Linh hoạt chính sách, dần mở cửa nền kinh tế
Thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 tại nhiều địa phương với yêu cầu “3 tại chỗ” đang khiến không ít doanh nghiệp khó xoay xở. Hàng loạt nhà máy da giày, dệt may, linh kiện điện tử phải đóng cửa vì khó đáp ứng yêu cầu “3 tại chỗ”. Trước những khó ...
Hàng ngàn DN không thể đáp ứng yêu cầu “3 tại chỗ”
Bức tranh nền kinh tế thực sự ảm đạm kể từ khi làn sóng Covid-19 bùng phát mạnh. Tại TP. Hồ Chí Minh, đầu tàu kinh tế của cả nước đang chứng kiến sự rơi rụng của hàng ngàn DN, hàng ngàn nhà máy đóng cửa... Có những DN chỉ còn ở tình trạng “thoi thóp”.
Buộc phải tuân thủ quy định về giãn cách xã hội, yêu cầu thực hiện “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 điểm đến” đã khiến cho nhiều DN phải đóng cửa. Lý do là số DN có thể đáp ứng được các yêu cầu về “3 tại chỗ” chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Bởi, theo nhiều DN, với quy định này, DN buộc phải đáp ứng được yêu cầu về diện tích mặt bằng cùng hàng loạt chi phí phát sinh đầu tư trang thiết bị, từ đồ dùng sinh hoạt cá nhân cho đến các vật dụng thiết yếu khác cho người lao động. Trong khi, mỗi một nhà máy, một xưởng sản xuất có hàng ngàn lao động, DN không thể lo nổi mặt bằng cũng như các chi phí phát sinh.
Đơn cử như ngành may mặc, ngành có lực lượng lao động rất lớn, theo ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), các DN trong ngành dệt may khó có thể đáp ứng được các yêu cầu về “3 tại chỗ” hay “1 cung đường, 2 điểm đến”. “Chỉ có những ngành sử dụng ít lao động mới có thể đáp ứng được, với ngành may là rất khó” – ông Trường nói.
Theo Chủ tịch Vinatex, trong tập đoàn dệt may, chỉ có các DN thuộc ngành dệt, nhuộm mới có thể thực hiện được quy định này. Bởi ở ngành này các nhà máy rộng, diện tích lớn mà lực lượng lao động cũng không nhiều như với DN may mặc. “Dù vậy, việc thực hiện “3 tại chỗ” cũng không thể kéo dài. Khảo sát của chúng tôi cho thấy, một tháng vừa qua, với một số DN thực hiện “3 tại chỗ” chỉ tuần đầu là đảm bảo năng suất, ngay tuần sau đó đã bắt đầu biểu hiện rệu rã, năng suất giảm rõ rệt” – ông Trường cho biết.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam cũng cho hay, những DN ngành da giày với số lượng công nhân lao động lớn cũng khó có thể thực hiện được phương án “3 tại chỗ”. Chính bởi vậy, số DN da giày còn có thể cầm cự ở thời điểm này không nhiều.
Từng bước mở cửa nền kinh tế
Trước những khó khăn của cộng đồng DN trong tình hình hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, quy định “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến” cần phải tháo gỡ dần cho phù hợp với từng loại hình DN, từ đó dần mở cửa để các DN hoạt động trở lại, nếu không, sau khi kiểm soát được dịch, các DN cũng không còn đủ sức để hồi phục nữa.
TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, vấn đề quan trọng nhất hiện nay không phải cung hay cầu, không phải vấn đề thị trường mà chính là nền sản xuất khi các nhà máy bị đóng cửa. Việc giãn cách xã hội thời điểm này là vô cùng cần thiết để vượt qua dịch bệnh nhưng cũng là nguyên nhân gây ra sự ách tắc rất lớn cho sản xuất cũng như lưu thông hàng hóa. Càng kéo dài việc đóng cửa thì nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất càng lớn.
Với việc thực hiện “3 tại chỗ” đang gặp nhiều bất cập tại nhiều DN, ông Lộc cho rằng, cần phải tính đến những phương án linh hoạt hơn, vừa tiếp tục duy trì được lao động vừa bảo đảm phòng chống dịch một cách tối đa. “Do đó dứt khoát phải có sự thay đổi về phương án sản xuất kinh doanh dựa trên những chính sách linh hoạt. Dứt khoát phải mở cửa từng bước nền kinh tế, vì không thể đóng mãi như thế này được” – ông Lộc nhấn mạnh.
Mới đây, trong đề xuất gửi Chính phủ nhằm tháo gỡ vướng mắc khi thực hiện việc sản xuất “3 tại chỗ”, Bộ Công thương cũng nêu rõ, cộng đồng DN muốn bổ sung quy định cho phép người lao động có thể dừng tham gia “3 tại chỗ” giữa chừng và trở về nơi cư trú. Theo Bộ Công thương, các DN đề nghị cần có quy định cụ thể các điều kiện cần thiết để cho phép DN được hoạt động trở lại tương ứng với các kịch bản khác nhau tùy vào điều kiện đảm bảo an toàn của DN và kết quả thực hiện phòng chống dịch bệnh để DN có kế hoạch bố trí lao động và nguồn lực sản xuất thích hợp.
“Trường hợp nhà máy có F0, F1 thì y tế địa phương cần phối hợp để tách các ca bệnh ra khỏi môi trường làm việc; đánh giá từng nhóm lao động đưa vào khu riêng biệt theo từng dây chuyền hoặc phân xưởng... để đảm bảo tiếp tục duy trì sản xuất kinh doanh” – Bộ Công thương đề xuất.
Bên cạnh đó, cần ưu tiên đẩy nhanh việc tiêm vaccine cho người lao động tại các khu công nghiệp, sản xuất, xuất khẩu. Bộ Công thương đề xuất cho phép các cơ sở y tế triển khai tiêm chủng có thu phí, do DN, cá nhân chi trả dưới sự hướng dẫn và giám sát về chuyên môn của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
“Trong trường hợp các hiệp hội, DN đã liên hệ và tìm được nguồn cung vaccine từ nước ngoài, đề nghị Bộ Y tế khẩn trương báo cáo Chính phủ đại diện cho cộng đồng DN ký kết các hợp đồng cung ứng vaccine để giúp các DN sớm tiếp cận nguồn vaccine trong thời gian ngắn nhất” – Bộ Công thương đề xuất. Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm vaccine, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, cần phải đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cũng như tạo điều kiện xét nghiệm thường xuyên định kỳ cho người lao động, để DN sớm quay lại sản xuất. Khi vaccine được phủ sóng rộng khắp, người lao động được an toàn, khi đó, hoạt động của DN mới được đảm bảo, ổn định và liên tục.
“Dứt khoát phải có sự thay đổi về phương án sản xuất kinh doanh dựa trên những chính sách linh hoạt. Dứt khoát phải mở cửa từng bước nền kinh tế, vì không thể đóng mãi như thế này được” – Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc