Nghệ An: Ngày đầu thực hiện cách ly xã hội, hàng hoá dồi dào, giá cả ổn định
Ngày 18/8, ngày đầu tiên thực hiện cách ly xã hội của TP. Vinh (Nghệ An) theo Chỉ thị 16, theo ghi nhận của phóng viên báo Công Thương, tại hầu hết các chợ dân sinh, siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn thành phố sức mua vẫn tăng mạnh so với ngày thườ
Giá cả không biến động nhiều
Từ 0h ngày 17/8, TP. Vinh đã tạm dừng mọi hoạt động để tập trung chống dịch Covid-19. Trước thông tin này, những ngày qua các chợ dân sinh, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, đại lý lương thực, thực phẩm... đã chủ động tăng nguồn cung để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Trong 2 ngày 17&18/8 có tình trạng người dân đi mua hàng hóa về trữ, một số người dân có tâm lý lo lắng về thông tin đóng cửa thành phố và chợ đầu mối TP. Vinh bị phong tỏa.
Cùng với đó, do chợ đầu mối bị tạm ngừng hoạt động dẫn đến nguồn cung rau củ quả bị gián đoạn, đẩy giá mặt hàng rau củ các loại tại các điểm bán lẻ tăng (trừ siêu thị lớn), có loại tăng gấp đôi. Có một số thời điểm hàng hóa bị hết cục bộ, đặc biệt trong ngày 17/8, các mặt hàng rau, củ, thực phẩm tươi sống ở các điểm bán hàng của Vinmart, Sunmart đều hết.
Khách hàng trong 2 ngày 17-18/8 tăng đột biến ở siêu thị MM Megamaket |
Tại chợ Vinh Tân (phường Vinh Tân - TP. Vinh), lúc 8h30 sáng ngày 18/8, nhiều quầy thịt bò, lợn đã gần hết. Người mua thịt nườm nượp. Đáng chú ý, thay vì người dân mua vài lạng thịt đủ ăn hàng ngày thì sáng nay, đa số người mua chọn liền một lúc mấy kg, gồm: sườn, vai, thịt mông, nạc xay…. Chị Nguyễn Bích Hà (chung cư Tràng An) cho biết, tranh thủ đi chợ vào sáng sớm khi các lực lượng trực chốt chưa thu vé vào chợ, chị mua luôn mấy kg thịt, rau, cá về bỏ tủ lạnh, dùng cho cả tuần. Hàng hoá tại chợ tươi ngon, chỉ rau xanh có tăng giá còn các mặt hàng khác chỉ nhích hơn một chút nhưng cũng không đáng kể. Theo chia sẻ của chị Hà, "rau cải ngày thường có giá 5 ngàn đồng/bó nay tăng gấp đôi, còn các loại rau khác như bầu, bí, cà chua tăng từ 5-10 ngàn đồng/1kg...".
Sau khi chợ đầu mối bị phong toả, nhiều xe hàng rau củ từ khắp nơi đã về trực tiếp các chợ để bỏ sỉ cho tiểu thương. Ghi nhận tại chợ Vinh, lúc 6h sáng, hàng rau củ về đầy đủ các loại như đậu cô ve, khoai lang, khoai tây, su su, cải bắp, củ cải, dưa chuột, cà rốt, cà chua, cải ngọt, cải dưa, hành lá, bí xanh, bí đỏ, cà tím… Bà Nguyễn Thị Lan- tiểu thương bán hàng rau củ ở chợ Vinh cho biết, lượng hàng cung ứng cho các ngày gần đây đều tăng mạnh. “Số khách hàng mua sỉ rau đều thông báo tăng lượng hàng đặt, vì vậy chúng tôi đã chủ động nhập thêm hàng từ Đà Lạt, hay ngoài Bắc để cung ứng”, bà Lan cho hay.
Còn tại hệ thống cửa hàng thực phẩm BigC, lượng khách hàng đến mua sắm bình thường, khách vào chủ yếu mua thực phẩm, rau xanh. Trong sáng nay, ông Trần An Khang - Gám đốc BigC Vinh - cho biết, hàng hóa trên các kệ hàng ở siêu thị đều dồi dào. Các mặt hàng rau xanh, củ quả, thịt cá các loại phong phú, đa dạng. Các mặt hàng thịt hộp, mì tôm các loại đã được bổ sung đầy đủ, giá cả không biến động so với trước giãn cách.
Tại MM Megamaket cũng đã tăng dự trữ hàng hoá. Siêu thị làm việc với các nhà cung cấp để đảm bảo hàng hoá cung ứng đầy đủ, người dân yên tâm và đến siêu thị mua hàng. Trong 2 ngày vừa qua, sau khi thành phố giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, lượng khách tới siêu thị tăng đột biến, chủ yếu là khách lẻ tăng 300%, tập trung mua các mặt hàng nhu yếu phẩm như, rau củ quả, thịt, cá... "Trong thời gian này, để phòng chống dịch, người dân nên mua hàng trực tuyến như mua hàng qua điện thoại, Zalo, Facebook, MM Megamaket sẽ phục vụ tận nơi, với nhiều ưu đãi, giá cả ổn định”, ông Nguyễn Công Việt - Giám đốc siêu thị MM Megamaket - khuyến cáo.
Đảm bảo nguồn cung trong mọi tình huống
Trao đổi với PV báo Công Thương sáng ngày 18/8, ông Cao Minh Tú - Phó Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An - khẳng định, Sở đã chủ động làm việc với các nhà phân phối, các daonh nghiệp (DN), hệ thống siêu thị. Qua đó cho thấy, lượng hàng hoá dự trữ lên gấp 4-5 lần so với bình thường, tập trung với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, các mặt hàng phòng chống dịch như khẩu trang và nước rửa tay cũng được các DN dự trữ với lượng lớn.
Đoàn công tác của Sở Công Thương Nghệ An kiểm tra các kho hàng dự trữ đối với các hàng hóa thiết yếu. |
Đối với DN bình ổn thị trường đã chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa tùy tình huống; sẵn sàng cung ứng kịp thời đến điểm bán bình ổn thị trường, các hệ thống phân phối cũng như chuẩn bị nguyên vật liệu, sẵn sàng nâng khả năng cung ứng nguồn hàng tăng 50 - 100% trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp. “Qua kiểm tra các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn, chúng tôi nhận thấy hàng hóa thiết yếu dồi dào, giá cả không có thay đổi đột biến, không có các hiện tượng tiêu cực như găm hàng, đầu cơ, thổi giá. Công tác phòng chống dịch bệnh cũng được tuân thủ nghiêm túc” – ông Cao Minh Tú nói.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 376 chợ, 21 trung tâm thương mại, 35 siêu thị, cùng với đó là chuỗi cửa hàng tiện ích, các điểm bán hàng hoá bình ổn giá, cửa hàng tạp hóa… sẵn sàng phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân trên địa bàn.
Chia sẻ về khó khăn của DN bán lẻ trong quá trình vận chuyển hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, ông Tú nêu rõ, Sở Công Thương đã đề xuất UBND TP. Vinh chấp thuận cho phép xe của các doanh nghiệp được hoạt động 24/7 cung ứng hàng hóa thiết yếu, nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu nhân dân, bình ổn thị trường và công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Công an TP. Vinh tạo điều kiện cho xe ô tô chở hàng hóa thiết yếu được phép lưu thông trên địa bàn TP. Vinh, qua các chốt, trạm kiểm dịch theo quy định để kịp thời cung cấp hàng hóa phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ông Nguyễn Văn Hường - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Nghệ An - chia sẻ, lực lượng Quản lý thị trường đã ban hành văn bản chỉ đạo tăng cường quản lý địa bàn, tổ chức việc tuyên truyền, ký cam kết với các tổ chức, cá nhân không đầu cơ găm hàng tăng giá bất hợp lý, thực hiện các nhiệm vụ phòng chống dịch, chú trọng kiểm tra kiểm soát thị trường, phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra các mặt hàng trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch như khẩu trang, nước sát trùng, găng tay y tế. Thời gian qua, lực lượng Quản lý thị trường cũng chưa phát hiện được vụ việc vi phạm nào trên thị trường liên quan đến việc đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý đối với các mặt hàng phòng chống dịch, các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn…