Hướng tới xử lý 100% cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng
Hoàn thiện thể chế chính sách, tạo chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động, đưa công tác bảo vệ môi trường (BVMT) trở thành trụ cột của quá trình phát triển bền vững là một trong những thành công của công tác BVMT của Việt Nam trong năm vừa qua.
Thay đổi nhận thức
Thành công lớn của công tác BVMT trong năm vừa qua chính là Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) đã được thông qua - đây là quyết sách tổng thể, toàn diện, đồng bộ, đột phá, đưa công tác BVMT trở thành trụ cột của quá trình phát triển bền vững. Luật BVMT (sửa đổi) đã thiết lập hành lang pháp lý đồng bộ trong bảo vệ đa dạng sinh học, quản lý sinh vật biến đổi gen, phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất. Xây dựng Chiến lược quy hoạch BVMT quốc gia, bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia, tổng thể quan trắc môi trường quốc gia để bảo vệ, phục hồi môi trường sống, bảo vệ sinh thái cho các thế hệ tương lai.
Một điểm thu gom rác tái chế tại TP. Hà Nội |
Năm 2020, với sự hỗ trợ đồng hành của các cơ quan thông tấn, báo chí, công tác BVMT đã có sự chuyển biến từ nhận thức đến hành động. Các cơ quan quản lý nhà nước đã từng bước đổi mới tư duy quản lý, chuyển trọng tâm từ bị động ứng phó sang chủ động kiểm soát, giám sát nguồn thải, đảm bảo an toàn môi trường, đóng góp tích cực vào tăng trưởng.
Bên cạnh đó, công tác công bố thông tin chất lượng môi trường đã đạt bước tiến quan trọng. Thông qua việc xây dựng, đưa vào khai thác ứng dụng cung cấp thông tin chất lượng môi trường (VN Air) trên thiết bị di động, chỉ số chất lượng môi trường không khí (VNAQI) đã được công bố thông tin trực tuyến trên phạm vi toàn quốc cho cộng đồng và phần mềm quản lý dữ liệu quan trắc tự động (Envisoft) dùng cho cơ quan quản lý để theo dõi, quản lý dữ liệu, giám sát các số liệu quan trắc môi trường trên toàn quốc.
Đối với chất thải rắn, tỷ lệ được thu gom, xử lý tại khu vực nội thành, nội thị đạt khoảng 92%, tại khu vực ngoại thành tại các đô thị đạt khoảng 66%; nhiều địa phương đã thực hiện mô hình xử lý rác thải theo hình thức đốt rác phát điện thay cho chôn lấp và đang triển khai 12 dự án với công suất gần 15 nghìn tấn/ngày. Tỷ lệ các khu công nghiệp (KCN) có hệ thống nước thải tập trung đạt 90%, tăng 12,7% so với năm 2016, trong đó, số lượng KCN đã đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc nước thải tự động, liên tục đạt 78,2%, tăng 50% so với năm 2016…
Năm 2020, cơ quan quản lý môi trường tại các địa phương cũng đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan phát hiện, xử lý nghiêm 12.000 vụ vi phạm môi trường (giảm 4,26% so với cùng kỳ năm 2019). Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong ý thức, trách nhiệm BVMT của người dân, doanh nghiệp; thu hút được sự hưởng ứng rộng rãi trong phòng, chống giảm thiểu rác thải nhựa.
Những mục tiêu lớn
Năm 2021 và những năm tiếp theo, Việt Nam đặt mục tiêu xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đạt 100%; 90% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các đô thị được thu gom và xử lý; phấn đấu tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt xử lý bằng phương pháp tái chế, đốt rác phát điện thay cho chôn lấp trực tiếp đạt 30% so với lượng chất thải được thu gom; 100% tổng lượng chất thải rắn nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ sở y tế, làng nghề phải được thu gom, xử lý; 100% tổng lượng chất thải rắn công nghiệp thông thường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và làng nghề phát sinh được thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý; 70% tổng lượng tro, xỉ, thạch cao phát sinh từ các nhà máy điện, nhà máy hóa chất, phân bón được tái chế, tái sử dụng và xử lý làm nguyên liệu sản xuất, vật liệu xây dựng, san lấp...
Để đạt được mục tiêu đó, Việt Nam sẽ tập trung quản lý môi trường các KCN, cụm công nghiệp, làng nghề; áp dụng chế tài để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường thực hiện các yêu cầu về BVMT thực hiện lộ trình chuyển đổi công nghệ. Đồng thời, thúc đẩy các cơchế khuyến khích ưu đãi về đất đai, thuế, lãi suất cho phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, ít phát thải... Phát triển công nghiệp môi trường, dịch vụ BVMT và tái chế chất thải. Thu hút đầu tư vào các khu tái chế, xử lý chất thải có tính liên vùng để nâng cao hiệu quả đầu tư, xử lý đồng bộ với công nghệ đảm bảo các tiêu chuẩn. Thúc đẩy phát triển một số đô thị, KCN, khu chế xuất theo mô hình tuần hoàn, ít phát thải
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng sẽ triển khai xây dựng hệ thống quan trắc về môi trường. Đẩy mạnh thực hiện các chương trình, kế hoạch khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường, kiểm kê, kiểm soát, di dời các nguồn ô nhiễm, nâng cao quy chuẩn khí thải từ phương tiện giao thông; đảm bảo quy chuẩn quy hoạch cây xanh, không gian công cộng trong các đô thị, khu dân cư, nhất là các thành phố lớn...
Có thể khẳng định năm 2020, mặc dù chịu sự tác động của đại dịch Covid-19, nhưng các hoạt động BVMT trong nước, hoạt động hợp tác, hội nhập quốc tế của Việt Nam tiếp tục được mở rộng, đóng góp nhiều sáng kiến ở quy mô toàn cầu, khu vực về giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa đại dương, ứng phó với biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường xuyên biên giới... qua đó khẳng định, nâng cao vai trò, trách nhiệm, vị thế của Việt Nam đối với quốc tế và khu vực.