đã xuất khẩu sang các thị trường khó tính.

Ngày 11/3, Câu lạc bộ Doanh nghiệp phối hợp với Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức tọa đàm “Doanh nghiệp Việt trước tác động của cuộc chiến Nga – Ukraine”. Tại đây, đại diện Công ty Duy Anh – chuyên xuất khẩu nông sản thông tin, đơn vị này có 4 khách ở Nga, 1 khách ở Ukraine. Thời điểm bắt đầu xảy ra chiến tranh, doanh nghiệp (DN) có vài container hàng hóa đã chuẩn bị xong và gần đến ngày xuất nhưng đành phải lưu kho. Cuối cùng, DN phải chuyển lượng hàng này sang Đông Âu. Lượng xuất khẩu nông sản vào thị trường Nga và Ukraine không nhiều, chỉ khoảng 10%. Tuy nhiên, DN cũng mong căng thẳng giữa Nga và Ukraine sớm kết thúc để hàng hóa xuất khẩu được thuận lợi hơn.

Nhiều chuyên gia cho biết, xung đột này ảnh hưởng đến nhiều ngành, song trong nguy có cơ. DN cần bình tĩnh tìm hướng đi thuận lợi nhất cho hàng hóa xuất khẩu. TS. Trần Quốc Hùng – chuyên gia tài chính quốc tế phân tích, Nga là nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, Ukraine đứng thứ 5. Hai nước cộng lại cung cấp hơn 30% cho thị trường lúa mì thế giới. Tuy nhiên, thời gian qua, chiến tranh và cấm vận đã làm giá lúa mì tăng 50% trong tháng qua. Đồng thời, cũng đẩy giá các loại ngũ cốc và nông phẩm khác tăng lên. Nếu tình căng thẳng hai bên kéo dài, mức cung lúa mì cho thị trường thế giới có thể giảm 30%. Điều này vô tình tạo ra khủng hoảng lương thực, giá nông phẩm tăng cao thêm. Đây chính là cơ hội cho DN Việt vì Việt Nam xuất khẩu gạo trên 6,5 triệu tấn/năm, đứng thứ hai trên thế giới sau Ấn Độ (xuất 18,7 triệu tấn/năm).

Cũng theo ông Hùng, thời điểm này là cơ hội rất tốt để Việt Nam có thể tăng cường xuất khẩu gạo và các loại nông phẩm lương thực sang thị trường EU. Lý do, thị trường này có nhu cầu lương thực đang tăng, mỗi năm nhập khoảng 160 tỷ USD lương thực. Việc ngưng nguồn cung hàng hoá từ Nga nên EU đang cần có nguồn cung cấp ngũ cốc và nông phẩm thay thế. Việt Nam nên tập trung nâng cao thị phần của mình tại thị trường EU. Trước mắt là sử dụng hết hạn ngạch xuất lúa gạo 80.000 tấn/ năm với suất thuế quan 0% theo Hiệp định Tự do thương mại EU - VN (EVFTA). Năm 2021, Việt Nam chỉ mới xuất 60.000 tấn/năm. Theo hạn ngạch, Việt Nam còn 20.000 tấn/năm. Đặc biệt nên phát triển các loại gạo thơm cấp cao, nhiều giá trị đang được người tiêu dùng châu Âu ưa chuộng.

Trước cơ hội của nông sản Việt, nhiều DN mong muốn đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu gạo. Về vấn đề này, bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội Hàng Việt Nam chất lượng đánh giá, quota vào thị EU theo EVFTA là 80.000 tấn/năm, Việt Nam mới xuất được 60.000 tấn, còn 20.000 tấn chưa sử dụng hết. Giờ muốn tận dụng hết hạn ngạch xuất khẩu gạo cũng không đơn giản. “Xuất khẩu vào thị trường EU đòi hỏi sản phẩm phải đạt chất lượng cao, đây là thị trường xuất khẩu khó tính. EU có nhiều quy định về chất lượng sản phẩm nhập khẩu, không riêng gì gạo” – bà Hạnh nói. Đồng quan điểm này, ông Hùng cũng khuyến cáo, muốn tăng lượng gạo xuất khẩu vào thị trường EU sản phẩm phải thật sự cạnh tranh. Theo đó, DN phải nâng cấp chất lượng gạo nói riêng và nông sản nói chung. Dù sao đi nữa thì đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cũng tốt hơn. Về vấn đề này, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho rằng, bên cạnh lợi thế của EVFTA, DN phải tự nâng cao chất lượng của hạt gạo Việt Nam, đồng thời thay đổi cách tiếp cận thị trường để có thể mở rộng thị phần được nhiều hơn.

thanh-giang
Theo daidoanket.vn http://daidoanket.vn/co-hoi-cho-gao-viet-vao-thi-truong-chau-au-5681591.html Copylink