Nhộn nhịp thị trường M&A
Theo nhận định của các chuyên gia, thị trường mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) đang diễn ra ở nhiều lĩnh vực, như: bất động sản, nông nghiệp, bán lẻ... Điều này cho thấy, Việt Nam luôn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.
M&A bất động sản tăng cao
Thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) dòng vốn đầu tư nước ngoài vẫn đang chảy vào thị trường Việt Nam một cách tích cực. Giải ngân vốn đầu tư nước ngoài trong 9 tháng đầu năm 2022 đạt mức kỷ lục 15,4 tỷ USD. Ông Masataka Sam Yoshida – Giám đốc toàn cầu Dịch vụ M&A xuyên quốc gia, Tổng Giám đốc RECOF Việt Nam cho biết: “Việt Nam có dân số trẻ, tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh. Nhiều công ty Nhật Bản tin tưởng vào tương lai tươi sáng của kinh tế Việt Nam. Sau năm 2023 các nhà đầu tư Nhật sẽ đến Việt Nam ngày một nhiều”.
Nói về thị trường đầu tư thông qua hoạt động M&A, giới chuyên gia trong ngành thông tin, dòng vốn FDI tiếp tục tăng thúc đẩy nhu cầu thuê và mở rộng văn phòng của các công ty đa quốc gia. Đơn cử, quỹ đầu tư Hoa Kỳ Warburg Pincus đã công bố việc rót khoản vốn đầu tư 250 triệu USD vào Novaland. Cái bắt tay này nhằm gia tăng quỹ đất và phát triển các dự án hiện hữu của Novaland tại các vị trí chiến lược, tận dụng cơ sở hạ tầng đang dần hoàn thiện ở miền Nam. Hai quỹ đầu tư có vốn đầu tư nước ngoài là VinaCapital và Dragon Capital cũng thông báo việc đầu tư 103 triệu USD vào Hưng Thịnh Land. Thị trường cũng đã chứng kiến thương vụ “thay áo mới” của dự án Kenton Node từ công ty Tài Nguyên chuyển nhượng cho Novaland và đổi tên thành Grand Sentosa với hơn 1.640 căn hộ tại TPHCM. Một thương vụ đáng chú ý khác là Masterise Homes thâu tóm dự án Sài Gòn Bình An với tên gọi mới là The Global City, quy mô rộng 117ha và tiếp giáp với cao tốc Long Thành - Dầu Giây.
“Phần lớn các giao dịch đến từ những nhà đầu tư am hiểu thị trường với mục đích tìm kiếm tỷ lệ sinh lời tốt hoặc mở rộng danh mục đầu tư trong khu vực. Các thương vụ đã được đàm phán trong thời gian gián đoạn do đại dịch Covid-19 và đạt được thỏa thuận trong năm 2022, thúc đẩy số lượng các thương vụ 9 tháng qua gia tăng” - bà Trang Bùi - Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam nhận định. Theo bà Trang Bùi, mặc dù thời gian qua số thương vụ có tăng, tuy nhiên, tình hình hoạt động bất động sản bị chậm lại do ảnh hưởng từ những “đại án” liên quan đến các công ty bất động sản và chứng khoán; tín dụng ngân hàng lẫn hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp (DN) đều được kiểm soát chặt chẽ. Điều này vô hình trung khiến các nhà đầu tư, DN mới tham gia thị trường sẽ có một chiến lược bảo thủ hơn.
Nhiều doanh nghiệp Việt tham gia M&A
Không chỉ M&A sôi động trong các dự án bất động sản, thị trường còn ghi nhận sự nhộn nhịp cả với lĩnh vực logistics. Do các nhà đầu tư tiếp tục có cái nhìn lạc quan về thị trường bất động sản công nghiệp. Theo đó, Mapletree Investments đã chuyển nhượng 3 dự án logistics cho Mapletree Logistics Trust với tổng giá trị giao dịch là 95,9 triệu USD. Tương tự, Logos Property Services bắt tay với Manulife Financial cũng đã đầu tư hơn 80 triệu USD vào một dự án logistics mới có diện tích 116.000m2 được xây dựng tại KCN Dầu Giây, Đồng Nai.
Mặc dù thu hút lượng lớn vốn đầu tư ngoại, song các DN Việt vẫn đang dẫn dắt thị trường với giá trị lên đến 1,3 tỷ USD; Singapore đứng thứ 2 với giá trị 1,2 tỷ USD. Dữ liệu thống kê của KPMG, trong vòng 3 năm qua, nhà đầu tư trong nước vẫn thống trị các giao dịch M&A và ngày càng tích cực. Nhiều nhà đầu tư lớn trong nước nắm bắt cơ hội để đa dạng hóa hoạt động trên thị trường hiện tại và đầu tư vào những lĩnh vực khác khi nền kinh tế phục hồi. Ông Dominic Scriven – Chủ tịch Hội đồng quản trị Dragon Capital cho biết, có những giao dịch giữa các công ty Việt Nam với công ty Việt Nam. Đây là xu hướng tuyệt vời. Cùng là người Việt sẽ hiểu nhau hơn, giao dịch dễ dàng hơn, mua bán giữa DN Việt Nam với nhau sẽ có giá thấp hơn. Ông Andy Ho – Tổng Giám đốc Hội đồng Đầu tư của VinaCapital cho biết, kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh, DN trong nước sẽ phát triển, tạo lợi nhuận bền vững cho nhà đầu tư trong dài hạn. Những thông tin tích cực của nền kinh tế dự báo trở thành đòn bẩy kích hoạt thị trường M&A với các thương vụ đình đám trong năm 2023.
Theo TS Trần Đình Thiên – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn nhưng thị trường M&A tại Việt Nam được dự báo vẫn tiếp tục sôi động. Thị trường M&A tại Việt Nam hiện đang như một chiếc lò xo bị nén chặt, chỉ chờ cơ hội bật lên mạnh mẽ. Sự nổi lên của nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân trong nước với tư cách là bên mua đang dần trở thành đối trọng với những tập đoàn, quỹ đầu tư ngoại.
Các doanh nghiệp Việt vẫn đang dẫn dắt thị trường M&A với giá trị lên đến 1,3 tỷ USD; Singapore đứng thứ 2 với giá trị 1,2 tỷ USD. Dữ liệu thống kê của KPMG, trong vòng 3 năm qua, nhà đầu tư trong nước vẫn thống trị các giao dịch M&A và ngày càng tích cực. Nhiều nhà đầu tư lớn trong nước nắm bắt cơ hội để đa dạng hóa hoạt động trên thị trường hiện tại và đầu tư vào những lĩnh vực khác khi nền kinh tế phục hồi.