Wednesday, Jul 23, 07:07 AM

Mảng màu sáng tối trong hoạt động kinh doanh của thương hiệu VPI - Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú Invest

Thương hiệu Văn Phú – Invest (VPI) không ngừng phấn đấu để nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ cũng như tính chuyên nghiệp và hiệu quả sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, trong hành trình xây dựng và phát triển thương hiệu, Văn Phú – Invest đã gặp phải

Mảng màu sáng tối trong hoạt động kinh doanh của thương hiệu VPI - Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú Invest
Mảng màu sáng tối trong hoạt động kinh doanh của thương hiệu VPI - Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú Invest

Trước đó, Thương hiệu & Công luận đăng tải bài viết: “Thương hiệu Văn Phú Invest & kỳ vọng chinh phục những nấc thang mới” liên quan đến quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu Văn Phú - Investthuộc Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú – Invest. Trong đó vấn đề kinh doanh, tài chính, đầu tư… của thương hiệu VPI được khách hàng, người tiêu dùng quan tâm hàng đầu. Trong hành trình xây dựng thương hiệu của mình, VPI đã gặp phải không ít những thăng trầm, khiến khách hàng, người tiêu dùng quan tâm về các quyền lợi được hưởng, đặc biệt là vấn đề tài chính khi đầu tư vào đây. Đây là những thử thách trong chiến lược phát triển để VPI có được niềm tin của khách hàng, người tiêu dùng, nhà đầu tư vào tính hiệu quả của những sản phẩm dầu. Vậy, VPI gặp phải những thăng trầm như thế nào?

Bức tranh xây dựng thương hiệu Văn Phú - Invest

Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tư vấn đầu tư, xây dựng, phát triển, kinh doanh bất động sản và cung cấp dịch vụ lưu trú. Hiện Văn Phú - Invest có 9 công ty con với vốn điều lệ 2.419 tỷ đồng, tổng tài sản 11.496 tỷ đồng. Về cơ cấu cổ đông, tính đến ngày 31/3/2023, Văn Phú - Invest có 3 cổ đông lớn, trong đó có 1 tổ chức là CTCP Đầu tư THG Holdings sở hữu 56,7 triệu cổ phiếu tương đương tỷ lệ 23.44%. Hai cổ đông lớn còn lại là Chủ tịch HĐQT công ty, ông Tô Như Toàn sở hữu 60,5 triệu cổ phiếu tương đương tỷ lệ 25% và ông Tô Như Thắng (em trai ông Toàn) nắm giữ 17 triệu cổ phiếu tương đương tỷ lệ 7.06%.

Nhìn lại báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất đã kiểm toán của Văn Phú - Invest giai đoạn từ 2016 đến quý I/2023 có thể thấy sự tăng trưởng phi mã về doanh thu của doanh nghiệp này. Cụ thể, tại BCTC hợp nhất năm 2016 cho thấy, doanh thu năm 2015 của Văn Phú Invest chỉ đạt 223,3 tỷ đồng thì trước thềm niêm yết cổ phiếu trên HNX (năm 2016) con số này tăng gấp 3 lần, đạt 772,1 tỷ đồng.

Vào năm 2017, thời điểm Văn Phú – Invest chính thức đưa cổ phiếu niêm yết trên HNX, doanh thu của công ty này đạt 875,4 tỷ đồng. Sang năm 2018, Văn Phú Invest chứng kiến doanh thu giảm mạnh về 258,2 tỷ đồng nhưng con số này đã tăng vọt hơn 10 lần, đạt mức 3.057 tỷ đồng vào năm 2019. Năm 2020, đại dịch Covid-19 con số đã giảm xuống còn 2.164 tỷ đồng và lên 2.610 tỷ đồng năm 2021. Tuy vậy, bước sang năm 2022, doanh thu của Văn Phú Invest đã giảm về mức 2.152 tỷ đồng.

Cùng với đà tăng của doanh thu, lãi ròng của Văn Phú Invest trong 7 năm kể trên cũng tăng mạnh. Từ chỗ lỗ ròng 3,8 tỷ năm 2015, lợi nhuận sau thuế của Văn Phú Invest đã tăng lên 21,9 tỷ đồng (2016); 418,8 tỷ đồng (2017); 435 tỷ đồng (2018) và đỉnh điểm là 510,8 tỷ đồng năm 2019. Sang năm 2020, lợi nhuận sau thuế sụt giảm còn 306,8 tỷ đồng; 344,1 tỷ đồng (năm 2021) và 492,3 tỷ đồng năm 2022.

Song hành cùng sự “tốc biến” của doanh thu là sự “phi mã” của nợ phải trả. Giai đoạn 2016-2022, nợ phải trả của Văn Phú - Invest đã tăng nhanh chóng từ 2.330 tỷ đồng (năm 2016); 1.700 tỷ đồng (năm 2017) lên 4.265 tỷ đồng (năm 2018) rồi 6.281 tỷ đồng (năm 2019) lên 6.745 tỷ đồng (năm 2020) và 7.337 (năm 2022). Tính ra, nợ phải trả đã tăng gấp nhiều lần trong giai đoạn trên.

Tổng tài sản và Nợ phải trả của Văn Phú Invest giai đoạn từ năm 2016 đến quý I/2023 (Nguồn: VPI)
Tổng tài sản và Nợ phải trả của Văn Phú Invest giai đoạn từ năm 2016 đến quý I/2023 (Nguồn: VPI).

Đáng chú ý, nợ vay của Văn Phú - Invest rất lớn và cũng liên tục tăng. Cụ thể, năm 2016, nợ vay mới chỉ ở mức 606 tỷ đồng, năm 2017 ở mức 613 tỷ đồng nhưng tới năm 2018 đã vọt lên 2.223 tỷ đồng (tăng gấp 3,6 lần). Đến năm 2019, nợ vay lại tăng gấp đôi so với năm 2018, lên 4.261 tỷ đồng trước khi giảm về 3.036 tỷ đồng năm 2020. Như vậy, tính chung giai đoạn này, nợ vay đã tăng gấp 6 lần. Đến năm 2022, nợ vay đang ở mức gần 4.000 tỷ đồng.

Hệ số nợ trên tổng tài sản và hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu (VCSH) của doanh nghiệp cũng vì thế mà tăng cao, lần lượt là 88,2% cao gấp 6,41 lần (năm 2016) VCSH; 63,4% cao gấp 1,7 lần (năm 2018) VCSH; 70% cao gấp 2,3 lần (năm 2019) VCSH; 69,5% cao gấp 2,2 lần (năm 2020) VCSH; 65,4% cao gấp 1,9 lần (năm 2021) và 66% cao gấp 1,95 lần năm 2022.

Nợ phải trả và Vốn chủ sở hữu của Văn Phú Invest giai đoạn từ năm 2016 đến quý I/2023 (Nguồn: VPI)
Nợ phải trả và Vốn chủ sở hữu của Văn Phú Invest giai đoạn từ năm 2016 đến quý I/2023 (Nguồn: VPI).

Tại BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2016, Văn Phú - Invest ghi nhận tổng tài sản đạt mức 2.693 tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2015. Nợ phải trả của Văn Phú - Invest cũng tăng 40% lên mức 2.330 tỷ đồng. Điều đáng chú ý là số nợ phải trả của Văn Phú - Invest đã chiếm tới 88,2%. So với số vốn chủ sở hữu hiện có của Văn Phú - Invest là 363 tỷ đồng, nợ phải trả đang cao gấp 6,41 lần vốn chủ sở hữu.

Về nguyên tắc, hệ số nợ phải trả càng nhỏ, có nghĩa là nợ phải trả chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng tài sản hay tổng nguồn vốn thì doanh nghiệp ít gặp khó khăn hơn trong tài chính. Hệ số này càng lớn thì khả năng gặp khó khăn trong việc trả nợ hoặc phá sản của doanh nghiệp càng lớn.

Báo cáo tài chính hợp nhất 2016 (Nguồn: VPI)
Báo cáo tài chính hợp nhất 2016 (Nguồn: VPI).

Đối lập với bức tranh doanh thu và lợi nhuận tươi sáng là dòng tiền kinh doanh liên tục âm hàng trăm tỷ trong nhiều năm qua. Cụ thể, tại BCTC hợp nhất năm 2015-2019, dòng tiền kinh doanh đã âm liên tiếp 5 năm, lần lượt là -555 tỷ đồng, -230 tỷ đồng, -414 tỷ đồng, -681 tỷ đồng, -761 tỷ đồng.

Giai đoạn từ 2017-2022, dòng tiền đầu tư cũng âm liên tiếp 6 năm, lần lượt là -155 tỷ đồng, -1.208 tỷ đồng, -465 tỷ đồng, -325 tỷ đồng, -1.211 tỷ đồng và -1.935 tỷ đồng (năm 2022).

Theo nhiều chuyên gia, dòng tiền kinh doanh và dòng tiền đầu tư âm liên tiếp nhiều năm là một chỉ báo về sức khoẻ tài chính không lành mạnh của doanh nghiệp. Theo đó, dòng tiền và lợi nhuận là 2 khâu hoàn toàn khác nhau.

Chia sẻ trên báo chí, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho hay: Doanh nghiệp có nhiều cách hạch toán để làm gia tăng lợi nhuận trên sổ sách. “Cho nên khi một nhà đầu tư xem báo cáo tài chính của doanh nghiệp mà không nhìn vào bảng cân đối dòng tiền, chỉ nhìn vào kết quả kinh doanh thì có thể họ sẽ bị lừa. Kể cả lợi nhuận cao nhưng doanh nghiệp vẫn có thể đứng trước nguy cơ phá sản bất cứ lúc nào”, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu khuyến nghị.

Trước thách thức các khoản nợ khó đòi

Không chỉ ghi nhận nợ phải trả cao gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2016 cho thấy, cơ cấu tài sản có điểm chú ý là giá trị khoản phải thu ngắn hạn rất lớn chiếm 37,2% tổng tài sản, đạt 1.002 tỷ đồng.

Cụ thể, đầu năm 2016, VPI ghi nhận các khoản phải thu ngắn hạn là 374,6 tỷ đồng. Trong đó, phải thu ngắn hạn của khách hàng là 77,9 tỷ đồng, phải thu dài hạn khác lên đến 166,5 tỷ đồng do vậy, đơn vị đã phải trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi lên đến 252 triệu đồng. Cuối năm 2016, các khoản phải thu ngắn hạn đã tăng lên 1.002 tỷ đồng cộng với đó VPI đã ghi nhận thêm khoản phải thu về cho vay ngắn hạn với giá trị 10,2 tỷ đồng.

Tại khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn, cuối năm 2016, VPI vẫn ghi nhận khoản nợ vay trị giá 326,1 tỷ đồng tại Ngân hàng TNHH Indovina – CN Thiên Long; 131,7 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam – CN Thăng Long và 89,5 tỷ đồng vay đối tượng khác. Theo BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2017, ngoài khoản vay trên thì VPI bắt đầu xuất hiện 279 tỷ đồng cho khoản vay dài hạn tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – CN Thủ Thiêm và Ngân hàng TNHH Indovina – CN Thiên Long với khoản vay 10,7 tỷ đồng; Ngân hàng TNHH Indovina – CN Thiên Long với giá trị khoản vay 268,2 tỷ đồng. Thuyết minh trong báo cáo, khoản vay dài hạn 279 tỷ đồng tại ngân hàng Vietcombank và IVB với mục đích thanh toán chi phí hợp lý, hợp lệ, hợp pháp đối với phần giải phóng mặt bằng để thực hiện hợp đồng BT dự án “Đầu tư xây dựng đoạn tuyến nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa - Quốc lộ 1. Thế chấp quyền tài sản, quyền đòi nợ phát sinh từ Công ty CP Văn Phú Bắc Ái.

Dữ liệu tài chính cho thấy, tại BCTC hợp nhất quý 4/2022, Văn Phú Invest đang ở thế khó với dự án BT Dự án Đường vành đai 2 nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (Quốc lộ 1). VPI đang “chôn” tới 1.920 tỷ đồng tại dự án này. Tuy nhiên, tại BCTC hợp nhất nhất kiểm toán năm 2022, con số 1.920 tỷ đồng tại dự án BT đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa đã được đưa về 0 đồng và không còn ghi nhận nữa.

BCTC hợp nhất quý 4/2022 và BCTC kết thúc năm 2022 (Nguồn: VPI)
BCTC hợp nhất quý 4/2022 và BCTC kết thúc năm 2022 (Nguồn: VPI).

Theo thuyết minh tại báo cáo, Dự án Đầu tư xây dựng đoạn tuyến nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa - Quốc lộ 1, quận Thủ Đức được thực hiện theo hợp đồng xây dựng - chuyển giao giữa UBND thành phố Hồ Chí Minh với liên danh các nhà đầu tư. Theo hợp đồng BT này, UBND thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm bàn giao một số khu đất cho Công ty CP Văn Phú Bắc Ái để thanh toán giá trị Hợp đồng BT.

Cũng tại BCTC năm 2022, mục nợ xấu Văn Phú – Invest cũng đang ghi nhận gần 83 tỷ đồng khoản nợ xấu với giá trị có thể thu hồi 22,3 tỷ đồng. Trong đó, Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội (giá trị gốc 11,1 tỷ đồng) và Công ty CP Kinh doanh dịch vụ cao cấp Dầu khí Việt Nam (PVR) với giá trị gốc 10 tỷ đồng. 2 đơn vị này giá trị có thể thu hồi được xác định là 0 đồng.

Hay khoản nợ xấu của một khách hàng cá nhân với giá gốc hơn 22 tỷ đồng, giá trị có thể thu hồi 9,3 tỷ đồng; nợ của một khách hàng cá nhân khác của giá gốc 10,5 tỷ đồng, giá trị có thể thu hồi chỉ 2,4 tỷ đồng; hay như nợ của một khách hàng cá nhân số 3 với giá gốc 10,8 tỷ đồng, giá trị có thể thu hồi 2,9 tỷ đồng;…

Nguồn: VPI
Nguồn: VPI

Được biết, VPI có 82,9 tỷ đồng nợ phải thu khó đòi tại 6 đơn vị (bao gồm: công ty, cá nhân và các đối tượng khác) tính đến thời điểm ngày 31/12/2022. Con nợ lớn nhất của VPI là các đối tượng khác với giá gốc là 18,1 tỷ đồng, giá trị có thể thu hồi 7,6 tỷ đồng còn khách hàng cá nhân số 1 có khoản nợ xấu hơn 22 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu, Dự án Đường vành đai 2 nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (Quốc lộ 1) được khởi công từ năm 2016 đến nay nhưng tiến độ vẫn chưa xong. Trong khi đó, một loạt nghĩa vụ tài chính với quy mô cả nghìn tỷ đồng đã phát sinh từ dự án này.

Cuối năm 2016, UBND thành phố Hồ Chí Minh và liên danh nhà đầu tư gồm Công ty cổ phần Đầu tư HNS Việt Nam - Công ty Cổ phần đầu tư Văn Phú Invest - Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư xây dựng Bắc Ái ký hợp đồng BT dự án đầu tư xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa - Quốc lộ 1. Giá trị hợp đồng là 2.765 tỷ đồng bao gồm 944 tỷ đồng giá trị dự án BT và 1.821 tỷ đồng chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng.

UBND thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị thanh toán hợp đồng BT cho nhà đầu tư tại 4 khu đất gồm: Khu đất tại số 234 - Lý Tự Trọng (quận 1) diện tích 642 m2; khu đất số 582 - đường Kinh Dương Vương (quận Bình Tân) diện tích 12.240 m2; khu đất số 132 - đường Đào Duy Từ (quận 10) diện tích hơn 10.618 m2 và khu đất số 12 - Kỳ Đồng (quận 3) diện tích đất 940 m2.

Một dự án đúng ra phải hoàn thành sau 24 tháng thi công, đến nay vẫn trong tình trạng bãi đất trống cỏ mọc um tùm và hàng trăm khối bê tông, sắt thép rỉ sét theo thời gian. Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng thậm chí còn chưa được hoàn tất. VPI đã ghi nhận khoản vay hàng nghìn tỷ đồng từ việc mang chính lợi ích từ dự án này thế chấp ngân hàng.

Hành trình tăng vốn của Văn Phú - Invest 

Vào cuối năm 2017, thị trường chứng khoán Việt Nam đón nhận mã cổ phiếu bất động sản VPI của Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú – Invest. Chỉ sau vài ngày sau khi niêm yết, giá trị cổ phiếu của Văn Phú - Invest tăng kịch trần 56,5% lên mức 43.200 đồng/cổ phiếu, đưa Chủ tịch của Văn Phú Invest là ông Tô Như Toàn lọt danh sách những tỷ phú giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Cổ phiếu VPI chính thức chào sàn với mức giá 27.600 đồng/CP
Cổ phiếu VPI chính thức chào sàn với mức giá 27.600 đồng/CP.

Riêng lần tăng vốn “khủng” trước thềm niêm yết, chỉ trong vòng 3 tháng (từ tháng 4 đến tháng 7/2017), Văn Phú Invest tăng vốn mạnh gấp 6 lần từ 262 tỷ lên 1.600 tỷ đồng thông qua 2 đợt phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Đáng chú ý, người nhà của ông Tô Như Toàn đã tiến hành mua lại cổ phiếu của VPI. Cụ thể, ông Tô Như Toàn Chủ tịch HĐQT công ty nắm 40 triệu cổ phiếu, chiếm 25% vốn điều lệ, cùng với Công ty Cổ phần Đầu tư THG Holdings nắm 37,5 triệu cổ phiếu tương đương 23,44% vốn điều lệ. Ông Tô Như Thắng (em trai ruột ông Tô Như Toàn) nắm hơn 11,3 triệu cổ phiếu, chiếm 7,06%, bà Đào Thị Hồng Hạnh (vợ ông Toàn) và Lê Châu Giang con gái của ông Tô Như Toàn mỗi người nắm 4 triệu cổ phiếu, tương đương 5%. Tức là các cổ đông này đã chi ra 1.338 tỷ đồng để nâng vốn cho VPI lên 1.600 tỷ.

Đến năm 2020, VPI tăng vốn điều lệ lên 1,999 tỷ đồng và lên 2,199 tỷ đồng năm 2021. Cho đến thời điểm hiện tại, VPI có vốn điều lệ là 2,419 tỷ đồng.

Tìm hiểu được biết, THG Holding được thành lập ngày 5/7/2017, ngay trước lần tăng vốn thứ 6 của Văn Phú Invest, địa chỉ tại số 177 phố Trung Kính, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội (hiện nay có địa chỉ trụ sở tại số 104 Thái Thịnh, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Hà Nội). Đây cũng chính là địa chỉ của Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú Invest. THG Holding có vốn điều lệ 375 tỷ đồng, cổ đông sáng lập là ông Tô Như Toàn, góp 217,5 tỷ đồng tương đương với 28% vốn điều lệ; vợ ông Toàn là bà Đào Thị Hồng Hạnh góp vốn 131,25 tỷ đồng tương đương với 35% vốn điều lệ và con gái ông Toàn là Lê Châu Giang góp 25,25 tỷ đồng, tương đương với 7% vốn điều lệ.

Ngay sau khi tăng vốn, VPI lập tức tiến hành bù trừ công nợ, thanh toán các khoản vay cá nhân, ngân hàng; đầu tư tài chính vào các công ty như Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển thương mại Văn Phú, Công ty Cổ phần Văn Phú số 1, Công ty cổ phần tài nguyên và môi trường Trường Minh; bổ sung vốn cho công ty con TNHH MTV Đầu tư Văn Phú-Giảng Võ,…

Cũng liên quan đến vấn đề trên, ngày 7/9/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành quyết định xử phạt về vi phạm hành chính đối với Công ty CP Đầu tư Văn Phú - Invest (mã chứng khoán VPI) do đã vi phạm quy định của pháp luật, không đăng ký chào mua công khai cổ phiếu. Cụ thể, ngày 25/6/2021, Văn Phú Invest mua 3.719.923 cổ phiếu của Công ty CP Thực phẩm Hà Nội (mã CK: HAF) dẫn đến số lượng nắm giữ sau khi giao dịch là 3.719.923 cổ phiếu (tương ứng tỷ lệ 25,65% vốn điều lệ của HAF nhưng không đăng ký chào mua công khai).

Chúng tôi thực hiện những bài viết này với mong muốn thương hiệu VPI luôn là thương hiệu "sản sinh" ra những sản phẩm thật uy tín, chất lượng cho người tiêu dùng; doanh nghiệp thì ngày càng phát triển bền vững.

Minh An – Gia Huy
Theo Thương Hiệu Công Luận https://thuonghieucongluan.com.vn/mang-mau-sang-toi-trong-hoat-dong-kinh-doanh-cua-thuong-hieu-vpi-cong-ty-co-phan-dau-tu-van-phu-invest-a196518.html Copylink