Cuối năm, “hàng chính hãng” mệt mỏi vì phải cạnh tranh “hàng nhái”
Cuối năm là thời điểm mua sắm cao điểm do nhu cầu tăng mạnh trong dịp lễ, Tết và các sự kiện khuyến mãi. Tuy nhiên, đây cũng là giai đoạn thị trường chứng kiến sự bùng nổ của hàng giả, hàng nhái và hàng nhập lậu.
Những doanh nghiệp làm ăn chân chính đang phải gồng mình cạnh tranh với hàng giả, hàng nhái để đạt mục tiêu doanh thu vụ Tết.
Giảm thị phần, doanh nghiệp lo lắng
Trong bối cảnh thị trường ngày càng phức tạp, hàng giả và hàng lậu đang trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với các doanh nghiệp chính hãng. Những sản phẩm kém chất lượng không chỉ làm xói mòn lòng tin người tiêu dùng mà còn trực tiếp chiếm lĩnh một phần lớn thị phần. Điều này khiến các doanh nghiệp chính hãng phải đối mặt với áp lực và thách thức lớn hơn bao giờ hết.
Một cuộc kiểm tra đột kích gần đây của các cơ quan chức năng vào 6 quầy thuốc tại Trung tâm phân phối dược phẩm & Trang thiết bị y tế Hapulico (còn gọi là chợ thuốc Hapulico) có địa chỉ tại số 1 Nguyễn Huy Tưởng, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội phát hiện cả 6 Quầy thuốc đều có hành vi vi phạm hành chính. Những hành vi vi phạm của 6 quầy thuốc trên đều liên quan đến kinh doanh hàng hóa nhập lậu là thực phẩm. Mặt hàng các quầy thuốc vi phạm đang kinh doanh có sự tương tự gây nhầm lẫn đến sản phẩm sâm có nhãn hiệu JungKwanJang của Tập đoàn Sâm Hàn Quốc. Hơn 10.000 chai nước hoa không rõ nguồn gốc, nghi hàng giả cũng đã bị Tổng cục Quản lý thị trường phát hiện và tạm giữ sau cuộc kiểm tra đột xuất tại một cơ sở kinh doanh ở số 286 đường Nguyễn Xiển, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
“Các sản phẩm hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguốn gốc thường đánh vào nhu cầu giá rẻ, sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng, và thường không đạt yêu cầu về chất lượng. Ngành hàng như thời trang, điện tử, mỹ phẩm là ngành hàng có nhiều sản phẩm bị làm giả, làm nhái. Các mặt hàng nhập lậu không rõ nguồn gốc như đồ ăn uống, mỹ phẩm và thiết bị điện tử cũng đang chiếm thị phần không nhỏ. Các mặt hàng này còn phát triển mạnh trên các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc kiểm soát thương hiệu. Doanh thu dịp cuối năm từ ngành hàng tiêu dùng sẽ khó đạt được mục tiêu đặt ra dù đã chủ động giảm 30% so với kế hoạch năm 2023”- bà Nguyễn Thị Hồng, chủ chuỗi siêu thị mini T-Mart Hà Nội lo lắng.
Theo ông Nguyễn Văn Quang, Giám đốc Công ty may mặc Quang Phát (Hà Nội): Doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc kiểm soát hàng giả. Để ra được một mẫu mới tiêu tốn rất nhiều thời gian và chi phí của doanh nghiệp nhưng lên kệ chỉ 2 ngày thôi là hàng giả, hàng nhái đã xuất hiện rồi. Các kênh phân phối không chính thức, bao gồm chợ đen và các nền tảng trực tuyến không được kiểm soát chặt chẽ, tạo điều kiện cho hàng giả xâm nhập. Việc triển khai các giải pháp công nghệ như tem chống giả, blockchain hay AI để giám sát và phát hiện hàng giả đòi hỏi nguồn lực lớn, không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng được. Vậy nên cận Tết, khi tung ra sản phẩm mới, doanh nghiệp vừa phải lo bán hàng, vừa phải lo cạnh tranh với hàng giả, hàng nhái, vô cùng vất vả.
Hàng giả không chỉ ảnh hưởng đến doanh thu mà còn buộc các doanh nghiệp chính hãng phải thay đổi chiến lược kinh doanh để cạnh tranh. “Hàng giả thường bán rất rẻ, buộc các doanh nghiệp chính hãng phải điều chỉnh chiến lược giá hoặc cung cấp các chương trình khuyến mãi để giữ chân khách hàng. Tại các thị trường nơi hàng giả chiếm lĩnh, doanh nghiệp chính hãng khó có cơ hội bứt phá doanh thu dịp cuối năm”- ông Quang nhận định.
Đầu tư mạnh vào chuỗi cung ứng và chuyển đổi số
Hàng nhập lậu và hàng nhái được bán với giá rẻ, đặt các doanh nghiệp chân chính đứng trước nguy cơ mất thị phần. Việc người dùng chọn mua hàng giả, nhập lậu ảnh hưởng trực tiếp tới doanh thu của các doanh nghiệp chính thống. Lâu dài, doanh nghiệp không có doanh thu đủ để đầu tư vào nghiên cứu, phát triển sản phẩm, dẫn đến tình trạng bị tụt hậu.
Các công nghệ như blockchain để truy xuất nguồn gốc hoặc QR code để xác thực sản phẩm giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận biết hàng thật; Phát triển các kênh phân phối chính thức như cửa hàng trực tuyến, sàn thương mại điện tử uy tín để giảm sự phụ thuộc vào các kênh dễ bị hàng giả thâm nhập; Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để tăng cường kiểm tra và xử phạt các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả… đang được một số doanh nghiệp ứng dụng để đối phó với hàng giả, hàng nhái
“Tuy nhiên hàng giả và hàng lậu thường xâm nhập qua các kênh phân phối không chính thức. Để giải quyết vấn đề này, các doanh nghiệp đang tăng cường các biện pháp xây dựng và kiểm soát chuỗi cung ứng để đảm bảo rằng sản phẩm được cung cấp đầy đủ, đúng giá và đúng nguồn gốc.
“Trong bối cảnh người tiêu dùng ưa chuộng mua sắm online, việc chuyển đổi số và đầu tư vào các nền tảng kỹ thuật số, tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp là xu thế bắt buộc. Bên cạnh đó, việc sử dụng AI và dữ liệu lớn (“big data”) trong việc phân tích hành vi khách hàng, cá nhân hóa trải nghiệm mua sắm, và dự báo xu hướng là những yếu tố góp phần quan trọng vào việc giữ thị phần cho doanh nghiệp. Lãi suất năm 2025 dự kiến sẽ duy trì ở mức cao hơn so với năm 2024 nhưng chắc chắn nhiều doanh nghiệp vẫn chú trọng đầu tư các giải pháp công nghệ, bảo vệ sản phẩm chính hãng”- ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Công ty giải pháp công nghệ Hitech Hà Nội nhận định.
Việc đối phó với hàng giả và hàng lậu là một bài toán không hề dễ dàng, tuy nhiên, bằng các chiến lược đúng đắn như đầu tư vào chất lượng, tăng cường chuyển đổi số và hợp tác với chính quyền, doanh nghiệp hoàn toàn có thể duy trì thị phần và phát triển bền vững.
Văn bản 133/KH-BCĐ389 ban hành Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 do Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã ký có nội dung tập trung kiểm soát chặt chẽ các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, đại lý, sàn thương mại điện tử (đặc biệt là sàn giao dịch giá rẻ xuyên biên giới), các trang mạng xã hội (facebook, zalo, tiktok...) mua, bán trực tuyến, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng hoạt động kinh doanh để mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ...