Saturday, Nov 22, 08:11 AM

Hàng Việt đứng vững trên sàn thương mại điện tử

“Hiện Việt Nam đang là top 10 nước có doanh số bán lẻ tăng trưởng trong năm 2022. Hàng hóa “made in Vietnam” xuyên biên giới cùng Amazon phát triển khá tốt. 10 triệu sản phẩm Việt bán tại các cửa hàng trực tuyến trên Amazon” – chia sẻ của ông Gijae Seong - Giám đốc điều hàng Amazon Global Selling Việt Nam về những con số khá ấn tượng.

Hàng Việt đứng vững trên sàn thương mại điện tử
Hàng Việt đứng vững trên sàn thương mại điện tử
h224ng-viet-dung-vung-tr234n-s224n-thuong-mai-dien-tu_1.jpg
Thực phẩm và đồ uống của Việt Nam có những thành công trong xuất khẩu thương mại điện tử.

Tăng doanh thu, mở rộng thị trường

Vài năm gần đây, thương mại điện tử phát triển mạnh giúp cho hoạt động kinh doanh của các nước không bị giới hạn về ranh giới. Thực tế cho thấy khá nhiều doanh nghiệp Việt thành công khi đưa sản phẩm vào thị trường các nước thông qua sàn thương mại quốc tế như Amazon, JD.com, Alibaba, Shopee Global….

Ông Lê Tùng – Giám đốc chiến lược, Giám đốc Marketing Tập đoàn Sunhouse cho biết: “Nếu doanh nghiệp đơn phương tìm hiểu về một thị trường thì sẽ mất đến vài năm. Tuy nhiên, nếu bắt tay với những nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới, con đường ra quốc tế sẽ được rút ngắn đáng kể”. Theo ông Tùng, chọn lựa hợp tác với Amazon, được ví như có được “tấm hộ chiếu thông hành”, giúp tập đoàn này tiếp cận khách hàng quốc tế trực tiếp, không cần trung gian xuất khẩu hay trung gian bán lẻ. Riêng tại thị trường Bắc Mỹ, doanh số của đơn vị này tăng trưởng trung bình 160 – 200% mỗi tháng, trong đó có các sản phẩm thường xuyên “cháy hàng”. Với tiềm năng hiện có, tập đoàn tiếp tục đặt mục tiêu mở rộng danh mục sản phẩm trên sàn thương mại điện tử.

Nói về hoạt động xuất khẩu thương mại điện tử, ông Nguyễn Lê Thăng Long – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn An Phát Holdings chia sẻ, chỉ trong 1 năm phát triển thương mại điện tử, An Phát Holdings đã nhanh chóng gặt hái được quả ngọt khi chứng kiến những thay đổi rõ rệt trong hoạt động kinh doanh của AnEco. Doanh số 7 tháng đầu năm 2022 gấp 5 lần doanh số năm đầu tiên mở bán 2021, và dự kiến đến hết 2022 sẽ gấp từ 15-20 lần năm 2021. Thông qua thương mại điện tử, AnEco có thể tiếp cận với hơn 300 triệu khách hàng toàn cầu và nhận được những phản hồi trực tiếp, khách quan để có cơ sở nâng cao chất lượng sản phẩm, củng cố thương hiệu cũng như nghiên cứu mở rộng thị trường.

Theo các chuyên gia, việc tận dụng được các thị trường thương mại điện tử, đã mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận thị trường. Đặc biệt len vào các thị trường khó tính, nơi tồn tại rất nhiều rào cản và tốn nhiều chi phí nếu giao thương theo cách truyền thống.

Việt Nam - thị trường xuất khẩu thương mại điện tử lớn

Về xu hướng thương mại điện tử hiện nay ông Gijae Seong nhận định thương mại điện tử toàn cầu đang tăng trưởng nhanh. Vị này khẳng định, ở khu vực Đông Nam Á, tốc độ tăng trưởng doanh số bán hàng trực tuyến cũng phát triển nhanh nhất trên quy mô toàn cầu. Riêng Việt Nam, thương mại điện tử cũng được đánh giá cao. Trong đó, giai đoạn 2021 – 2026, thương mại điện tử bán lẻ (B2C) tại Việt Nam dự kiến tăng trưởng khoảng 20% mỗi năm.

“Hiện Việt Nam đang là top 10 nước có doanh số bán lẻ tăng trưởng trong năm 2022. Hàng hóa “made in Vietnam” xuyên biên giới cùng Amazon phát triển khá tốt. 10 triệu sản phẩm Việt bán tại các cửa hàng trực tuyến trên Amazon” - ông Gijae Seong đánh giá. Theo ông Gijae Seong, một số nhóm mặt hàng của Việt Nam được người tiêu dùng lựa chọn nhiều trên thương mại điện tử là dụng cụ nhà bếp, gia dụng, dệt may, sức khỏe, tiện ích gia đình...

Ông Phạm Minh Long - chuyên gia Sàn thương mại điện tử Shopee International cũng cho biết, Shopee hiện đang triển khai Chương trình “Xuất khẩu B2C (doanh nghiệp tới người tiêu dùng) cho doanh nghiệp sản xuất địa phương qua nền tảng Shopee International Platform”. Nền tảng xuất khẩu này cho phép doanh nghiệp mở rộng hoạt động kinh doanh ở các thị trường quốc tế một cách thuận tiện và dễ dàng. Tính đến tháng 8/2022, chương trình đã có hơn 300.000 người bán từ Việt Nam với hơn 9 triệu sản phẩm đủ điều kiện xuất khẩu. Việt Nam trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ hai trên nền tảng Shopee quốc tế.

Tương tự 2 sàn nêu trên, nhiều doanh nghiệp cũng có những thành công bước đầu khi tham gia thị trường tiêu dùng các nước thông qua Alibaba.com. Theo đại diện Alibaba.com, điểm mạnh của các nhà bán hàng Việt Nam là năng lực sản xuất lớn, sản phẩm đa dạng, giá cả cạnh tranh. Một số ngành hàng của Việt Nam đã có mức tăng trưởng ấn tượng, trong đó nổi bật nhất là ngành thực phẩm và đồ uống.

Nhìn nhận chung về thị trường thương mại điện tử, ông Nguyễn Ngọc Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam từng cho rằng, đại dịch Covid-19 làm tiến độ phát triển ứng dụng cho thương mại điện tử từ người bán đến người mua rút ngắn lại 1 - 2 năm so với kế hoạch đến năm 2025. Theo ông Dũng, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử trong các năm gần đây khoảng 30 - 35%/năm. Sau đại dịch bức tranh thương mại điện tử hoàn toàn thay đổi.

Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2022 do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) công bố, dự báo đến năm 2025 Việt Nam sẽ đạt mức 39 tỷ USD, đứng thứ 2 về tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử trong khu vực Đông Nam Á. Cũng theo Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2022, dự báo quy mô thị trường B2C của Việt Nam năm 2022 sẽ đạt 16,4 tỷ USD.

Thanh Giang
Theo daidoanket.vn http://daidoanket.vn/hang-viet-dung-vung-tren-san-thuong-mai-dien-tu-5701828.html Copylink