Câu chuyện xây dựng thương hiệu nông sản ở huyện Yên Châu
Thời gian qua, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La đã không ngừng đẩy mạnh xây dựng thương hiệu nông sản giúp mở rộng thị trường tiêu thụ, từng bước khẳng định thương hiệu cho nông sản chủ lực của địa phương.
Yên Châu xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm giúp tiêu thụ sản phẩm. Ảnh internet.
Những năm gần đây, Xoài được xác định là cây trồng chủ lực của huyện Yên Châu. Để phát triển cây ăn quả này trên địa bàn, Yên Châu đã xây dựng đề án phát triển, bảo tồn giống xoài; phối hợp với các sở, ban, ngành chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn người dân trồng theo hướng hữu cơ. Hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã về bao bì, quảng bá và giới thiệu sản phẩm; truy xuất nguồn gốc, xây dựng điểm thu mua, sơ chế sau thu hoạch.
Huyện Yên Châu được biết đến với thương hiệu “xoài tròn” được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa vào danh mục nguồn gen cây trồng quý hiếm và được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “xoài tròn Yên Châu” tại 03 xã Chiềng Pằn, Sặp Vạt, Viêng Lán.
Không chỉ được biết đến với xoài tròn địa phương, Yên Châu cũng được biết đến với nhiều loại nông sản như: Chuối sấy dẻo, chuối sấy giòn, tỏi đen Yên Châu, hoa đu đủ đực sấy lạnh, lê Tai nung...
Huyện Yên Châu đã chú trọng xây dựng các sản phẩm OCOP, gắn với thế mạnh của địa phương. Trong đó, sản phẩm xoài sấy dẻo, chuối sấy giòn, chuối sấy dẻo, rượu chuối, tỏi đen Yên Châu và tinh bột nghệ được xếp hạng sản phẩm OCOP 3 và 4 sao.
Hiện nay, huyện có diện tích cây ăn quả trên 11.300 ha. Huyện đã xây dựng vùng quả an toàn, phát triển chuỗi liên kết: Trên địa bàn huyện có 62 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, các hợp tác xã tập trung chủ yếu vào sản xuất quả cây ăn quả chủ yếu là cây nhãn, xoài, mận.
Đến nay đã có 32/62 hợp tác xã sản xuất quả an toàn theo quy trình VietGAP với diện tích là trên 773 ha sản lượng quả đạt trên 7.500 tấn; quản lý 67 mã số vùng trồng cho cây ăn quả, với diện tích trên 1.140 ha, sản lượng trên 9.750 tấn.
Tiếp tục nghiên cứu, tuyên truyền vận động nhân dân phát triển trồng mới thêm một số loại giống cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương như lê, chanh leo…
Yên Châu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, tập trung phát triển cây ăn quả gắn với tiêu thụ và xuất khẩu nông sản. Ảnh internet.
Huyện xác định đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, tập trung phát triển cây ăn quả gắn với tiêu thụ và xuất khẩu nông sản. Từ đó, thay đổi tư duy sản xuất của các hợp tác xã, nông dân trong huyện Yên Châu, hình thành được nhiều mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, từng bước khẳng định chất lượng sản phẩm, cho giá trị kinh tế cao.
Để việc quảng bá, giới thiệu nông sản đạt hiệu quả cao, huyện Yên Châu cũng phối hợp xây dựng nhiều điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP tại các xã, phường. Đồng thời, hướng dẫn người dân ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá, kết nối tiêu thụ nông sản thông qua việc hỗ trợ xây dựng website bán hàng, tiếp thị sản phẩm, tập huấn kỹ năng tham gia các sàn thương mại điện tử...
Đến nay, hình thức tiêu thụ nông sản trên địa bàn ngày càng đa dạng, gắn kết giữa phát triển du lịch với quảng bá và tiêu thụ nông sản...
Nhằm kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, thời gian tới, Yên Châu tiếp tục đẩy mạnh hoạt động quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử; thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; khuyến khích các doanh nghiệp ký kết hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp của địa phương…