Tuesday, Jul 21, 07:07 AM

Nông sản lên ‘sàn’ tăng kỷ lục

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, 6 tháng đầu năm 2021 gần 8.000 hộ nông dân, 15.600 nông sản lên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) tăng kỷ lục lần lượt 191% và 268% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nông sản lên ‘sàn’ tăng kỷ lục
Nông sản lên ‘sàn’ tăng kỷ lục

Trong khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc đưa nông sản lên sàn TMĐT là “phao cứu sinh” cho bà con nông dân. Mới đây nhất, từ 15/7, nhãn lồng Hưng Yên đã chính thức được bán trên sàn TMĐT Postmart.vn. Để giúp nông dân Hưng Yên tiêu thụ nhãn theo hình thức hoàn toàn mới trên môi trường số.

Tháng 6 vừa qua, Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) đã phối hợp với Bộ Công thương, Văn phòng Điều phối mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (Bộ NNPTNT) tổ chức tập huấn cho các hộ trồng nhãn cách bán hàng trên môi trường điện tử.

Hiện, đội ngũ nhân viên bưu điện đã tiếp cận và phát triển được gần 400 nhà cung cấp. Đây là những hộ gia đình, hợp tác xã trồng nhãn tham gia bán hàng trên Postmart.vn. Không chỉ có quả nhãn tươi, mỗi nhà cung cấp còn có nhiều mặt hàng đưa lên sàn, như long nhãn, mật ong hoa nhãn, giấm nhãn, các chế phẩm từ nhãn khác.

Báo cáo sơ kết công tác quản lý 6 tháng đầu năm của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, tổng giá trị sản phẩm nông sản giao dịch trên sàn TMĐT đạt 944 tỷ đồng, tăng gần gấp 3 lần cùng kỳ 2020. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có nông sản (vải thiều Bắc Giang) xuất khẩu sang thị trường châu Âu theo mô hình “Thương mại điện tử xuyên biên giới” qua sàn TMĐT của doanh nghiệp trong nước.

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, vụ vải Bắc Giang đã mang đến niềm tin cho VNPost và Viettel Post khi từ một sàn nông sản nhỏ có thể phát triển thành sàn TMĐT Việt Nam. “Lĩnh vực bưu chính đã tìm thấy tương lai của mình là TMĐT và logistics. Thị trường này sẽ đạt 70-80 tỷ USD vào năm 2025”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng dự báo.

Có thể nói, việc đưa nông sản lên sàn TMĐT là “phao cứu sinh” cho bà con nông dân. Nhưng ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho rằng, không chỉ một mình DN đứng ra hỗ trợ bà con, mà vẫn cần chính quyền địa phương có những chính sách khuyến khích nông dân ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, tiêu thụ nông sản.

Bởi, việc đưa nông sản lên sàn TMĐT không chỉ tạo thêm một kênh phân phối bền vững cho sản phẩm tiềm năng của các địa phương mà song song đó, hoạt động này sẽ góp phần nâng khuyến khích tinh thần “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan nhận định, từ trước đến nay chúng ta đã nói nhiều đến kinh tế tri thức, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhưng thực hiện vẫn rất nhạt nhòa. Sự mù mờ về thông tin như hiện nay sẽ làm ngắt quãng cung - cầu... Một nền nông nghiệp mù mờ sẽ dẫn đến hệ quả phải giải cứu. Vì vậy, đã đến lúc kinh tế tri thức phải được đưa vào cánh đồng, nhà máy.

Người đứng đầu ngành nông nghiệp mong muốn, nền nông nghiệp được định vị và minh bạch dữ liệu thông tin, để vươn xa hơn và sẽ hỗ trợ, giúp đỡ để các hộ nông dân được tiếp cận với công nghệ số, để không ai bỏ lỡ chuyến tàu này.

h14846i-nhi
Theo daidoanket.vn http://daidoanket.vn/nong-san-len-san-tang-ky-luc-5658321.html Copylink