Monday, Sep 22, 06:09 AM

Giữ ổn định nguồn cung xăng, dầu

Nhiều khả năng hôm nay (5/9) Liên bộ Tài chính – Công thương sẽ có quyết định điều chỉnh giá xăng, dầu. Giai đoạn này, doanh nghiệp nhập khẩu và kinh doanh xăng, dầu khá lo lắng về nguồn cung. Thậm chí, một số cây xăng đã tạm dừng kinh doanh mà không rõ lý do cho dù Bộ Công Thương khẳng định, nguồn cung không thiếu.

Giữ ổn định nguồn cung xăng, dầu
Giữ ổn định nguồn cung xăng, dầu
giu-on-dinh-nguon-cung-xang-dau_1.jpg
Giá xăng, dầu tăng hay giảm đều tác động trực tiếp đến mặt bằng giá cả. Ảnh: Quang Vinh.

Doanh nghiệp lo ngại về nguồn cung

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vừa có văn bản gửi liên Bộ Công thương - Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp về một số giải pháp để giữ ổn định nguồn cung xăng dầu. Petrolimex cho biết, giá thành phẩm các mặt hàng xăng dầu hiện nay diễn biến hết sức phức tạp. Giá có mức tăng hoặc giảm bất thường với biên độ rất lớn và chịu sự chi phối mạnh mẽ bởi các yếu tố về địa chính trị, dự báo về suy thoái kinh tế toàn cầu, căng thẳng nguồn cung khí đốt khu vực EU...

Cũng theo Petrolimex, hiện sản lượng tiêu thụ xăng, dầu tăng mạnh, nhất là kênh bán lẻ trực tiếp khiến việc tạo nguồn của doanh nghiệp gặp khó. Bình quân mỗi ngày bán ra khoảng 17.000 m3 trên kênh bán lẻ trực tiếp, nhưng gần đây tăng lên trên 21.000 m3, riêng ngày 31/8 ghi nhận 27.000 m3, tăng 60% so với ngày thường.

“Sản lượng tiêu thụ tăng đột biến gây áp lực lớn trong tạo nguồn do hàng tồn kho sụt giảm rất nhanh, trong khi mua hàng không thể bù đắp ngay lập tức cho thiếu hụt” – Petrolimex cho hay. Nhà bán lẻ xăng dầu lớn nhất nước bày tỏ lo ngại, nguy cơ thiếu nguồn hàng cục bộ nếu việc kiểm soát tồn kho, vận chuyển, nhất là tại các địa bàn xa kho xăng dầu đầu mối, không được phối hợp vận hành chặt chẽ.

Trong khi đó, các yếu tố cấu thành trong giá cơ sở như chi phí đưa xăng dầu về đến cảng (premium) và chi phí vận tải tạo nguồn trong nước chưa được tính đủ từ kỳ điều hành giá ngày 11/7 đến nay. Việc này đã gây khó khăn rất lớn về nguồn lực tài chính của các thương nhân đầu mối để chia sẻ thù lao, chiết khấu với đại lý. Ngoài ra kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp đầu mối phát sinh lỗ lớn, nên nguồn lực để chia sẻ cho các thương nhân nhượng quyền, đại lý hoặc thương nhân phân phối không đủ bù đắp các chi phí phát sinh, nhất là trong tháng 7 và 8 khi giá xăng dầu thế giới giảm sâu.

Trong bối cảnh thị trường tiềm ẩn rủi ro, nguy cơ đứt nguồn cục bộ, Petrolimex đề nghị liên bộ cần kịp thời điều chỉnh chi phí premium và chi phí vận tải - vốn là các yếu tố cấu thành trong giá cơ sở nhưng chưa được điều chỉnh tại kỳ điều hành giá 11/7, và bổ sung ngay vào kỳ điều hành 12/9 tới. Việc này nhằm giảm bớt khó khăn cho các thương nhân đầu mối.

Mặc dù tổng nguồn cung xăng dầu trong nước vẫn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, nhưng việc giá dầu trên thế giới bắt đầu tăng trở lại kể từ giữa tháng 8 đang làm dấy lên lo ngại rằng, giá xăng dầu nội địa sẽ tăng nhẹ trong kỳ điều chỉnh lần này (dự kiến vào ngày 5/9) của liên Bộ Công thương - Tài chính khiến nhiều người dân đổ xô đi mua xăng.

Điều tiết cung - cầu cần mạnh hơn

Trên thực tế, giá xăng nhập khẩu cũng đang cao hơn giá bán trong nước khoảng 400-600 đồng/lít, trong khi giá dầu diesel đắt hơn khoảng 2.000 đồng/lít. Trong bối cảnh đó, người tiêu dùng có thể sớm quay trở lại với áp lực giá cả hàng hóa gia tăng khi chi phí sản xuất và vận tải được điều chỉnh theo xu hướng tăng của giá xăng dầu. Từ đây dấy lên các lo ngại về an ninh năng lượng.

Chuyên gia thị trường Vũ Vĩnh Phú nhận định, xăng dầu là mặt hàng chiến lược đầu vào của sản xuất, giá xăng dầu là một chuyện nhưng quan trọng hơn là phải đảm bảo được nguồn cung xăng dầu không bị gián đoạn. Chỉ cần 1 cây xăng đóng cửa vì lý do hết hàng sẽ tạo tâm lý hoang mang cho dư luận.

Còn theo ông Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, là huyết mạch của nền kinh tế, sử dụng cho hầu hết các ngành sản xuất, đồng thời cũng sử dụng trong tiêu dùng. Do vậy, các quốc gia đều dự trữ xăng dầu. Ông Lâm cho biết, hồi đầu tháng 4, ngành Công thương đã xây dựng đề án trình Chính phủ về nâng mức dự trữ xăng dầu lên một tháng từ nay tới năm 2025. Hiện nay mức dự trữ xăng dầu quốc gia chỉ đáp ứng 5-7 ngày.

Khẳng định nguồn cung xăng dầu không thiếu, đặc biệt trong thời gian tới cần ổn định thông tin, phục vụ nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu Vụ Thị trường trong nước, Cục Xuất nhập khẩu, Tổng cục Quản lý thị trường và cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố sớm chấn chỉnh các hoạt động của thị trường xăng dầu trong phạm vi và thẩm quyền trách nhiệm của mình. Chú trọng triển khai ngay các lực lượng thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các đơn vị kinh doanh xăng dầu, nhất là giám sát các hoạt động của thương nhân phân phối và cửa hàng bán lẻ trên phạm vi cả nước. Nếu phát hiện sai phạm như: dừng hoạt động kinh doanh không có lý do chính đáng; bán hạn chế về số lượng và thời gian trong ngày và các sai phạm khác thì căn cứ theo quy định của pháp luật sẽ tiến hành xử lý và đề xuất xử lý kiên quyết, đúng luật, công khai trên cái phương tiện thông tin đại chúng. 

Giới chuyên gia cho rằng, mặc dù Bộ Công thương khẳng định nguồn hàng xăng dầu đáp ứng đủ nhu cầu thị trường, nhưng việc các cây xăng có hiện tượng găm hàng, bán hàng nhỏ giọt trong thời gian qua là có thật. Do vậy, ngoài việc điều hành giá, Bộ Công thương cần phải làm mạnh hơn việc điều tiết cung - cầu thị trường.

H.Hương - Y.Thanh
Theo daidoanket.vn http://daidoanket.vn/giu-on-dinh-nguon-cung-xang-dau-5695673.html Copylink