Tuesday, Oct 23, 01:10 PM

Thị trường gặp khó, doanh thu phí bảo hiểm tụt dốc quý thứ 2 liên tiếp

Theo Tổng cục Thống kê, doanh thu thị trường bảo hiểm đang giảm mạnh, nhất là sản phẩm bảo hiểm nhân thọ do quy định chặt chẽ của hợp đồng bảo hiểm từ kênh bán hàng qua các ngân hàng.

Thị trường gặp khó, doanh thu phí bảo hiểm tụt dốc quý thứ 2 liên tiếp
Thị trường gặp khó, doanh thu phí bảo hiểm tụt dốc quý thứ 2 liên tiếp
thi-truong-gap-kh243-doanh-thu-ph237-bao-hiem-tut-doc-qu253-thu-2-li234n-tiep_1.png
Ảnh minh họa

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), thị trường bảo hiểm đang gặp khó khăn do quy định chặt chẽ của hợp đồng bảo hiểm từ kênh bán hàng qua các ngân hàng.

Tổng doanh thu phí bảo hiểm trong quý III/2023 ước tính đạt 52,9 nghìn tỷ đồng (giảm 10,4% so với cùng kỳ năm 2022). Từ đầu năm 2023 đến nay, doanh thu phí bảo hiểm vẫn ghi nhận tăng trưởng 6,8% trong quý I nhưng đến quý II "quay đầu" giảm 3,1% và đến quý III ghi nhận mức giảm sâu hơn.

Lũy kế 9 tháng năm 2023, doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 165,6 nghìn tỷ đồng (giảm 6,9% so với cùng kỳ năm 2022). Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ đạt 52,2 nghìn tỷ đồng (tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2022), còn lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ đạt 113,4 nghìn tỷ đồng (giảm 10,7% so với cùng kỳ năm 2022).

Số tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm ước tính là 57,1 nghìn tỷ đồng (tăng 30,2% so với cùng kỳ năm 2022), trong khi tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế ước tính là 746,7 tỷ đồng (tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2022).

Tổng tài sản của thị trường bảo hiểm ước tính là 890,5 tỷ đồng (tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2022) và tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo báo cáo của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, số lượng hợp đồng khai thác mới 6 tháng đầu năm 2023 đạt 1.028.402 hợp đồng (sản phẩm chính), giảm 31,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư chiếm tỷ trọng 61,2% giảm 34,4% so với cùng kỳ năm ngoái; sản phẩm bảo hiểm tử kỳ chiếm tỷ trọng 30,7% giảm 17,6%; sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp chiếm tỷ trọng 0,7% giảm 48,9%; các sản phẩm bảo hiểm còn lại chiếm tỷ trọng 7,4%, giảm 44,9% so với cùng kỳ.

Tính đến cuối tháng 6/2023, tổng doanh thu phí bảo hiểm và thị phần của các công ty bảo hiểm trên thị trường là như sau: Bảo Việt Nhân thọ (16.036 tỷ đồng và 20,6%), Manulife (13.357 tỷ đồng và 17,2%), Prudential (12.842 tỷ đồng và 16,5%), Dai-ichi Life (9.737 tỷ đồng và 12,5%), AIA (7.874 tỷ đồng và 10,1%), FWD (2.611 tỷ đồng và 3,4%), Sun Life (2.361 tỷ đồng và 3,03%), MB Ageas (2.357 tỷ đồng và 3,03%), Generali (2.122 tỷ đồng và 2,7%), Chubb Life (2.092 tỷ đồng và 2,7%), Hanwha Life (1.908 tỷ đồng và 2,5%), Cathay Life (1.408 tỷ đồng và 1,8%), MVI (1.133 tỷ đồng và 1,46%), BIDV Metlife (792 tỷ đồng và 1,02%), cùng với các công ty bảo hiểm khác như FWD Assurance, Mirae Asset Prevoir, Phú Hưng Life, Fubon Life, Shinhan Life (1.199 tỷ đồng và 1,5%).

Tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ toàn thị trường trong 6 tháng đầu năm ước đạt là 77.831 tỷ đồng, giảm 7,9% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu phí bảo hiểm nửa đầu năm của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm trên thị trường sụt giảm mạnh, trong đó, 4 doanh nghiệp giảm hơn 1.000 tỷ đồng là: Manulife giảm tới 1.988 tỷ đồng, AIA giảm 1.177 tỷ đồng, Prudential giảm 1.157 tỷ đồng, MB Ageas giảm 1.040 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, mặc dù doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ giảm nhưng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ đang có xu hướng tăng. Nguyên nhân là vì các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đang rất nỗ lực ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực kinh doanh cũng như đẩy mạnh hợp tác với các đối tác tiềm năng nhằm mở rộng thị trường.

Thị trường bảo hiểm nhân thọ nói riêng và ngành bảo hiểm Việt Nam nói chung chứng kiến sự suy giảm đáng kể sau những sự việc xảy ra hồi đầu năm liên quan đến kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance).

Các thông tin tiêu cực về bảo hiểm nhân thọ liên quan đến việc khách hàng tố giác đại lý tư vấn sai, tranh chấp giữa người mua và người bán bảo hiểm,.. xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội đã gây ảnh hưởng xấu tới niềm tin thị trường.

Trước đó, ngày 30/6, Bộ Tài chính đã công bố kết quả thanh tra đối với 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ là Prudential, Sun Life, BIDV Metlife, MB Ageas.

Bộ này đã chỉ ra hàng loạt sai phạm của đại lý tư vấn bảo hiểm và yêu cầu tổng giám đốc doanh nghiệp bảo hiểm xử lý nghiêm, có văn bản báo cáo.

Văn Thanh
Theo daidoanket.vn http://daidoanket.vn/thi-truong-gap-kho-doanh-thu-phi-bao-hiem-tut-doc-quy-thu-2-lien-tiep-5740236.html Copylink