Bộ Công Thương: Tăng cường hoạt động đánh giá sự phù hợp để quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá
Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã tăng cường hoạt động đánh giá sự phù hợp gồm các hoạt động: Thử nghiệm, chứng nhận, kiểm định, giám định… Đây là nền tảng của việc quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Theo quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đánh giá sự phù hợp là hoạt động kỹ thuật nhằm xác định chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ do nhà sản xuất, kinh doanh cung cấp theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; tổ chức đánh giá sự phù hợp là tổ chức tiến hành hoạt động thử nghiệm, giám định, kiểm định, chứng nhận sự phù hợp của sản phẩm, hàng hóa, quá trình sản xuất, cung ứng dịch vụ phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
Đánh giá sự phù hợp là hoạt động kỹ thuật nhằm xác định chất lượng của sản phẩm, hàng hóa (Ảnh: Cấn Dũng) |
Có thể thấy, đánh giá sự phù hợp là cầu nối giữa tiêu chuẩn, quy chuẩn và chất lượng của sản phẩm, hàng hoá, giúp nhà sản xuất, người cung cấp, người tiêu dùng xác định được mức độ phù hợp của sản phẩm, hàng hoá so với các mức quy định trong tiêu chuẩn, quy chuẩn tương ứng nhằm thoả mãn yêu cầu của khách hàng; là một trong các công cụ của hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá của cơ quan quản lý nhà nước; đem lại lợi ích cho nhà sản xuất, người cung cấp dịch vụ, người sử dụng hoặc tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ; là công cụ của quản lý nhà nước và tạo điều kiện cho phát triển bền vững kinh tế quốc tế.
Ông Trần Việt Hoà - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) - cho biết: Hoạt động đánh giá sự phù hợp là một trong những hoạt động đã được Bộ Công Thương đẩy mạnh trong thời gian qua… Cụ thể, trong năm 2020, Bộ đã tiếp nhận 12 hồ sơ đăng ký hoạt động của các tổ chức đánh giá sự phù hợp. Sau khi rà soát các quy định, Bộ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động cho 5 hồ sơ đăng ký hoạt động thử nghiệm và 2 hồ sơ đăng ký hoạt động chứng nhận.
Trước đó, trong giai đoạn 2017-2019, Bộ đã tiếp nhận 113 hồ sơ đăng ký hoạt động của các tổ chức đánh giá sự phù hợp và đã tiến hành cấp 91 giấy chứng nhận đăng ký hoạt động gồm: 66 hồ sơ đăng ký hoạt động thử nghiệm; 12 hồ sơ đăng ký hoạt động giám định và 13 hồ sơ đăng ký hoạt động chứng nhận. Số hồ sơ đăng ký bao gồm các lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương như: điện, năng lượng, khai khoáng, hóa chất, dệt may, giấy...
Nội dung chỉ định hoạt động đánh giá sự phù hợp đang được thực hiện đối với các lĩnh vực: Hàng hóa nhóm 2 (vật liệu nổ công nghiệp, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn); an toàn thực phẩm; các sản phẩm hàng hóa khác theo quy chuẩn kỹ thuật (dệt may, giấy, chai chứa LPG mini).
Đáng chú ý, trong giai đoạn 2016-2019, Bộ Công Thương đã chỉ định 10 tổ chức đánh giá sự phù hợp thực hiện chứng nhận đối với sản phẩm, hàng hóa nhóm 2, chủ yếu nằm tại 2 khu vực: Phía Bắc (Hà Nội, Quảng Ninh), phía Nam (TP. Hồ Chí Minh). Tiếp đó, năm 2020, Vụ Khoa học và Công nghệ tiến hành chỉ định mới 3 tổ chức chứng nhận và 3 tổ chức thử nghiệm đối với các sản phẩm hàng hóa nhóm 2 thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương.
Đến thời điểm hiện nay chưa có ghi nhận về việc các sản phẩm hàng hóa nhóm 2 có kết quả không phù hợp. Công tác chỉ định, đánh giá, kiểm tra các hoạt động của các tổ chức đánh giá sản phẩm hàng hóa nhóm 2 của Bộ Công Thương luôn tuân thủ các quy định tại Nghị định số 107/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016; Nghị định số 154/2018/NĐ-CP và các quy định tại Thông tư số 36/2019/TT-BCT.
Đối với các sản phẩm hàng hóa khác quản lý theo quy chuẩn kỹ thuật. Trong đó, giấy và dệt may là các sản phẩm hàng hóa trong quá trình sử dụng có khả năng tiềm ẩn những lý do mất an toàn hoặc với mục đích bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Cụ thể, sản phẩm khăn giấy và giấy vệ sinh được thực hiện theo QCVN 09:2015/BCT và Thông tư số 33/2016/TT-BCT.
Theo đó, trong giai đoạn 2016 - 2019, Vụ đã tiến hành thẩm định, đánh giá hồ sơ của 16 tổ chức đăng ký hoạt động đánh giá sự phù hợp đối với các sản phẩm khăn giấy và giấy vệ sinh bao gồm các lĩnh vực thử nghiệm, giám định, chứng nhận. Trong năm 2020, Bộ Công Thương đã chỉ định 3 tổ chức thử nghiệm, 3 tổ chức chứng nhận và 1 tổ chức giám định. Đến nay, các sản phẩm khăn giấy và giấy vệ sinh trên thị trường hầu hết đã được chứng nhận hợp quy, gắn dấu hợp quy.
Về sản phẩm dệt may đang được thực hiện theo QCVN 01:2017/BCT: Bộ Công Thương đã tiến hành chỉ định được 16 tổ chức đánh giá sự phù hợp. Các tổ chức đánh giá sự phù hợp đối với sản phẩm dệt may trải dài khắp 3 khu vực: Miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Việc giám sát, đánh giá kết quả hoạt động của các tổ chức đã giúp cơ quan quản lý nắm được hiện trạng chất lượng của mặt hàng dệt may từ đó có các biện pháp quản lý kịp thời. Đối với mặt hàng dệt may, kết quả đánh giá của các tổ chức cho thấy, số lượng các lô hàng chứng nhận không phù hợp các quy định của QCVN 01:2017/BCT bao gồm: 8 lô (2019: 7 lô hàng, 2020: 1 lô hàng).
Ông Trần Việt Hòa nhấn mạnh: Với quá trình chỉ định các tổ chức đánh giá sự phù hợp, Vụ Khoa học và Công nghệ đã thường xuyên bám sát, đánh giá kết quả hoạt động của các đơn vị, đồng thời, giúp cơ quan quản lý nắm được hiện trạng chất lượng của các sản phẩm, hàng hóa từ đó có các biện pháp quản lý kịp thời.