Cơ hội đi kèm thách thức chuyển đổi số khi phổ cập công nghệ 5G
Các nhà mạng lớn gồm VNPT, MobiFone, Viettel đã triển khai thí điểm thương mại mạng 5G tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Bình Phước. Về lý thuyết, với tốc độ cao hơn 10 lần so với 4G hiện tại, 5G được kỳ vọng sẽ giải quyết các bài toán khó hơn về mạng
Những yếu tố về hạ tầng viễn thông
Có thể nói năm 2020 là năm 3 nhà mạng lớn tiến hành lắp đặt thử nghiệm kỹ thuật và thử nghiệm thương mại để có những bước đi có tính chiến lược cho năm 2021 và những năm tiếp theo.
Đo thử tốc độ tải của mạng 5G tại Hà Nội |
Khi tiến hành công bố triển khai thử nghiệm thương mại 5G, đồng loạt các nhà mạng đều truyền thông những yếu tố nổi bật của công nghệ này như: Mạng 5G là công nghệ di động thế hệ thứ 5, được đánh giá có tốc độ nhanh gấp khoảng 10 lần so với 4G, cho phép người dùng xem video chất lượng cao 4K/8K, tương tác thực tế ảo (VR)... Cùng với đó, với độ trễ gần như bằng 0 của mạng 5G sẽ giúp hiện thực hóa việc ứng dụng các công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo), IoT (internet kết nối vạn vật) để phát triển các dịch vụ, như xe tự lái, phẫu thuật từ xa...
Theo các chuyên gia viễn thông, việc thử nghiệm hiện nay luôn đạt tốc độ cao bởi thực tế thiết bị truy cập ít (khoảng 1.000 thiết bị tại Hà Nội có thể truy cập 5G). “Điều này cũng được ví như vừa xây dựng xong đường cao tốc đang trong giai đoạn chạy thử nghiệm khi chỉ có một vài xe chạy. Tuy nhiên, đưa vào chạy thực tế còn phải tính nhiều yếu tố khác như mật độ lưu thông, hạ tầng”, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam chia sẻ.
Bên cạnh đó, do sử dụng băng tần cao, nên để đạt chất lượng như lý thuyết cần số trạm thu phát sóng (trạm BTS) gấp 4-5 lần hiện tại. Điều này sẽ liên quan lớn đến hạ tầng lắp đặt trạm, nhất là với những thành phố đông dân như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Trong khi đó, chuyên gia về giải pháp và sản phẩm vô tuyến Huawei Việt Nam cho rằng, hiện các thành phố lớn có khoảng 70-80% trạm lắp trên mái nhà nên không đủ không gian để treo thiết bị 5G. Do đó, các nhà mạng nên tập trung giải pháp phù hợp mạng lưới để giảm chi phí và thời gian triển khai. Ở nhiều nước, đây là vấn đề lớn vì chi phí xây dựng hạ tầng và chi phí thuê hàng tháng lớn, thời gian xin phép lâu.
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Phan Tâm, mạng 5G sẽ là nền tảng hạ tầng để phát triển giao thông thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh, nông nghiệp thông minh… Công nghệ 5G cùng với trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn, kết nối cho phép doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào hệ sinh thái kết nối đa dạng góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
“Mạng 5G với ưu điểm kết nối vạn vật tốc độ cao nhưng lại sử dụng băng tần cao và phủ sóng giới hạn nên số lượng phát sóng trạm 5G sẽ lớn hơn rất nhiều. Trong quá trình triển khai thử nghiệm thương mại mạng 5G, Bộ TT&TT mong muốn cùng với các địa phương, nhất là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh quan tâm xử lý những vướng mắc về hạ tầng. Bên cạnh đó, việc sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật với các doanh nghiệp viễn thông và doanh nghiệp điện, nước, giao thông để tối ưu hóa chi phí doanh nghiệp. Bộ TT&TT mong muốn sự phối hợp của các địa phương để tạo hành lang pháp lý, tạo điều kiện sử dụng hạ tầng kỹ thuật cho triển khai xây dựng hạ tầng mạng 5G”, Thứ trưởng Phan Tâm cho biết.
Bài toán hiệu quả kinh doanh và chuyển đổi số
Trong quá trình triển khai thử nghiệm thương mại 5G của các nhà mạng, ở góc độ quản lý Nhà nước, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông đánh giá, với 5G, cơ hội để doanh nghiệp phát triển các phần mềm, thiết bị cho mạng 5G, cơ hội cho ngành sản xuất thiết bị đầu cuối của Việt Nam tham gia thị trường cung cấp thiết bị đầu cuối 5G. Đặc biệt là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp xây dựng mô hình kinh doanh phù hợp khi được chính thức cấp phép 5G; xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh khi dự kiến tham gia đấu giá tần số 5G; dựa vào mô hình kinh doanh để dự kiến mức trả giá, chi phí sử dụng tài nguyên trong tương lai. Việc thử nghiệm thương mại giúp nhà mạng xây dung kế hoạch sản xuất kinh doanh sát thực tế hơn, người dùng trải nghiệm tính năng tốc độ cao.
Trải nghiệm thực tế ảo công nghệ 5G. |
"Điểm nổi bật của 5G là cung cấp các dịch vụ có độ trễ thấp, mật độ thiết bị kết nối 5G trong khu vực nhỏ rất cao. Đây là điểm nổi bật trong các khu công nghiệp (KCN), khu nghiên cứu phát triển. Sẽ có một số KCN được phủ sóng 5G, cơ hội để doanh nghiệp tìm hiểu nhu cầu của các KCN, cung cấp các dịch vụ cần thiết cho các KCN. Chất lượng dịch vụ 5G sẽ được xây dựng, xác định khác biệt so với trước. Do đó, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành liên quan tốc độ cao của 5G đáp ứng nhu cầu thực tế của mỗi KCN, KCX, nhà máy sẽ khác nhau. Đây chính là yêu cầu, sở cứ để nhà mạng xây dựng chất lượng phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng khách hàng. Đó sẽ là cơ hội để nhà mạng mở rộng lĩnh vực kinh doanh trong tương lai", ông Nhã phân tích.
Theo ông Lê Nam Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, khi nói đến cơ hội của 5G cũng phải nói đến những thách thức đi kèm, điển hình như bài toán về chi phí hạ tầng, các thiết bị đầu cuối đã sẵn sàng chưa, khi nào sẽ triển khai đại trà... Công nghệ mới này cũng liên quan đến nhiều chủ thể khác nhau trong thị trường như nhà mạng viễn thông, nhà sản xuất thiết bị, cơ quan quản lý nhà nước, người tiêu dùng. Do đó, vị chuyên gia này cho rằng khi triển khai 5G cần phải tính toán để hài hòa lợi ích các bên.
Ông Lê Nam Thắng phân tích, về mặt công nghệ, 5G gây ấn tượng bởi giúp cung cấp dịch vụ với tốc độ cao gấp hàng chục lần công nghệ 4G, độ trễ thấp, có khả năng kết nối với hàng triệu thiết bị trong một km2... và đây cũng là điều mà các nhà sản xuất thiết bị viễn thông quốc tế (Huawei, Nokia, Ericsson...) luôn nhấn mạnh để thúc đẩy hoạt động kinh doanh sản phẩm. Tuy nhiên, với băng tần trung và cao hiện các nhà mạng đang thử nghiệm triển khai 5G thì sẽ yêu cầu số trạm thu và phát sóng (BTS) lớn, vùng phủ không rộng mà tập trung, từ đó dẫn đến việc nhà mạng sẽ tốn kém chi phí khi triển khai.
“Nếu Việt Nam triển khai 5G sớm so với thế giới sẽ tốn kém, nhưng nếu triển khai muộn sẽ hạn chế sự phát triển của nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế - xã hội. Do đó, cần phải chọn thời điểm triển khai phù hợp, thông thường đến khi có khoảng 10% dân số thế giới sử dụng công nghệ này thì mình triển khai là phù hợp. Trong khi đó, theo Ericsson, hiện thế giới mới có 4% dân số dùng 5G. Do đó, Việt Nam có thể cần tiếp tục 'ném đá dò đường' trước khi quyết định. Nếu triển khai sớm, trong bối cảnh lượng người dùng 5G trên toàn cầu còn quá ít thì giá thành thiết bị (điện thoại thông minh tích hợp 5G, trạm thu và phát sóng) vẫn còn đắt.”, ông Lê Nam Thắng chia sẻ kinh nghiệm.
Bên cạnh tính năng, với người dùng lại quan tâm nhiều đến giá cước, nhất là so với các công nghệ trước, chi phí đầu tư cho xây dựng mạng 5G cao hơn nhiều lần. Tuy nhiên, đại diện các nhà mạng cho rằng việc đưa ra mức giá cước sẽ phụ thuộc vào từng giai đoạn và theo từng gói dịch vụ. Theo ông Phạm Ngọc Tú, Trưởng ban Nghiên cứu và phát triển dịch vụ (Tổng công ty VinaPhone), với giai đoạn thử nghiệm thương mại, nhà mạng chỉ phủ sóng 5G ở một khu vực nhất định nên VinaPhone chưa đưa ra gói cước 5G riêng.
Có thể khẳng định công nghệ mạng 5G đang mở ra một trang mới cho cuộc cách mạng công nghệ thông tin. "Công nghệ mạng 5G là một cuộc đua, cuộc cạnh tranh. Ai nắm bắt được thời cơ, cung cấp đúng thời điểm và có tính toán hợp lý sẽ thắng", ông Lê Nam Thắng nhấn mạnh.
“Ứng dụng mạng 5G phục vụ hữu ích cho sản xuất thông minh và công nghệ cao. Công nghệ mạng 5G được xem là chìa khóa bước vào thời kỳ mới của tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, công nghệ máy học. Hạ tầng 5G đang dần được thúc đẩy ở nhiều quốc gia trên thế giới. Hầu hết các mạng di động lớn ở Vương quốc Anh, Châu Âu và Mỹ đều cung cấp dịch vụ 5G. Đặc biệt tại Việt Nam, 5G được kỳ vọng sẽ mang đến những trải nghiệm vượt bậc cho người dùng di động và là nền tảng quan trọng để thúc đẩy chuyển đổi số của các doanh nghiệp, chính quyền ”, ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết.