Hành trình xây dựng thương hiệu VietABank - Ngân hàng TMCP Việt Á
Không chỉ là ngân hàng hoạt động mạnh trong lĩnh vực ngân hàng mà thương hiệu VietABank còn có thế mạnh trong việc đầu tư bất động sản và hỗ trợ đầu tư các dự án khác ngoài vay vốn và gửi tiết kiệm. Thế nhưng, trong hành trình phát triển thương hiệu,
Thương hiệu VietABank thuộc Ngân hàng TMCP Việt Á, được thành lập vào tháng 7/2003, có trụ sở chính tại Toà nhà Samsora Premier, số 105 đường Chu Văn An, phường Yết Kiêu, quận Hà Đông, TP Hà Nội do ông Phương Thành Long làm Chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Văn Trọng giữ vị trí Quyền Tổng giám đốc.
Trải qua 20 năm hoạt động, VietABank đã và đang từng bước xây dựng và phát triển vững mạnh, đạt nhiều thành tựu và dần khẳng định vị thế là đơn vị tài chính tiên phong. Với phương châm “Đồng hành cùng khát vọng”, VietABank không chỉ là điểm tựa an toàn cho khách hàng cá nhân mà còn sát cánh với các doanh nghiệp trong sự nghiệp phát triển kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, trong hành trình xây dựng, phát triển thương hiệu, VietABank gặp phải không ít thăng trầm như: Lợi nhuận dương - dòng tiền âm, kinh doanh và đầu tư tài chính kém hiệu quả, thậm chí có những kỳ, luỹ kế lưu chuyển tiền thuần trong kỳ âm hơn 14.976 tỷ đồng. Đáng nói, VietABank đã cấp tín dụng cho nhiều doanh nghiệp bất động sản khi chưa đủ điều kiện vay vốn với dư nợ hàng nghìn tỷ đồng...
Lợi nhuận dương, dòng tiền âm
Theo tìm hiểu cúa Thương hiệu & Công luận, những năm gần đây Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) ghi nhận những gam màu sáng - tối trong tổng thể bức tranh kinh doanh. Cụ thể, tuy lợi nhuận tăng trưởng ấn tượng nhưng dòng tiền âm khá mạnh, đầu tư tài chính kém hiệu quả, thậm chí có những năm lưu chuyển tiền thuần trong kỳ âm hơn 2.359,6 tỷ đồng; luỹ kế lưu chuyển tiền thuần trong kỳ âm hơn 14.976 tỷ đồng. Đáng nói, VietABank đã cấp tín dụng cho nhiều doanh nghiệp bất động sản khi chưa đủ điều kiện vay vốn với dư nợ hàng nghìn tỷ đồng.
Dữ liệu báo cáo tài chính (BCTC) quý II/2023 cho thấy, VietABank đạt 432,2 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 5% so với cùng kỳ. Mảng thu nhập chính của ngân hàng là hoạt động dịch vụ đem về cho VietABank 24,1 tỷ đồng, tăng 5,2% so với cùng kỳ. Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư đạt hơn 20 tỷ đồng, tăng gấp 4,2 lần so với cùng kỳ. Ở chiều ngược lại, lãi từ kinh doanh ngoại hối giảm 12,5% xuống còn 2,1 tỷ đồng. Còn mảng mua bán chứng khoán kinh doanh ghi nhận lỗ 17,3 tỷ đồng.
Tại thời điểm ngày 30/6/2023, VietABank ghi nhận chi phí hoạt động ở mức 211 tỷ đồng. Đồng thời, nhà băng này đã cắt giảm gần một nửa chi phí dự phòng tín dụng rủi ro xuống còn 7,9 tỷ đồng.
Lũy kế từ đầu năm, VietABank đạt lợi nhuận sau thuế 423,6 tỷ đồng; giảm 15,39% so với cùng kỳ.
Về dòng tiền, luỹ kế từ đầu năm đến thời điểm 30/6/2023, dòng tiền hoạt động kinh doanh âm tới 7.159 tỷ đồng. Trong khi đó, cùng kỳ năm 2022, VietABank cũng ghi nhận âm tới 8.492 tỷ đồng; Dòng tiền hoạt động đầu tư cũng âm hơn 21,8 tỷ đồng, trong khi đó cùng kỳ năm 2022, VietABank cũng ghi nhận âm 12,3 tỷ đồng. Do hai dòng tiền kinh doanh và đầu tư trong quý II/2023 của VietABank đều ghi nhận ở mức âm, dẫn đến lưu chuyển tiền thuần trong kỳ âm tới 7.181 tỷ đồng (cùng kỳ cũng ghi nhận mức âm 8.505 tỷ đồng).
Dù dòng tiền hoạt động kinh doanh và tài chính ghi nhận mức âm hàng nghìn tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thế của VietABank trong quý II/2023 ghi nhận mức tăng trưởng tương đối khả quan với mức lãi sau thuế đạt 203,9 tỷ đồng, tăng hơn 26% so với cùng kỳ.
Trước đó, VietABank cũng ghi nhận luỹ kế từ đầu năm đến hết quý I/2023, dòng tiền hoạt động kinh doanh âm 14.959,3 tỷ đồng; dòng tiền hoạt động đầu tư âm 17,5 tỷ đồng. Do vậy, luỹ kế lưu chuyển tiền thuần trong kỳ ghi nhận âm 14.976,9 tỷ đồng. Mặc dù dòng tiền âm, nhưng lợi nhuận sau thuế của VietABank vẫn ghi nhận mức 219,6 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia, trường hợp tiền thu vào nhỏ hơn tiền chi ra cho thấy, doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình tiêu thụ sản phẩm hoặc khó thu hồi tiền. Điều này, chỉ đồng nghĩa với việc doanh nghiệp chỉ ghi nhận lãi trên sổ sách chứ chưa thu được tiền về. Khi đó, doanh nghiệp sẽ phải bù đắp bằng dòng tiền đầu tư hoặc dòng tiền hoạt động tài chính như nợ vay, huy động thêm vốn từ cổ đông, thanh lý tài sản… để có được lượng tiền mặt. Song, phổ biến hơn cả vẫn là tăng cường vay mượn. Việc quản trị dòng tiền là vấn đề luôn được các chuyên gia lưu ý đối với các doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh để tránh rơi vào tình trạng âm dòng tiền.
Quay trở lại với bức tranh tài chính của VietABank giai đoạn 2018-2022, lưu chuyển tiền thuần cũng không mấy khả quan khi dòng tiền hoạt động kinh doanh có nhiều “thăng trầm”. Kéo theo đó, dòng tiền đầu tư luôn trong trạng thái âm.
Cụ thể, năm 2018, dòng tiền kinh doanh của VietABank ghi nhận 4.063,4 tỷ đồng và dòng tiền đầu tư âm 5,3 tỷ đồng. Năm 2019, dòng tiền kinh doanh của VietABank bất ngờ âm tới 1.222,4 tỷ đồng và dòng tiền đầu tư âm 19,9 tỷ đồng. Do vậy, lưu chuyển tiền thuần trong năm cũng bất ngờ từ mức dương 4.058 tỷ đồng xuống âm 1.242 tỷ đồng. Năm 2020 dòng tiền kinh doanh của VietABank đạt 1.817 tỷ đồng và tăng vọt 7.828,8 tỷ đồng vào năm 2021. Tuy nhiên, sang năm 2022, con số từ 7.828,8 tỷ đồng (dòng tiền kinh doanh năm 2021) bất ngờ “sụt giảm” xuống mức âm 2.330,5 tỷ đồng. Kết quả, lưu chuyển tiền thuần trong năm âm 2.359,6 tỷ đồng.
Sau nửa đầu năm, nợ nghi ngờ VietABank tăng
Tính đến ngày 30/6/2023, tổng tài sản của VietABank đạt 104.618 tỷ đồng, giảm 0,5% so với hồi đầu năm. Trong đó, tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước tăng 2,9% lên 1.414 tỷ đồng; Tiền, vàng gửi tại tổ chức tài chính khác giảm 33,5%; cho vay khách hàng tăng 6,7% so với đầu năm lên mức 65.956 tỷ đồng.
Về chất lượng nợ vay, tổng nợ khó thanh khoản (nợ xấu) tại thời điểm 30/6/2023 của VietABank ở mức 1.659,6 tỷ đồng, tăng 702,3 tỷ đồng (tương đương tăng vọt 73,4%, gấp 1,7 lần) so với hồi đầu năm 2023.
Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) giảm 50% ghi nhận mức hơn 7 tỷ đồng. Nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) chiếm chủ yếu với mức hơn 923,7 tỷ đồng. Đáng chú ý, nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng mạnh nhất, gấp 24 lần con số đầu năm, lên 728,8 tỷ đồng. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu của VietABank tăng từ 1.53% lên mức 2,5%.
Hạng mục “tài sản có khác” của VietABank ghi nhận 12.270 tỷ đồng, trong đó “các khoản lãi, phí phải thu” (lãi dự thu) ở mức 7.919 tỷ đồng, tăng hơn 2.000 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm.
Trước đó, năm 2022, 2021 tổng nợ khó thanh khoản của VietABank cũng ghi nhận 957,3 tỷ đồng (tỷ lệ 1,53% tổng dư nợ) và 1.027,9 tỷ đồng (tỷ lệ 1,88% tổng dư nợ).
Tại thời điểm 31/12/2017, tổng dư nợ cho vay của VietABank là 38.770 tỷ đồng, nợ xấu là 525,7 tỷ đồng, chiếm 1,36% tổng dư nợ. Đến thời điểm 30/6/2018, tổng dư nợ cho vay là 37.673 tỷ đồng, nợ xấu là 941 tỷ đồng (tăng 415,3 tỷ đồng) chiếm 2,5% tổng dư nợ, nếu tính cả bán nợ cho VAMC chưa xử lý thì tỷ lệ nợ xấu là 8,2% tương ứng 3.504 tỷ đồng.
VietABank cho hàng loạt doanh nghiệp bất động sản vay khi chưa đủ điều kiện
Theo Thanh tra Chính phủ hàng loạt hợp đồng cấp tín dụng cho các doanh nghiệp của VietABank có vi phạm không đúng các quy định của pháp luật.
Cụ thể, VietABank đã cấp tín dụng cho một loạt doanh nghiệp bất động sản gồm: Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại HSTC, Công ty TNHH hợp tác Thương mại Nam Bình, Công ty TNHH đầu tư đô thị An Phú, Công ty TNHH Xây dựng thương mại và Dịch vụ LT, Công ty TNHH Thương mại xây dựng và Đầu tư Hà Thủy, Công ty CP Dịch vụ Đầu tư nhà đất Nhật Anh, Công ty TNHH Đĩa ốc Phú Gia Green, Công ty CP Tập đoàn Xây dựng và Phát triển Nhà Vicoland, Công ty CP Đầu tư Phát triển Hưng Thịnh Việt Nam, Công ty TNHH Đầu tư đô thị Gia Phát, Công ty CP Đầu tư PHD và Công ty CP Đầu tư Bất động sản Vạn Phúc, Công ty CP Điện Bình Thủy Lâm Đồng, Công ty CP Đầu tư Toàn Cầu.
Tổng số vốn tín dụng cấp cho 14 doanh nghiệp của VietABank là 6.510 tỷ đồng.
“VietABank phê duyệt cho Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại HSTC vay khi Dự án chưa đầy đủ hồ sơ pháp lý (chưa có giấy phép quy hoạch, quyết định chấp nhận chủ trương đâu tư, quyết định giao đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng) chưa đúng theo quy định tại Điều 7 “Điều kiện vay vốn” Quyết định số 1627 của Ngân hàng Nhà nước năm 2001.
Công ty HSTC không đủ điều kiện làm chủ đầu tư dự án theo quy định của Luật Đất đai (theo báo cáo tài chính năm 2015, doanh nghiệp chưa có doanh thu, vốn tự có là 200 tỷ đồng, nhỏ hơn 15% tổng mức đầu tư dự án).
VietABank chưa thu thập đầy tủ chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn vay; chưa có chứng từ hoàn ứng khoản giải ngân trước cho Công ty Cổ phần đầu tư đô thị Hồ Tây theo hợp đồng tổng thầu số 01 (2015) số tiền là 400 triệu đồng” - Kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu.
Hợp đồng tín dụng với Công ty TNHH Hợp tác Thương mại Nam Bình tại thời điểm phê duyệt cấp tín dụng chưa đầy đủ hồ sơ pháp lý (chưa có giấy phép xây dựng, chưa đủ điều kiện huy động vốn).
Dự án của Công ty TNHH đầu tư đô thị An Phú được cấp tín dụng khi chưa có quyết định giao đất và chưa có giấy phép xây dựng.
Đối với hợp đồng tín dụng Công ty CP Đầu tư Bất động sản Vạn Phúc, ngân hàng VietABank cho khách hàng vay góp vốn hợp tác theo các hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh không có hiệu lực pháp lý theo Nghị định 99 (năm 2015) của Chính phủ, chưa đúng các quy định về điều kiện vay vốn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (dự án chưa có quyết định điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết 1/500, chưa giải phóng mặt bằng xong, chưa có biên bản bàn giao mốc giới dự án, chưa đủ điều kiện huy động vốn)…
Những hợp đồng tín dụng còn lại vi phạm những lỗi tương tự khi VietABank cấp vốn cho các dự án chưa đủ điều kiện pháp lý. Trong đó 2 hợp đồng tín dụng cơ cấu nhóm nợ 1 không đúng phải chuyển sang nhóm nợ 4 và 5 (nhóm nợ có nguy cơ mất vốn).
Thanh tra Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước: “Xử lý theo thẩm quyền đối với các khuyết điểm, vi phạm trong việc cấp tín dụng của các ngân hàng thương mại cổ phần. Đối với một số khoản cho vay có vi phạm, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước đã được tổ chức tín dụng tất toán, Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là việc đảo nợ, đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật”.
Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin về hành trình xây dựng thương hiệu của Viet ABank!