Saturday, Apr 23, 07:04 AM

Hàng Việt tiến vào thị trường châu Mỹ

Trao đổi thương mại giữa Việt Nam và châu Mỹ tiếp tục khởi sắc, bất chấp những biến động kinh tế phức tạp. Các hiệp định thương mại tự do cũng đang được các doanh nghiệp tận dụng tốt, tăng trưởng ở hầu hết các thị trường lớn. Thông tin từ Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương) cho biết, bên cạnh Hoa Kỳ, hiện xuất khẩu hàng hóa sang 4 thị trường khu vực châu Mỹ (gồm Canada, Mexico, Peru, Chile) tăng trưởng mạnh mẽ.

Hàng Việt tiến vào thị trường châu Mỹ
Hàng Việt tiến vào thị trường châu Mỹ
h224ng-viet-tien-v224o-thi-truong-ch226u-my_1.jpg
Các hiệp định thương mại tự do mở ra nhiều cơ hội để hàng Việt vươn ra thế giới, trong đó có thị trường châu Mỹ. Ảnh: Quang Vinh.

Bà Trần Thị Thanh Tâm - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, việc Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) là cơ hội lớn để xuất khẩu hàng Việt đến nhiều thị trường lớn trên thế giới, trong đó có thị trường các nước châu Mỹ.

Sự tăng trưởng tích cực

Thông tin từ Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương) cho biết, đầu năm 2023, DN đang tiếp tục được hưởng lợi từ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Cùng với thị trường Hoa Kỳ, xuất khẩu sang 4 thị trường khu vực châu Mỹ theo CPTPP (gồm Canada, Mexico, Peru, Chile) đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ.

Theo số liệu của Bộ Công thương, trong tháng 1/2023, Việt Nam xuất khẩu sang khu vực châu Mỹ đạt 8,21 tỷ USD và nhập khẩu 1,642 tỷ USD. Như vậy, trong tháng đầu năm 2023, thặng dư thương mại với thị trường này đạt khoảng 6,56 tỷ USD.

Mới đây nhất, tháng 3/2023, tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, bà Trần Thu Quỳnh- Tham tán thương mại Việt Nam tại Canada cho biết, trong bối cảnh thị trường thế giới tương đối ảm đạm, Canada vẫn là điểm sáng nhờ triển vọng thị trường khá khả quan. Xuất khẩu của Việt Nam sang Canada vẫn tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm 10 mặt hàng chủ chốt của Việt Nam sang Canada giữ tốc độ tăng trưởng cao, trừ mặt hàng thuỷ sản giảm 26%, da giày ghi nhận tăng trưởng tới 122% so với cùng kỳ năm 2022. Các mặt hàng nông sản cũng có tốc độ tăng trưởng tốt ở cả nhóm rau củ quả, gia vị và gạo. Gỗ nội thất cũng có xu hướng phục hồi so với năm 2022.

Có thể thấy, nhờ vào lợi thế ưu đãi thuế quan từ hiệp định CPTPP đã đem lại nhiều dư địa cho DN Việt Nam khai thác xuất khẩu sang các thị trường mới này. Số liệu của Bộ Công thương cho thấy, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các thị trường khu vực châu Mỹ trong năm 2022 ghi nhận mức tăng trưởng rất tích cực khi đạt 153,9 tỷ USD, tăng 10,7% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt 128,2 tỷ USD, tăng 12,4%; nhập khẩu đạt 25,7 tỷ USD, tăng 3%. Trong đó, trao đổi thương mại với tất cả các thị trường lớn tại khu vực đều ghi nhận tăng trưởng, như Hoa Kỳ (11%), Brazil (6,6%), Canada (16,5%), Mexico (7,1%), Chile (9%), Argentina (8,3%)…

h224ng-viet-tien-v224o-thi-truong-ch226u-my_2.jpg
Cá tra, mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam được thị trường châu Mỹ đón nhận. Ảnh: Quang Vinh.

Động lực thúc đẩy phát triển chuỗi sản xuất

Mặc dù xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường ở khu vực châu Mỹ có những bước tăng trưởng tốt, song các chuyên gia cho rằng đóng góp của khu vực DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong tổng trị giá xuất khẩu vẫn là chủ yếu. Trong khi đó, hàm lượng chế biến trong các sản phẩm xuất khẩu của khu vực công nghiệp nội địa Việt Nam sang châu Mỹ chưa cao, chủ yếu là xuất khẩu sản phẩm thô, sản phẩm đông lạnh... dẫn tới giá trị gia tăng của sản phẩm chưa cao.

Hơn nữa, khó khăn và trở ngại khi tiếp cận thị trường châu Mỹ là địa lý bởi đây là khu vực có vị trí địa lý cách xa, khiến gia tăng chi phí và thời gian vận chuyển. Bên cạnh đó, DN còn gặp phải những thách thức về mặt tiêu chuẩn thị trường, đặc biệt là đối với các thị trường Bắc Mỹ.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập của VCCI, CPTPP là FTA thế hệ mới tiêu chuẩn cao đầu tiên Việt Nam thực hiện với mức độ tự do hóa, mức độ các nước thành viên trong CPTPP cam kết mở cửa thị trường hàng hóa dành cho nhau cao nhất trong số các hiệp định đã có trước đó. CPTPP là trợ lực giúp hàng hóa của Việt Nam vào thị trường châu Mỹ. Kết quả xuất khẩu sang 4 thị trường châu Mỹ trong khối CPTPP cho thấy rõ điều này. Các FTA, trong đó có CPTPP, sẽ tiếp tục mở ra những lợi thế về ưu đãi thuế quan, tạo động lực thu hút đầu tư để tăng năng lực sản xuất, từ đó giúp các DN xuất khẩu trở nên chuyên nghiệp hơn.

Bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam phân tích, CPTPP đã mang lại 3 điểm thay đổi rất lớn đối với ngành da giày.

Đầu tiên, đó là tăng trưởng xuất khẩu. Trước đây, khối DN ở các nước trong khối CPTPP chỉ chiếm dưới 10% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành. Đến nay, đã chiếm hơn 14%. Thứ hai, hiệp định CPTPP yêu cầu đáp ứng quy tắc xuất xứ. Điều này là động lực thúc đẩy phát triển các nguồn nguyên phụ liệu trong nước, chuỗi sản xuất. Đặc biệt, chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu đã được đầu tư nhiều hơn tại Việt Nam trong thời gian qua. Thứ ba, quá trình đáp ứng các yêu cầu của CPTPP, năng lực nội tại của các DN cũng đã được nâng lên rất nhiều. Cụ thể, hoạt động về thủ tục xuất nhập khẩu, đáp ứng tiêu chí của thị trường, yêu cầu của thị trường xuất khẩu, đã giúp DN thay đổi, đầu tư phát triển trong giai đoạn vừa qua.

Tận dụng hơn nữa các hiệp định thương mại tự do

Mặc dù xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường CPTPP ở khu vực châu Mỹ có những bước tăng trưởng rất tốt trong thời gian vừa qua song dư địa và tiềm năng của thị trường để khai thác vẫn còn lớn.

Đại diện Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương) cho rằng, các DN có thể nghiên cứu về việc tận dụng CPTPP để thâm nhập các khu vực thị trường khác. Ví dụ như Canada, Mexico, là cửa ngõ để thâm nhập vào thị trường Bắc Mỹ. Các DN có thể xem xét, hợp tác sản xuất kinh doanh, xuất khẩu nguyên phụ liệu sang Mexico, sau đó cùng hợp tác sản xuất và hoàn thiện sản phẩm, từ đó tiếp tục xuất khẩu sang một nước khác mà Mexico có FTA. Với điều kiện chúng ta đáp ứng được quy tắc về mặt xuất xứ của các FTA đó thì sẽ có thể tận dụng được các ưu đãi thuế quan với nước thứ 3.

Đối với Chile, một nước có nền kinh tế có độ mở cao và Peru cũng như vậy. Thông qua Chile và Peru, chúng ta có thể tận dụng để thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường các nước Nam Mỹ khác bởi Chile có FTA với khối thị trường chung Nam Mỹ. Bên cạnh đó DN cũng có thể xem xét thúc đẩy hợp tác với các hệ thống phân phối, chuỗi siêu thị tại khu vực.

Để nâng cao hiệu quả xuất nhập khẩu trong thời gian tới, bên cạnh việc giữ vững các thị trường truyền thống, Bộ Công thương khuyến cáo DN cần nỗ lực tối đa để phát triển thị trường mới, mặt hàng mới như các thị trường Tây Á, Nam Á, châu Phi, Mỹ La tinh để hàng Việt Nam vươn xa hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng thế giới.

TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, dự báo nhu cầu xuất khẩu sang các thị trường chính của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc… sẽ bắt đầu hồi phục trở lại dù vẫn còn yếu. Thời điểm 6 tháng cuối năm xuất khẩu được kỳ vọng sẽ tăng trưởng trở lại. Các doanh nghiệp phải tranh thủ thời cơ để tạo đột phá trong xuất khẩu.

Còn theo TS Phạm Đình Thưởng - Tổng giám đốc Công ty Tư vấn đầu tư thương mại tự do KTPC, trong số 15 FTA Việt Nam đang thực thi, có 3 FTA thế hệ mới là CPTPP, EVFTA và UKVFTA là những hiệp định rất quan trọng. Đây là các FTA mang lại nhiều kết quả đàm phán có lợi cho Việt Nam, tạo dư địa để các DN Việt Nam có điều kiện tiếp cận và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

CPTPP là FTA thế hệ mới tiêu chuẩn cao đầu tiên với cam kết mở cửa thị trường hàng hóa dành cho nhau cao giữa các quốc gia. CPTPP cũng là trợ lực giúp hàng hóa của Việt Nam vào thị trường châu Mỹ với nhiều lợi thế về ưu đãi thuế quan. Việc đòi hỏi đáp ứng các yêu cầu của CPTPP cũng là sức ép để năng lực nội tại của các doanh nghiệp nâng lên, buộc DN phải thay đổi. Thời gian qua, xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường CPTPP ở khu vực châu Mỹ có những bước tăng trưởng mạnh mẽ, song dư địa và tiềm năng của thị trường còn lớn, có thể làm tốt hơn nữa. Nhìn chung, 3 FTA thế hệ mới là CPTPP, EVFTA và UKVFTA là những hiệp định rất quan trọng, tạo lợi thế cho hàng hóa của Việt Nam tiếp cận các thị trường.

h224ng-viet-tien-v224o-thi-truong-ch226u-my_3.jpg

Ông Tô Hoài Nam - Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam:

Đẩy mạnh quảng bá sản phẩm Việt Nam ra thị trường thế giới

Hoạt động thông tin, quảng bá thương hiệu hàng hoá Việt Nam còn khiêm tốn, chưa có sự kết nối thị trường một cách chặt chẽ. Cùng với sự chủ động của DN, ngành hàng, thiết nghĩ Bộ Công thương cần khuyến khích, đẩy mạnh tuyên truyền nhiều hơn về sản phẩm Việt Nam ra thị trường thế giới. Cùng với đó, môi trường kinh doanh, các thủ tục hành chính về sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu phải được tiếp tục cải thiện, giảm các rào cản để tạo điều kiện thuận lợi, thông suốt cho DN trong việc tiếp cận thị trường các nước ký kết CPTPP. Khi thành công trong tiếp cận thị trường, thì chính Hiệp định CPTPP lại tạo động lực hơn cho DN đổi mới công nghệ sản xuất, cải thiện chất lượng sản phẩm, năng lực quản trị để tự tin, vững vàng trong sân chơi hội nhập.

H.Hương-M.Sang
Theo daidoanket.vn http://daidoanket.vn/hang-viet-tien-vao-thi-truong-chau-my-5714478.html Copylink