Tuesday, Dec 23, 02:12 PM

Cà Mau triển khai Đề án Hỗ trợ phát triển các nhãn hiệu đã được bảo hộ

Năm 2023, tỉnh Cà Mau tổ chức triển khai hỗ trợ 9 sản phẩm mang nhãn hiệu được bảo hộ, với 17 cơ sở, hợp tác xã và doanh nghiệp, bao gồm các sản phẩm sau: Tôm khô Rạch Gốc, mật ong U Minh Hạ, cá khô bổi U Minh, cá khoai Cái Đôi Vàm - Cà Mau, lúa sạ

Cà Mau triển khai Đề án Hỗ trợ phát triển các nhãn hiệu đã được bảo hộ
Cà Mau triển khai Đề án Hỗ trợ phát triển các nhãn hiệu đã được bảo hộ

Thực hiện Quyết định số 1362/QĐ-UBND ngày 19/7/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau về việc phê duyệt Đề án Hỗ trợ phát triển các nhãn hiệu đã được bảo hộ trên địa bàn tỉnh Cà Mau giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 (Đề án); trên cơ sở kết quả hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong lĩnh vực phát triển tài sản trí tuệ năm 2022, Sở Khoa học và Công nghệ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án trong năm 2023 nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; hỗ trợ phát triển nhãn hiệu các sản phẩm đặc sản được bảo hộ trên địa bàn tỉnh Cà Mau nhằm nâng cao năng lực sản xuất, sức cạnh tranh, chất lượng các sản phẩm, tạo sự an tâm cho người tiêu dùng, mở rộng thị trường góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Mật ong U Minh Cà Mau
Mật ong U Minh Cà Mau

Năm 2023, tổ chức triển khai hỗ trợ 9 sản phẩm mang nhãn hiệu được bảo hộ, với 17 cơ sở, hợp tác xã và doanh nghiệp, bao gồm các sản phẩm sau: Tôm khô Rạch Gốc, mật ong U Minh Hạ, cá khô bổi U Minh, cá khoai Cái Đôi Vàm - Cà Mau, lúa sạch Thới Bình, lúa sinh thái Cà Mau, chuối xiêm sinh thái Cà Mau và 2 nhãn hiệu được bảo hộ trong năm 2022 (ba khía Cà Mau và cua Cà Mau). Tổ chức 1 cuộc hội thảo sơ kết, đánh giá hiệu quả của Đề án và 1 lớp đào tạo, tập huấn.

Các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện năm 2023, gồm có:

Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và phát triển nhãn hiệu: Tổ chức sơ kết, đánh giá hiệu quả công tác quản lý, khai thác và phát triển các sản phẩm đã được bảo hộ trong thời gian qua nhằm kiện toàn, củng cố thành phần Ban quản lý bố trí cho phù hợp với từng đối tượng được bảo hộ cụ thể; tập huấn nâng cao kiến thức quản lý về các lĩnh vực sở hữu trí tuệ, an toàn vệ sinh thực phẩm, phát triển thương hiệu, cập nhật thông tin và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, kinh doanh online,… cho Ban quản lý cấp tỉnh, huyện, chính quyền địa phương, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và người dân có liên quan đến nhãn hiệu đã được bảo hộ.

Hỗ trợ phát triển nhãn hiệu: các nội dung để hỗ trợ cho 09 sản phẩm, gồm: kiểm soát, đánh giá chất lượng sản phẩm; công bố chất lượng hợp chuẩn, hợp quy; xây dựng tiêu chuẩn cơ sở; xây dựng mã số mã vạch; thiết kế nhãn hàng hóa.

Các hoạt động hỗ trợ quảng bá và xúc tiến thương mại gồm: Quảng bá các nhãn hiệu đã được bảo hộ đến với người tiêu dùng trong nước và ngoài nước; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh có đặc sản, đặc trưng đã được bảo hộ các hoạt động xúc tiến thương mại, hội nghị kết nối cung cầu, tạo cơ hội hợp tác, mở rộng thị trường, quảng bá thương hiệu, liên kết trong tiêu thụ sản xuất nội địa và xuất khẩu.

Các hoạt động nâng cao năng lực sản xuất: hỗ trợ 3 sản phẩm là tôm khô Rạch Gốc, chuối xiêm sinh thái Cà Mau và cá khô bổi U Minh được hỗ trợ đầu tư trang thiết bị, máy móc, công nghệ sản xuất nhằm nâng cao năng lực và chất lượng sản phẩm.

Việc triển khai thực hiện các hạng mục của Đề án phải gắn với việc thực hiện các chương trình, kế hoạch đang được triển khai nhằm góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời phải cụ thể hóa các nhiệm vụ của Đề án phù hợp với nhu cầu thực tế của các cơ sở sản xuất, kinh doanh và tình hình của địa phương, gắn với trách nhiệm thực hiện của từng sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố Cà Mau và các đơn vị có liên quan, đồng thời đảm bảo tính khả thi và hiệu quả thực tế.

Minh Anh
Theo Thương Hiệu Công Luận https://thuonghieucongluan.com.vn/ca-mau-trien-khai-de-an-ho-tro-phat-trien-cac-nhan-hieu-da-duoc-bao-ho-a206675.html Copylink