Người dùng dầu gội dược liệu sạch chấy của Sao Thái Dương có được bồi thường?
Theo Ths, luật sư Nguyễn Mạnh Thuật, Giám đốc Công ty luật TNHH Đông Nam Á, tuỳ theo hậu quả tác động đến từng người tiêu dùng của sản phẩm, doanh nghiệp có trách nhiệm bồi thường cho người tiêu dùng trong việc điều trị bệnh và phục hồi sức khoẻ.

Ths, luật sư Nguyễn Mạnh Thuật, Giám đốc Công ty luật TNHH Đông Nam Á
PV: Thưa luật sư, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) vừa ra thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc lô sản phẩm dầu gội dược liệu sạch chấy Aladin, hộp 1 tuýp 30g của Công ty cổ phần Sao Thái Dương do không đạt tiêu chuẩn chất lượng do "chứa Methylparaben không có trong thành phần công thức sản phẩm đã được cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm". Với sai phạm vừa nêu, Công ty cổ phần Sao Thái Dương sẽ bị xử phạt ra sao?
Ths, Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật: Công văn số 1016/QLD-MP ngày 8/4/2025 của Cục Quản lý dược (Bộ Y Tế) đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc lô sản phẩm Dầu gội dược liệu sạch chấy Aladin do Công ty CP Sao Thái Dương đưa ra thị trường với lý do: "Mẫu kiểm nghiệm không đạt tiêu chuẩn chất lượng do chứa Methylparaben không có trong thành phần công thức sản phẩm đã được cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm".
Quyết định trong công văn trên của Bộ Y Tế phù hợp Điều 45 Thông tư số 06/2011/TT-BYT ngày 25/1/2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về quản lý mỹ phẩm, có hiệu lực kể từ ngày 1/4/2011 được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 29/2020/TT-BYT ngày 31/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Căn cứ điểm b, d khoản 1 Điều 70 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh y tế, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/11/2021 được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 124/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 4/9/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm và Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2022, doanh nghiệp có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.
Ngoài ra, doanh nghiệp có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như đình chỉ hoạt động sản xuất mỹ phẩm hoặc tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm. Cơ quan chức năng yêu cầu doanh nghiệp thu hồi và tiêu huỷ sản phẩm là việc họ áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo khoản 4 Điều 70 Nghị định trên.
PV: Hóa chất Methylparaben có trong nhiều loại mỹ phẩm như đồ trang điểm, sản phẩm cạo râu, chăm sóc tóc, khử mùi, thực phẩm chế biến và thuốc, nhưng được quản lý chặt với liều lượng cho phép bởi nếu dùng với liều lượng không thích hợp sẽ gây hại cho sức khỏe con người. Vì thế Cơ quan quản lý thực phẩm và được phẩm Hoa Kỳ (FDA) yêu cầu tất cả các nhà sản xuất phải liệt kê methylparaben nếu chúng có trong thành phần của sản phẩm. Điều này sẽ giúp người sử dụng biết để quyết định có lựa chọn sản phẩm đó hay không. Việc không công bố đầy đủ thành phần trong sản phẩm có phải là hành vi lừa dối người tiêu dùng không thưa luật sư?
Ths, Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật: Lừa dối khách hàng là hành vi cân, đong, đo, đếm sai trong quá trình giao hàng hóa, cố ý tính tiền sai trong khi thanh toán, trong vay mượn, bán hàng chất lượng kém nhưng bán theo giá hàng chất lượng tốt, quảng cáo sai sự thật về công dụng của sản phẩm. Đối với hành vi đưa thêm hóa chất Methylparaben vào sản phẩm chỉ có dấu hiệu sản xuất mỹ phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng hoặc sản xuất mỹ phẩm có công thức không đúng như hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm và đây thuộc Nhóm Mỹ phẩm nên cần căn cứ khoản 1 Điều 70 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng, đồng thời cơ quan chức năng có thể áp dụng thêm xử phạt bổ sung hoặc biện pháp khắc phục hậu quả.
PV: Với những người đã dùng sản phẩm dầu gội dược liệu sạch chấy Aladin trong một thời gian dài, nhất là phụ nữ mang thai và cho con bú (đối tượng được khuyên không nên dùng sản phẩm có chứa Methylparaben), họ rất lo lắng cho sức khỏe của mình và người thân? Liệu họ có được doanh nghiệp bồi thường không thưa luật sư?
Ths, Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật: Tuỳ theo hậu quả tác động đến từng người tiêu dùng của sản phẩm, doanh nghiệp có trách nhiệm bồi thường cho người tiêu dùng trong việc điều trị bệnh và phục hồi sức khoẻ. Nếu doanh nghiệp không tự nguyện thực hiện, người tiêu dùng có quyền khởi kiện dân sự tại toà án có thẩm quyền.
PV: Dầu gội dược liệu sạch chấy Aladin lưu hành trên thị trường mấy năm rồi mới bị thu hồi vì không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Theo luật sư, cơ quan chức năng cần có giải pháp gì để quản lý chặt chẽ hơn những sản phẩm có liên quan đến sức khỏe con người?
Ths, Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật: Theo quan điểm của tôi, do chúng ta có định hướng tối giản hoá thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển kinh doanh nên mới xảy ra tình trạng như vậy, do vậy tôi có mấy đề xuất sau: Thứ nhất, đơn giản thủ tục nhưng nâng cao trách nhiệm và tính tự giác của doanh nghiệp trong việc công bố và chịu trách nhiệm đối với sản phẩm do mình sản xuất cung cấp.
Thứ hai, nâng mức xử phạt, phạt bổ sung và biện pháp khắc phục, thậm chí nếu có vi phạm có thể đình chỉ kinh doanh dài hạn hoặc cấm kinh doanh và buộc bồi thường cho người tiêu dùng thật thoả đáng. Nghiêm khắc hơn, chúng ta mạnh dạn xử lý hình sự tổ chức, cá nhân vi phạm để nâng cao hiệu quả giáo dục phòng ngừa chung.
Thứ ba, Nâng cao hiệu quả công tác hậu kiểm, để doanh nghiệp thật sự nghiêm túc, tự giá trong việc khai báo, công bố.
Thứ tư, cần thiết lập bộ phận "phản ứng nhanh" tại từng cơ quan quản lý chuyên ngành, đối với bất kỳ phản hồi nào của người tiêu dùng, để lấy đó làm căn cứ hậu kiểm chặt chẽ, ngăn ngừa hậu quả xấu có thể xảy ra.
PV: Xin cảm ơn luật sư!