Saturday, Jun 22, 02:06 PM

Giá cả 'tát nước theo xăng'

Xăng dầu liên tục tăng giá đẩy giá hàng hóa bán lẻ trên thị trường gia tăng. Nhiều chuyên gia kinh tế và cơ quan quản lý cho rằng, cần kiểm soát giá, tránh tình trạng tăng giá quá cao tạo áp lực lạm phát nền kinh tế.

Giá cả 'tát nước theo xăng'
Giá cả 'tát nước theo xăng'
gi225-ca-39t225t-nuoc-theo-xang39_1.jpg
Nhiều mặt hàng tăng giá trước áp lực của giá xăng dầu.

Nhiều mặt hàng tiêu dùng tăng giá

“Tôi bán trứng hơn 20 năm nhưng có lẽ chưa bao giờ giá trứng tăng cao như hiện nay. Tôi còn nhớ, có những thời điểm giá trứng gà chỉ khoảng mười mấy ngàn đồng/chục”- ông Tuấn, tiểu thương chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh, TPHCM) cho hay. Theo ông, trước đây, giá trứng gia cầm chỉ khoảng hơn 20.000 đồng/chục nhưng giờ lên đến 32.000 đồng/chục trứng gà; trứng vịt cũng lên đến mức 38.000 – 39.000 đồng/chục. Do giá trứng gia cầm tăng cao nên sức mua trên thị trường cũng chậm hẳn. Tại các chợ truyền thống khác trên địa bàn thành phố giá trứng gia cầm dao động từ 35.000 – 45.000 đồng/chục, tùy thuộc vào cỡ và loại trứng. Ghi nhận tại các siêu thị, giá trứng gia cầm đứng ở mức cao. Cụ thể, trứng gà Ba Huân loại 1 có giá 33.000 đồng/chục, trứng gà sạch TAFA có giá 32.500 đồng/chục. “Chưa khi nào mà tôi mua trứng gia cầm cao như hiện nay. Giá trứng gần như tăng gấp đôi. Giờ cái gì cũng tăng giá, sợ thật? Đi chợ nhanh, không mua được bao nhiêu mà hết mất trăm ngàn”- bà Phan Thị Như (quận Bình Thạnh) than thở.

Nói về nguyên nhân khiến giá trứng tăng cao, hầu hết tiểu thương các chợ truyền thống và một số doanh nghiệp khẳng định, giá vận chuyển tăng nên tiểu thương buộc phải tăng giá sản phẩm. Chưa kể, nguồn cung dự báo sẽ không dồi dào như trước đây vì giá cám tăng cao, nông dân buộc phải “treo” chuồng trại. Ông Nguyễn Trần Phú – Phó Giám đốc Sở Tài chính TPHCM nhận định, từ đầu năm đến nay đã có nhiều đợt tăng giá mặt hàng thức ăn chăn nuôi do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Đặc biệt tăng mạnh trong năm 2022 vì nguồn cung hạn chế do căng thẳng giữa Nga – Ukraine làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.

Không chỉ mặt hàng trứng gia cầm, giá dầu ăn đã tăng ở mức kỷ lục. So với cùng kỳ năm ngoái, mỗi lít dầu ăn tăng lên khoảng 15.000 đồng. Theo ghi nhận, năm 2021, giá một lít dầu ăn chỉ khoảng 32.000 đồng, thế nhưng hiện nay dầu ăn đang ở mức 45.000 – 48.000 đồng/lít. Một số loại dầu ăn khác còn ở mức trên 50.000 đồng/lít. Trước đó, Sở Tài chính TPHCM cho hay, qua kiểm tra, thông báo giá của một số nhà cung cấp từ ngày 1/4, đối với mặt hàng dầu ăn Nakydaco sẽ tăng giá từ 42.120 đồng/lít lên thành 48.600 đồng/lít, dầu Happi Koki điều chỉnh từ 47.304 đồng/lít lên 54.864 đồng/lít. Ông Nguyễn Trần Phú, thông tin thêm, đối chiếu với giá thị trường của một số mặt hàng dầu ăn như Cái Lân mức dao động tăng từ 43.000 đồng/lít đến hơn 50.000 đồng/lít, dầu ăn Happi Koki dao động từ 47.500 đồng/lít đến 50.900 đồng/lít.

gi225-ca-39t225t-nuoc-theo-xang39_2.jpg
Dầu ăn là một trong những mặt hàng lên giá.

Kiểm soát giá, tăng sức mua

Ngoài mặt hàng trứng gia cầm, dầu ăn,... mì gói, rau xanh và một số mặt hàng thực phẩm tươi sống khác cũng “té nước theo mưa”. Ghi nhận của phóng viên, do giá cả nhiều mặt hàng tăng giá quá cao nên người tiêu dùng thực hiện chiến lược “thắt lưng buộc bụng”, vì vậy sức mua trên thị trường chậm hẳn. “Trước đây, một ngày bán nửa khoảng 50 kg thịt bò, giờ một ngày tôi không bán nổi phân nửa số đó. Người tiêu dùng đang giảm một nửa lượng tiêu thụ, đồng thời chọn những mặt hàng giá rẻ hơn để mua”- bà Lê Thị Phương, tiểu thương chợ Tăng Nhơn Phú (TP Thủ Đức) than thở. Tương tự, ở các kênh bán lẻ hiện đại, sức mua giảm đáng kể so với trước đây.

Ông Nguyễn Anh Đức – Tổng Giám đốc Saigon Co.op dự báo, dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế trong thời gian tới, do đó Saigon Co.op tập trung nguồn lực để cách tân nội tại ở tất cả các hoạt động vận hành. Đây là mục tiêu quan trọng để tạo nền tảng tăng tốc trong năm 2022 và các năm tiếp theo. Trong năm 2022, về doanh số, Saigon Co.op phấn đấu tăng trưởng 4,5% so cùng kỳ; đóng cửa hoặc chuyển đổi mô hình các điểm bán hoạt động không hiệu quả.

Theo đại diện lãnh đạo Sở Công thương, trong tháng 6, cùng với ngành Công thương, các sở ngành liên quan cần bổ sung vào nhiệm vụ trọng tâm tổ chức chương trình khuyến mãi, tập trung mùa mua sắm trong dịp hè 2022 để kích cầu tiêu dùng. Dự kiến với sự tập trung và vào cuộc của các trung tâm thương mại thì sức mua, doanh thu buôn bán lẻ sẽ đem lại mức tăng ít nhất 10.000 tỷ đồng cho thành phố. “Cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá. Những doanh nghiệp này đã góp phần lớn vào việc kìm giá sản phẩm trên thị trường. Bên cạnh đó, thời gian tới thành phố cũng tăng cường kiểm soát giá hiệu quả hơn”- ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết.

Còn theo TS Trần Hoàng Ngân, xăng dầu tăng giá làm cho nhiều mặt hàng tiêu dùng khác tăng cao. Nếu không có giải pháp hữu hiệu, nguy cơ lạm phát là khó tránh khỏi. Để giảm áp lực lạm phát, cần sớm triển khai giảm thuế, phí,... hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ thị trường. Việc này cần triển khai nhanh tránh bệnh nặng phải dùng thuốc liều cao.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, sức mua trên thị trường có cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp vì giá hàng hóa liên tục tăng cao trước áp lực giá xăng dầu. Mặc dù thành phố kiểm soát giá tốt song vẫn không tránh khỏi nguy cơ lạm phát. Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công thương TPHCM nhận định, tốc độ bán lẻ hàng hóa đang tăng trưởng tương đối, tuy nhiên sức mua của người dân và doanh nghiệp vẫn ở mức thấp, chưa bằng giai đoạn trước. Nếu tháng 5/2019, tổng doanh thu 3 chợ đầu mối (Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức) khoảng 263.000 tỷ đồng thì 5 tháng đầu năm 2022 mới khoảng 214.000 tỷ đồng.

thanh-giang
Theo daidoanket.vn http://daidoanket.vn/gia-ca-tat-nuoc-theo-xang-5688024.html Copylink