Saturday, Jun 22, 10:06 AM

Ngành trái cây cũng gặp khó bởi giá xăng

Trong bối cảnh các chi phí đầu vào như vận chuyển, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công chăm sóc và thu hoạch... đang tăng mạnh thì giá các mặt hàng trái cây xuất khẩu lại giảm sâu, thị trường bấp bênh. Điều này khiến cho ngành trái cây trong nướ...

Ngành trái cây cũng gặp khó bởi giá xăng
Ngành trái cây cũng gặp khó bởi giá xăng
ng224nh-tr225i-c226y-cung-gap-kh243-boi-gi225-xang_1.jpg
Các doanh nghiệp xuất khẩu chuối không còn mấy mặn mà với việc thu mua vì nhiều rủi ro.

Nông dân đứng ngồi không yên

Khoảng 1 tuần nay, ông Trần Trung Nghĩa, nông dân xã Tân Thành, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai đứng ngồi không yên bởi vườn chuối xuất khẩu rộng 2ha đã vào mùa chín rộ nhưng không có thương lái đến mua. Theo ông Trung, gia đình ông đã hỏi các thương lái trong vùng nhưng hầu hết đều trả lời đợt này tạm ngưng thu mua do thị trường xuất khẩu, nhất là Trung Quốc đang hạn chế nhập khẩu.

Hiện giá chuối tại Trảng Bom chỉ còn từ 4.500 đồng/kg, so với thời điểm được giá, mỗi kilogam chuối giảm từ 10.000-12000 đồng/kg. “Ước tính vườn chuối của tôi khoảng trên 20 tấn chuối, sẽ thất thu trên 200 triệu đồng, đó là chưa kể các khoản chi phí chăm sóc năm nay cao hơn nhiều so với các năm trước. Vụ này, gia đình tôi chỉ thu về trên 100 triệu đồng, số tiền này vừa đủ chi phí thuê chăm sóc, thu hoạch. Nếu một tuần nữa không có ai thu mua, gần như gia đình tôi mất trắng, không biết lấy tiền đâu trả nợ ngân hàng và chi tiêu hàng ngày cho gia đình” - ông Trung than thở.

Giống như chuối, quả mít ở nhiều huyện thuộc Đồng bằng Sông Cửu Long, tình trạng giá rớt thê thảm đã kéo dài từ giữa năm ngoái đến nay, ông Đào Văn Vỹ, nông dân trồng mít ở xã Long Trì, huyện Châu Thành, tỉnh Vĩnh Long cho biết, hiện ông và bà con trong xã chỉ bán được mít với giá 2.000-3.000 đồng/kg tùy loại; trong khi đó các thương lái mua về bán cho các mối từ 7.000-8.000 đồng/kg, bán lẻ ra cho người tiêu dùng 15.000-20.000 đồng/kg. Vào thời điểm được giá, mỗi kilogam mít Thái tại vườn có giá từ 20.000-25.000/kg. “Giá mít giảm gần 10 lần khiến gia đình vô cùng khó khăn vì toàn bộ thu nhập chỉ nhìn vào vườn mít. Không biết tình trạng này còn kéo dài bao lâu nữa” - ông Vỹ lo lắng.

Các loại xoài ở các tỉnh Đông Nam bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long cũng rơi vào tình cảnh tương tự như tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu… giá xoài Đài Loan tại vườn loại 1 hiện chỉ giao động còn 3.000-4.000 đồng/kg, trong khi đó thời điểm giá cao từ 40.0000-50.000 đồng/kg; xoài Cát Chu giá còn khoảng 5.000 đồng/kg (thời giá cao điểm 20.000 đồng/kg)…

Doanh nghiệp không mặn mà thu mua

Không chỉ nông dân bị thiệt hại nặng mà nhiều doanh nghiệp (DN) cũng “kêu trời” vì kinh doanh trở nên khó khăn. Ông Hà Ngọc Hải - Giám đốc HTX Nông sản Hòa Minh (tỉnh Đồng Nai) cho biết, nguyên nhân rớt giá là từ nhiều năm nay, thị trường xuất khẩu trái cây nói chung và xuất khẩu chuối nói riêng chủ yếu sang Trung Quốc. “Do ảnh hưởng bởi đại dịch bùng phát, đến nay lại bị ảnh hưởng bởi giá xăng dầu tăng mạnh nên các xe chuyên chở không còn mặn mà với việc vận chuyển hàng, trong khi nhiều nông sản, đặc biệt là trái cây vẫn bị cấm cửa” - ông Hải nói.

Bà Hồ Thị Hà - Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ Nông nghiệp Nam Đông cũng cho rằng, giá xăng dầu tăng mạnh là nguyên nhân dẫn đến nhiều nền kinh tế trên thế giới rơi vào cảnh lạm phát, điều này khiến tiêu thụ bị giảm đáng kể. Trong khi đó, do chi phí dịch vụ tăng lên nên các thương lái, DN không còn mặn mà với việc kinh doanh, dẫn đến việc thu mua nông sản cho bà con bị ảnh hưởng rất lớn. Bà Hà dự báo, tình trạng khó khăn này sẽ còn kéo dài ít nhất vào giữa năm 2023, vì vậy, các DN sản xuất nông nghiệp và bà con nông dân cần cân nhắc về diện tích trong vụ tới.

Đề cập đến vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan đánh giá, với thực trạng sản xuất hiện nay, tình trạng ùn ứ nông sản tại cửa khẩu cũng sẽ ùn ứ tại vùng nguyên liệu. Để khắc phục tình trạng này, theo ông Hoan, cần nhìn vấn đề rộng ra dưới góc nhìn cung cầu, tư duy sản xuất và tư duy thị trường. “Ở đây cần tổ chức lại sản xuất để khắc phục tình trạng nhỏ lẻ, manh mún, tự phát; tổ chức lại ngành hàng đưa vào quỹ đạo thông qua hiệp hội ngành hàng, hiệp hội DN; việc thực hành liên minh giúp kiến giải những kiến nghị, định hướng những chiến lược chứ không thể tư duy mùa vụ nữa” - ông Hoan nhấn mạnh.

qu43401c-43401nh
Theo daidoanket.vn http://daidoanket.vn/nganh-trai-cay-cung-gap-kho-boi-gia-xang-5689684.html Copylink